Tính cấp thiết
Hiện nay, các chương trình thụ tinh nhân tạo trên đàn bò đã phát triển phổ biến. Tuy nhiên, để nhân nhanh đàn bò sữa có năng suất cao, mang phẩm chất tốt của cả bò cái và bò đực, các trang trại và các đơn vị nghiên cứu đang chuyển hướng ứng dụng công nghệ phôi trên đàn bò. Ngoài ra, khi số lượng đàn bò sữa dần đạt mức ổn định, các hộ chăn nuôi bò sữa chuyển xu hướng cấy phôi bò thịt BBB, Wagyu trên đàn bò sữa nhận phôi, nhằm duy trì sản xuất sữa đồng thời sản xuất bê thịt cung cấp thị trường.
Tuy nhiên, các phôi bò sữa, bò thịt các trang trại, hộ chăn nuôi đang sử dụng hiện nay nước ta chưa chủ động sản xuất được và hầu hết phải nhập khẩu từ nước ngoài Úc, Nhật Bản, Mỹ… Một số đơn vị chăn nuôi bò sữa quy mô lớn tại Việt Nam đang tiến hành các nghiên cứu và sản xuất phôi bò sữa in vivo trong trang trại. Các nghiên cứu và sản xuất phôi bò in vitro đang được đẩy mạnh nhằm tạo nhanh phôi bò sữa, bò thịt cung cấp cho thị trường trong nước. Hiểu được tầm quan trọng về ứng dụng của công nghệ phôi, chúng tôi thực hiện đề tài “Nghiên cứu nâng cao hiệu quả tạo phôi bò thụ tinh trong ống nghiệm” góp phần tạo nguồn nguyên liệu phôi bò chất lượng cho sản xuất và nghiên cứu y sinh.
Mục đích nghiên cứu:
Nghiên cứu thực hiện với mục tiêu nuôi thành thục tế bào trứng bò và nâng cao hiệu quả tạo phôi in vitro trong phòng thí nghiệm
Phương pháp nghiên cứu:
Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu khoa học tiến hành thu các tế bào trứng bò trên các buồng trứng thu được từ lò mổ tại Đông Anh – Hà Nội và Bắc Ninh. Sau đó, nuôi tế bào trứng bò trưởng thành (IVM), thụ tinh tế bào trứng bò với tinh đông lạnh trong phòng thí nghiệm (IVF), nuôi phôi giai đoạn sớm phát triển (IVC). Thu phôi in vitro vào ngày thứ 7 và đánh giá chất lượng
Kết quả chính:
-Hai môi trường nuôi thành thục tế bào trứng bò BOVINE-IVM và TCM-199 đều mang lại hiệu quả cao trong việc nuôi thành thục tế bào trứng bò. Môi trường TCM-199 là môi trường tự pha với giá thành rẻ có thể dùng thay thế cho môi trường mua sẵn BOVINE-IVM.
– Tế bào trứng bò được nuôi trưởng thành sau 22 giờ tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng đông lạnh của giống bò D-MASTER. Nồng độ và thời gian thụ tinh ảnh hưởng đến tỷ lệ thụ tinh. Nồng độ pha loãng tinh trùng 2×106/ml với thời gian thụ tinh 6 giờ mang lại tỷ lệ thụ tinh cao (67,83% và 63,21%). Đây là nồng độ và thời gian thích hợp cho các thí nghiệm chuyên sâu về thụ tinh trong ống nghiệm trên bò.
– Sự phát triển của phôi bò trong ống nghiệm phụ thuộc vào nồng độ pha loãng tinh trùng, điều kiện của môi trường nuôi. Sự có mặt của tế bào cumulus trong môi trường nuôi có tác dụng cải thiện tỷ lệ phôi phát triển đến giai đoạn phôi nang. Phôi phát triển trong môi trường SOF có bổ sung tế bào cumulus có tỷ lệ phôi nang cao hơn phôi phát triển trong môi trường SOF không bổ sung tế bào cumulus (34,16% so với 27,22%)
Kết luận:
-Môi trường TCM-199 là môi trường tự pha với giá thành rẻ có thể dùng thay thế cho môi trường mua sẵn BOVINE-IVM.
-.Nồng độ và thời gian thụ tinh ảnh hưởng đến tỷ lệ thụ tinh. Nồng độ pha loãng tinh trùng 2×106/ml với thời gian thụ tinh 6 giờ mang lại tỷ lệ thụ tinh cao (67,83% và 63,21%). Đây là nồng độ và thời gian thích hợp cho các thí nghiệm chuyên sâu về thụ tinh trong ống nghiệm trên bò.
