Giới thiệu: Bovine leukemia virus (BLV) là tác nhân gây bệnh bạch huyết bò (enzootic bovine leucosis), một trong những bệnh ung thư phổ biến trên bò sữa. BLV được tìm thấy trên đàn bò khắp thế giới và gây thiệt hại không nhỏ cho ngành chăn nuôi do giảm sản lượng sữa, giảm khả năng sinh sản và tuổi thọ của bò, làm tăng chi phí cho việc xét nghiệm, kiểm soát dịch cũng như tạo ra những rào cản cho việc xuất khẩu các sản phẩm từ bò. Các nghiên cứu đã chỉ ra tỷ lệ lưu hành cao của virus này trên quần thể bò nuôi tại miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, những nghiên cứu liên quan tới đặc tính sinh học phân tử của virus tại Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Mục đích nghiên cứu: Nhằm xác định đặc tính sinh học phân tử của các chủng virus gây bệnh bạch huyết phân lập trên đàn bò nuôi tại miền Bắc Việt Nam
Phương pháp nghiên cứu: Trong nghiên cứu này, DNA được tách chiết từ mẫu máu toàn phần thu thập từ 162 bò nuôi tại các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Hà Nội. Phản ứng nested PCR đã khuếch đại đoạn gene env dài 1375 bp trên 32 mẫu DNA (21.1%). Sản phẩm của phản ứng PCR từ các mẫu dương tính được tinh sạch và sử dụng cho việc giải trình tự bằng Kit BigDye Terminator v3.1 Cycle Sequencing trên hệ thống giải trình tự 3130xl Genetic Analyzer (Thermo Fisher Scientific, Mỹ). Các chủng BLV phân lập tại Việt Nam có độ tương đồng cao. Do vậy trình tự nucleotide trên đoạn gene BLV-env-gp51 dài 423 bp từ các chủng đại diện phân lập trong nghiên cứu này và các chủng tham chiếu được sử dụng để so sánh trình tự nucleotide, axit amin và xây dựng cây sinh học phân tử trên phần mềm MEGA 7.
Kết quả: Kết quả từ cây sinh học phân tử cho thấy các chủng vi rút BLV lưu hành tại miền Bắc Việt Nam thuộc genotype 1, 6, và 10. Trong đó, genotype 1 chiếm ưu thế, genotype 6 lưu hành tại Việt Nam thuộc về sub-genotype G6e và G6f. Sự hiện hiện của genotype 10 lần đầu tiên được xác nhận trên quần thể bò nuôi tại Việt Nam. Kết quả so sánh trình tự nucleotide và axit amin chỉ ra 29 vị trí sai khác thuộc các chủng phân lập trong nghiên cứu này, trong đó có 6 vị trí sai khác dẫn đến sự thay đổi của các axit amin. Các vị trí axit amin thay đổi tập trung vào các vùng epitope (CD4+ T cell epitope, CD8+ T cell epitope, E Epitop), domain (ND2) hay zinc binding zone, hơn là thay đổi ở các vị trí ngẫu nhiên. Dựa vào cây sinh học phân tử, cũng như việc so sánh trình tự nucleotide và axit amin, chúng tôi nhận thấy các chủng BLV phân lập tại Myanmar, Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc có sự tương đồng cao.
Kết luận: Nghiên cứu này khẳng định sự có mặt của 3 genotype của BLV trên quần thể bò nuôi tại Việt Nam, bao gồm genotype 1, 6 và 10. Sự tương đồng về đặc điểm sinh học phân tử cũng được tìm thấy giữa các chủng virus phân lập tại Thái Lan, Myamar, Việt Nam, và Trung Quốc. Trong khi genotype 1 có sự phân bố rộng khắp thế giới; genotype 6 được xác nhận ở một số quốc gia Chây Á hay Châu Mỹ; genotype 10 chỉ được báo cáo trên bò nuôi tại Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc. Trong nghiên cứu này, chúng tôi chỉ ra sự có mặt của genotype 10 lần đầu tiên tại Việt Nam. Mặc dù, chăn nuôi bò tại Việt Nam đã có sự phát triển đáng kể trong hai thập kỉ vừa qua, Việt Nam vẫn phải tiếp tục nhập khẩu bò sống từ các quốc gia khác, đặc biệt là từ các quốc gia láng giềng như Thái Lan và Myamar, để đáp ứng như cầu cao của thị trường trong nước. Việt Nam cũng là điểm trung chuyển bò từ các quốc gia Đông Nam Á qua thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, việc có chung đường biên giới đất liền dài với các quốc gia lân cận, khiến cho việc kiểm dịch thông qua các đường mòn, lối mở gặp nhiều khó khăn. Do vậy, một giả thiết có khả năng rằng, BLV được truyền vào Việt Nam từ các quốc gia khác rồi lây lan trong quần thể bò nuôi. Vì vậy, đánh giá các yếu tố nguy cơ, kiểm tra sự lưu hành của virus BLV trên đàn bò nhập khẩu, đề xuất các biện pháp kiểm dịch sẽ giúp kiểm soát dịch bệnh xuyên biên giới.
Link bài báo: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7399327/
Chú thích: Cây sinh học phân tử xây dựng dựa trên một phần trình tự gen env-gp51 (kích thước 423 bp) của các chủng BLV phân lập ở Việt Nam. Các chủng phân lập được thuộc nhóm G1, G6 và G10.