TS. Trương Quang Lâm và cộng sự – Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ sinh học Thú y – Học viện nông nghiệp Việt Nam
Bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) do African swine fever virus (ASFV) có kích thước genome lớn (khoảng 170-190 kilobase), virus DNA sợi kép (chi Asfarvirus) thuộc họ Asfarviridae với 24 genotype khác nhau đã và đang gây ra mối nguy hiểm dịch bệnh trên lợn và thiệt hại lớn về kinh tế trên toàn thế giới. Bệnh bùng phát lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2019 và sau đó nhanh chóng lan rộng ra khắp các tỉnh thành toàn quốc, và cho tới nay vẫn gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi lợn tại Việt Nam. Các nghiên cứu tại Việt Nam đã chỉ ra rằng các chủng vi rút DTLCP đang lưu hành chính tại Việt Nam thuộc genotype II, và gần đây xuất hiện một số biến chủng genotype II và biến thể lai Genotype I và II.
Do tầm quan trọng và nguy hiểm của dịch bệnh do vi rút DTLCP gây ra, đã có rất nhiều nghiên cứu trên thế giới tập trung nghiên cứu và phát triển vắc-xin phòng bệnh DTLCP bao gồm vắc-xin vô hoạt, tái tổ hợp, nhược độc tự nhiên, nhược độc công nghệ tế bào, và nhược độc xoá gen. Kết quả nghiên cứu về các loại vắc-xin trên cho thấy vắc-xin nhược độc có tiềm năng tốt nhất liên quan đến miễn dịch kéo dài và khả năng bảo hộ. Nghiên cứu chế tạo chủng nhược độc bằng công nghệ tế bào cũng được tập trung nghiên cứu và đánh giá, tuy nhiên cho thấy khả năng không tạo miễn dịch bảo hộ thông qua thí nghiệm công cường độc. Một số kết quả nghiên cứu dựa trên chủng nhược độc tự nhiên NH/P68, OUR T88/3, Lv17/WB/Rie1 thuộc genotype I cũng cho thấy tiềm năng vắc-xin, tuy vẫn có một số nhược điểm liên quan đến triệu chứng lâm sàng và khả năng vi rút huyết kéo dài, và cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa để có thể sử dụng là chủng vắc-xin tiềm năng.
Trước bối cảnh dịch bệnh đã và đang có diễn biến phức tạp tại Việt Nam, việc nghiên cứu phát triển vắc-xin nhược độc phòng bệnh DTLCP là yêu cầu cấp bách. Nhóm nghiên cứu của Học viện đã tập trung nghiên cứu phát triển, chế tạo các chủng giống và vắc xin nhược độc đáp ứng tiêu chuẩn an toàn và hiệu lực. Mục tiêu của nghiên cứu này là trình bày kết quả đánh giá để làm rõ về khả năng nhược độc, tính an toàn, đáp ứng miễn dịch và hiệu lực bảo hộ của chủng vắc-xin VNUA-ASFV-LAVL3 trên lợn thí nghiệm.
Trong nghiên cứu này, chúng tôi nghiên cứu đánh giá khả năng nhân lên trên tế bào dòng, và nhược độc, tính sinh miễn dịch và khả năng bảo hộ của chủng vi rút nhược độc VNUA-ASFV-LAVL3 trên lợn thí nghiệm. Chủng vi rút nhược độc VNUA-ASFV-LAVL3 được tạo ra từ chủng độc lực vi rút Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) genotype II bằng công nghệ tế bào sau 120 đời cấy chuyển liên tiếp.
Kết quả nghiên cứu cho thấy chủng vi rút nhược độc VNUA-ASFV-LAVL3 mất khả năng hấp phụ hồng cầu (HAD) và có khả năng thích nghi và nhân lên tốt trên tế bào dòng đại thực bào phế nang phổi lợn. Kết quả phân tích trình tự toàn bộ hệ genome của chủng VNUA-ASFV-LAVL3 cho thấy xoá 20 genes (Từ MGF360-6L à MGF110-8L bao gồm 10 vùng mã hoá và 10 vùng không mã hoá) ở vùng MGF gene.
Các liều gây nhiễm 103, 104 và105 HAD50/liều của chủng vi rút VNUA-ASFV-LAVL3 cho thấy khả năng nhược độc hoàn toàn trên các lô lợn thí nghiệm (lợn 6-7 tuần tuổi). Chủng vi rút nhược độc VNUA-ASFV-LAVL3 cho thấy khả năng nhân lên kém trên lợn, và sạch hoàn toàn trong máu lợn sau 14-17 ngày sau gây nhiễm, và không lây từ lợn được tiêm vắc-xin sang lợn tiếp xúc.
Ngoài ra, lợn thí nghiệm đều khoẻ mạnh và không có bất kỳ biểu hiện lâm sàng nào của lợn nhiễm vi rút DTLCP cho thấy chủng vi rút VNUA-ASFV-LAVL3 là nhược độc và an toàn. Đáng chú ý, khả năng nhược độc cao của chủng vi rút VNUA-ASFV-LAVL3 không ảnh hưởng đến khả năng tạo miễn dịch bảo hộ trên lợn thí nghiệm. Kết quả thí nghiệm công cường độc cho thấy các lô lợn được tiêm với liều 103, 104 và105 HAD50/liều của chủng vi rút VNUA-ASFV-LAVL3 đều cho khả năng bảo hộ 100%, lợn khoẻ mạnh, phát triển tốt và không có triệu chứng lâm sàng hay vi rút huyết ở các thời điểm theo dõi đến 28 ngày sau công cường độc. Ngoài ra, lợn sau 02 tháng tiêm với liều 104 HAD50/liều của chủng vắc-xin VNUA-ASFV-LAVL3 cũng được chứng minh cho khả năng bảo hộ tốt bằng thí nghiệm công cường độc.
Các kết quả này cho thấy chủng vi rút VNUA-ASFV-LAVL3 nhược độc an toàn, tạo đáp ứng miễn dịch và hiệu lực bảo hộ tốt trên lợn thí nghiệm, và cho thấy tiềm năng phục vụ nghiên cứu sản xuất vắc-xin phòng bệnh DTLCP genotype II tại Việt Nam.
Link: https://doi.org/10.3390/v16081326