CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TỶ LỆ THỤ THAI Ở BÒ LAI HOLSTEIN FRIESIAN TẠI BA VÌ, HÀ NỘI

Nguyễn Văn Thành1*, Bùi Văn Dũng1, Đỗ Thị Kim Lành1, Nguyễn Hoài Nam1, Nguyễn Đức Trường1

*) Tác giả liên hệ email: thanhnv81@vnua.edu.vn

1) Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

TÓM TẮT

Nghiên cứu được tiến hành nhằm xác định các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến tỷ lệ thụ thai ở bò sữa lai Holstein Friesian (HF) nuôi tại Ba Vì, Hà Nội, sử dụng phương pháp phân tích hồi quy logistic đơn biến. Các yếu tố nguy cơ được đánh giá bao gồm bệnh lý buồng trứng, thời điểm phát hiện động dục, tuổi, lứa đẻ, điểm thể trạng (BCS), khoảng thời gian từ đẻ đến phối giống, số lần phối, tháng phối giống và tuổi phối giống lần đầu. Mục tiêu nghiên cứu: Cung cấp bằng chứng về các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ thụ thai của bò sữa lai HF tại Ba Vì, Hà Nội, góp phần tối ưu hóa chiến lược quản lý sinh sản trong chăn nuôi bò sữa.

Bò cái lai HF được vắt sữa hai lần mỗi ngày, với chu kỳ vắt sữa kéo dài khoảng 320 ngày và được nuôi nhốt hoàn toàn. Việc phát hiện động dục được thực hiện ba lần mỗi ngày (sáng, trưa, tối), trong đó quan sát vào sáng sớm và chiều tối là thời điểm tối ưu. Thụ tinh nhân tạo được thực hiện sử dụng tinh dịch đông lạnh-giải đông từ đực giống HF. Khám thai được tiến hành vào ngày thứ 45 sau thụ tinh, sử dụng phương pháp sờ khám qua trực tràng. Dữ liệu được thu thập thông qua quan sát trực tiếp và ghi chép từ hồ sơ trang trại. Thông tin thu thập bao gồm mã số bò cái, ngày sinh, thời điểm phát hiện động dục, tuổi, lứa đẻ, điểm thể trạng (BCS), khoảng thời gian từ khi đẻ đến phối giống, số lần phối, tháng phối, và tuổi phối lần đầu. Thời gian thu thập dữ liệu kéo dài từ tháng 11 năm 2023 đến tháng 4 năm 2024.

Các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất sinh sản được phân loại thành các nhóm khác nhau. Thời điểm phát hiện động dục: buổi sáng và buổi chiều. Tuổi bò: <3 năm, 3-6 năm, và >6 năm. Lứa đẻ: bò tơ, lứa 1, lứa 2, lứa 3, và lứa 4-8. BCS: ≤2,5; 2,75-3; và >3. Thời gian chờ phối sau đẻ: <2 tháng, 2-3 tháng, 4-5 tháng, và >5 tháng. Số lần phối: phối lần đầu, lần thứ hai, và từ lần thứ ba trở lên. Tháng phối giống: tháng 9-10, tháng 11, và tháng 12-1. Tuổi phối giống lần đầu: 8-12 tháng, 13-15 tháng, 16-17 tháng, và >17 tháng. Phân tích hồi quy logistic được thực hiện để đánh giá các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến tỷ lệ thụ thai. Trước tiên, phân tích đơn biến được thực hiện để xác định mối liên quan giữa từng yếu tố nguy cơ đến tỷ lệ thụ thai. Các biến độc lập bao gồm thời điểm phát hiện động dục, tuổi bò, lứa đẻ, BCS, khoảng thời gian từ khi đẻ đến phối giống, số lần phối, tháng phối, và tuổi phối lần đầu. Dữ liệu được phân tích thống kê bằng phần mềm IBM SPSS Statistics for Windows, phiên bản 22.0 (IBM Corp., Armonk, NY, 2013). Giá trị P < 0,05 được coi là có ý nghĩa thống kê.

Kết quả nghiên cứu cho thấy tuổi bò có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, bò trên 6 tuổi có tỷ lệ thụ thai thấp hơn (OR = 0,4; KTC 95%: 0,2-0,8; P = 0,03) so với bò dưới 3 tuổi. Bò tơ có tỷ lệ thụ thai cao nhất (55,2%), trong khi bò đẻ lứa 2 (OR = 0,4; P = 0,01) và lứa 4-8 (OR = 0,5; P = 0,02) có khả năng thụ thai thấp hơn; không có khác biệt đối với bò lứa 1 và 3. Ngoài ra, bò có BCS ≤2,5 đạt tỷ lệ thụ thai cao hơn (54,1%) so với bò có BCS 2,75-3 (40,5%, OR = 0,58, P = 0,007), cho thấy tầm quan trọng của thể trạng tối ưu đối với hiệu quả sinh sản. Ảnh hưởng của mùa vụ cũng được ghi nhận, bò được phối giống vào tháng 12-1 có tỷ lệ thụ thai cao hơn (52,5%) so với bò phối giống vào tháng 9-10 (36,2%, OR = 1,86, P = 0,01), cho thấy điều kiện môi trường như nhiệt độ và độ ẩm có thể tác động đến năng suất sinh sản. Đáng chú ý, tuổi phối giống lần đầu sau 12 tháng giúp cải thiện đáng kể tỷ lệ thụ thai, với bò được phối giống ở 16-17 tháng tuổi (OR = 3,5; P = 0,001) và trên 17 tháng tuổi (OR = 3,6; P = 0,003) có khả năng thụ thai cao hơn so với bò được phối giống ở 8-12 tháng tuổi (22,5%). Kết quả nghiên cứu nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác quản lý sinh sản trên đàn bò cái sinh sản, bao gồm tối ưu hóa mùa vụ phối giống, duy trì thể trạng phù hợp và xác định thời điểm phối giống lần đầu thích hợp nhằm nâng cao hiệu quả sinh sản của đàn bò sữa tại Ba Vì, Hà Nội.

Từ khóa: Tỷ lệ thụ thai, Holstein Friesian.