-Phôi phát triển trong môi trường SOF có bổ sung tế bào cumulus có tỷ lệ phôi nang cao hơn phôi phát triển trong môi trường SOF không bổ sung tế bào cumulus (34,16% so với 27,22%).
Từ khóa: Trứng bò, thụ tinh ống nghiệm, tế bào cumulus, phôi bò in vitro
Bảng 1. Ảnh hưởng của môi trường nuôi đến sự thành thục của trứng bò
Môi trường | Số trứng nghiên cứu | Số trứng vượt qua giai đoạn túi mầm (GVBD, %) | Số trứng thành thục (%) |
TCM 199 | 88 | 86 (97,65 ± 2,35) | 68 (78,85 ± 3,78) |
BO-IVM | 120 | 118 (98,8 ± 0,78) | 104 (83,42 ± 5,67) |
Ghi chú: Số liệu được biểu diễn dưới dạng: giá trị trung bình (Mean) ± sai số chuẩn (SEM); Số lần nhắc lại thí nghiệm n =5
Bảng 2. Ảnh hưởng của nồng độ tinh trùng đến tỷ lệ thụ tinh trong ống nghiệm
Nồng độ tinh trùng | Số trứng nghiên cứu (n) | Số trứng được thụ tinh (%) |
1 × 106 tinh trùng/ml | 52 | 20 (37,53a ± 2,37) |
2 × 106 tinh trùng/ml | 49 | 33 (67,83b ± 3,6) |
5 × 106 tinh trùng/ml | 57 | 31 (52,78b ± 6,79) |
Ghi chú: Số liệu được biểu diễn dưới dạng: giá trị trung bình (Mean) ± sai số chuẩn (SEM); Số lần nhắc lại thí nghiệm là 4-5 lần; Trong cùng một cột, các chữ cái khác nhau thể hiện sự khác biệt có ý nghĩa thống kê P <0,05
Bảng 3. Ảnh hưởng của nồng độ tinh trùng đến tỷ lệ phôi phân chia và số lượng phôi nang (ngày thứ 7)
Nồng độ tinh | Số trứng nghiên cứu | Số phôi phân chia (%) | Số phôi nang (%) |
1 × 106 tinh trùng/ml | 216 | 88 (41,83a ± 6,31) | 24 (11,26c ± 1,85) |
2 × 106 tinh trùng/ml | 203 | 142 (69,87b ± 4,07) | 59 (29,1d ± 4,11) |
5 × 106 tinh trùng/ml | 174 | 82 (47,46a ± 3,27) | 35 (20,53e ± 1,49) |
Ghi chú: Số liệu được biểu diễn dưới dạng: giá trị trung bình (Mean) ± sai số chuẩn (SEM); Số lần nhắc lại thí nghiệm là 5-6 lần; Trong cùng một cột, các chữ cái khác nhau thể hiện sự khác biệt có ý nghĩa thống kê P <0,05
Bảng 4. Ảnh hưởng của thời gian thụ tinh đến tỷ lệ thụ tinh
Thời gian thụ tinh (giờ) | Số trứng (n) | Số trứng thụ tinh (%) |
3 | 54 | 21 (38,86a ± 2,67) |
6 | 57 | 36 (63,21b ± 3,11) |
12 | 45 | 28 (61,48b ± 7,19) |
Ghi chú: Số liệu được biểu diễn dưới dạng: giá trị trung bình (Mean) ± sai số chuẩn (SEM); Số lần nhắc lại thí nghiệm là 4-5 lần; Trong cùng một cột, các chữ cái khác nhau thể hiện sự khác biệt có ý nghĩa thống kê P <0,05.
Bảng 5. Khả năng phát triển của phôi IVF trong môi trường SOF có và không bổ sung tế bào Cumulus (CCs).
Điều kiện nuôi cấy | Số phôi nghiên cứu(n) | Số phôi phân chia (%) | Số phôi nang (%) |
SOF + CCs | 218 | 168 (76,38a ± 2,39) | 75 (34,16c ± 0,92) |
SOF | 222 | 121 (54,23b ± 1,49) | 61 (27,22d ± 0,72) |
Ghi chú: Số liệu được biểu diễn dưới dạng: giá trị trung bình (Mean) ± sai số chuẩn (SEM); Số lần nhắc lại thí nghiệm là 5 lần; Trong cùng một cột, các chữ cái khác nhau thể hiện sự khác biệt có ý nghĩa thống kê P <0,001.
Link bài báo: http://tapchi.vnua.edu.vn/wp-content/uploads/2021/01/tap-chi-so-1.4.pdf
Nguyễn Thị Ngọc Anh và Đỗ Thị Kim Lành
Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam