Các chủng vắc-xin ASF sống giảm độc lực genotype II không thể bảo vệ hoàn toàn cho lợn khỏi chủng ASFV tái tổ hợp mới nổi genotype type I/II ở Việt Nam

Genotype II Live-Attenuated ASFV Vaccine Strains Unable to Completely Protect Pigs against the Emerging Recombinant ASFV Genotype I/II Strain in Vietnam

Nguyen Van Diep, Nguyen Van Duc, Nguyen Thi Ngoc, Vu Xuan Dang, Tran Ngoc Tiep, Viet Dung Nguyen, Thi Tam Than, Dustin Maydaniuk, Kalhari Goonewardene, Aruna Ambagala,  Van Phan Le

Dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao, với đặc trưng là xuất huyết, ảnh hưởng đến lợn nuôi và lợn rừng. Bệnh này lây lan rộng trên toàn cầu, gây tác động nghiêm trọng đến sức khỏe đàn lợn, thương mại và kinh tế. Tác nhân gây bệnh là virus ASF (ASFV), một loại virus DNA lớn với cấu trúc và khả năng gây bệnh phức tạp. Theo lịch sử, dựa trên trình tự một phần của gen B646L mã hóa protein p72 của ASFV, các virus ASF đã được phân thành 24 genotype. Cho đến năm 1957, dịch tả lợn châu Phi chỉ giới hạn ở khu vực châu Phi cận Sahara. Vào năm 1957, một chủng ASFV p72 genotype I từ Angola đã lan sang Bồ Đào Nha. Bệnh được coi là đã bị xóa sổ tại Bồ Đào Nha vào năm sau đó; tuy nhiên, hai năm sau, ASF lại xuất hiện ở Bồ Đào Nha và sau đó lan sang các quốc gia láng giềng ở châu Âu. Sau đó, virus tiếp tục lây lan đến Malta, Cuba, Brazil, Haiti và Cộng hòa Dominica. Bệnh đã được loại trừ thành công khỏi châu Âu và châu Mỹ vào năm 1995, ngoại trừ Đảo Sardinia. Vào tháng 6 năm 2007, một đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi (ASF) do chủng ASFV p72 genotype II gây ra đã được xác nhận tại khu vực Caucasus của Georgia. Virus nhanh chóng lây lan sang Armenia (tháng 8 năm 2007) và Liên bang Nga (tháng 11 năm 2007), sau đó lan sang các quốc gia láng giềng. Năm 2018, virus xâm nhập vào Trung Quốc, quốc gia có đàn lợn lớn nhất thế giới. Từ Trung Quốc, chủng ASFV p72 genotype II đã nhanh chóng lan sang Việt Nam và các quốc gia láng giềng ở châu Á, khiến hàng triệu con lợn bị tiêu hủy. Năm 2021, Trung Quốc báo cáo phát hiện chủng ASFV p72 genotype II có độc lực thấp đang lưu hành trong đàn lợn nuôi. Các virus này cho thấy mức độ tương đồng di truyền cao với các chủng virus ASF không gây kết dính hồng cầu được phân lập ở Bồ Đào Nha vào năm 1968 và 1988. Mặc dù có độc lực thấp, chúng lây lan nhanh, gây ra các triệu chứng nhẹ và bệnh mạn tính với đặc trưng là các tổn thương hoại tử trên da và sưng khớp. Đến năm 2023, các chủng ASFV có độc lực cao chứa các yếu tố di truyền từ cả hai genotype I và II đã xuất hiện tại ba tỉnh của Trung Quốc. Các chủng virus tái tổ hợp (rASFV I/II) này chứa khoảng 44% bộ gen, bao gồm cả gen p72, từ các chủng genotype I độc lực thấp và 56% còn lại từ các chủng genotype II được báo cáo trước đó tại Trung Quốc. Chủng vắc-xin ASF giảm độc lực p72 genotype II HLJ/18-7GD không thể bảo vệ lợn khỏi các chủng rASFV I/II mới.

Việt Nam ghi nhận đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi (ASF) đầu tiên vào tháng 2 năm 2019 tại tỉnh Hưng Yên, miền Bắc. Virus này tương tự với các chủng ASFV p72 genotype II đang lưu hành tại Trung Quốc và đã lây lan ra toàn bộ đất nước trong vòng 5 tháng. Kể từ đó, các chủng ASFV p72 genotype II đã tiếp tục lưu hành tại Việt Nam, khiến hàng triệu con lợn bị tiêu hủy và gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho người chăn nuôi. Vào tháng 9 năm 2023, rASFV I/II được phát hiện tại các trang trại nhỏ lẻ do gia đình quản lý ở miền Bắc Việt Nam. Các chủng rASFV I/II từ Việt Nam có sự tương đồng di truyền cao với các chủng được báo cáo từ Trung Quốc, cho thấy sự lây lan gần đây của các virus này từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Năm 2023, Việt Nam đã cấp phép hai loại vắc-xin giảm độc lực sống phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASFV), gồm AVAC ASF LIVE® (do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam, Hưng Yên, sản xuất) và NAVET-ASFVAC® (do Công ty Thuốc thú y Trung ương Navetco, Hà Nội, sản xuất), nhằm kiểm soát các đợt bùng phát ASFV đang diễn ra. Cả hai loại vắc-xin này được khuyến cáo sử dụng cho lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên, và một liều duy nhất có thể tạo ra sự bảo vệ chống lại các chủng virus ASFV p72 genotype II đang lưu hành tại Việt Nam.

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả bảo vệ của hai chủng vắc-xin, ASFV-G-DI177L và ASFV-G-DMGF, trước chủng virus tái tổ hợp rASFV I/II mới xuất hiện tại Việt Nam. Lợn được tiêm vắc-xin ASFV-G-DMGF hoặc ASFV-G-DI177L, khi bị gây nhiễm bởi rASFV I/II, đều tử vong do nhiễm bệnh hoặc phát triển các triệu chứng bệnh ASF mạn tính. Như vậy kết quả nghiên cứu cho thấy cả hai loại vắc-xin đã được cấp phép và sử dụng tại Việt Nam không bảo vệ được lợn khỏi chủng rASFV I/II mới có độc lực cao. Điều này làm phức tạp thêm nỗ lực kiểm soát ASF tại châu Á và toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh sự cấp thiết cần có một loại vắc-xin mới có thể bảo vệ lợn hiệu quả trước rASFV I/II.

Hình 1. Các tổn thương bệnh lý đại thể quan sát được ở lợn được tiêm ASFV-G-DI177L (A–E), ASFV-G-DMGF (F–I) và đã chết/được gây chết nhân đạo sau khi gây nhiễm với rASFV I/II. (A) Xuất huyết dưới da và tụ máu ở vành tai trái, (B) phổi đông đặc, (C) sung huyết niêm mạc dạ dày, (D) lách to, (E) loét ở chỗ nối dạ dày-thực quản, (F) hạch lympho mạc treo ruột xuất huyết, (G) xuất huyết ở tai, (H) xuất huyết ở amidan, hạch lympho dưới hàm và hạch lympho bẹn nông, và (I) hạch lympho dưới hàm xuất huyết.

Link

https://www.mdpi.com/2076-393X/12/10/1114