Đinh lượng và khả năng kháng kháng sinh của Vibrio parahaemolyticus trong hải sản ở Hà Nội, Việt Nam

Đinh lượng và khả năng kháng kháng sinh của Vibrio parahaemolyticus
trong hải sản ở Hà Nội, Việt Nam

Quantification and Antimicrobial Resistance of Vibrio parahaemolyticus
in Retail Seafood in Hanoi, Vietnam

Thi Thu Tra Vu1, Thi Thu Ha Hoang2, Susanne Fleischmann3, Hong Ngan Pham1, Thi Lan Huong Lai1, Thi Thu Ha Cam1, Lan Oanh Truong1, Van Phan Le1, Dac Cam Phung4
and Thomas Alter3

1 Faculty of Veterinary Medicine, Vietnam National University of Agriculture, 100000 Vietnam;

2 Department of Bacteriology, National Institute of Hygiene and Epidemiology, 100000 Vietnam; 3Institute of Food Safety and Food Hygiene, Freie Universitaet Berlin, 14163 Berlin, Germany;

4 Faculty of Medicine and Pharmacy, Thanh Dong University, 100000 Vietnam

 

Tính cấp thiết:

Vibrio (V.) parahaemolyticus là vi khuẩn Gram âm, thường hay xuất hiện ở cửa sông và môi trường nước biển. V. parahaemolyticus lần đầu tiên được xác định là nguyên nhân của vụ ngộ độc thực phẩm ở Nhật Bản năm 1950. Từ đó tới nay, V. parahaemolyticus được coi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh truyền qua hải sản trên thế giới. V. parahaemolyticus có thể gây ra viêm dạ dày ruột, nhiễm trùng vết thương và nhiễm trùng huyết. Tiêu thụ hải sản sống hay chưa được nấu chín ô nhiễm V. parahaemolyticus có thể dẫn tới các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, đau đầu, đau bụng, tiêu chảy. Các ổ dịch do V. parahaemolyticus gây ra đã được báo cáo ở nhiều nước châu Á và khu vực Thái Bình Dương, như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam, trong khi đó các ổ dịch xảy ra ít ở các nước châu Âu. Gần đây, Vibrio spp. được quan tâm nhiều hơn do nhiệt độ khí hậu ấm lên và quá trình gia thương toàn cầu đã làm gia tăng tỷ lệ ca bệnh do V. parahaemolyticus trên toàn cầu. V. parahaemolyticus có một số yếu tố độc lực như yếu tố kết dính, độc tố gây dung huyết chịu nhiệt (TDH), độc tố gây dụng huyết liên quan đến TDH (TRH), T3SS1 và T3SS2. Trong đó, TDH và TRH là hai loại độc tố phổ biến nhất. Trong những thập kỷ gần đây, nhu cầu tiêu thụ hải sản đã tăng lên nhanh chóng dẫn tới sự phát triển của ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, do nuôi trồng thâm canh và bán thâm canh với mật độ nuôi cao, các bệnh ở động vật thủy sản do vi-rút và vi khuẩn thường xuyên xảy ra, dẫn đến việc sử dụng rộng rãi kháng sinh. Lượng kháng sinh được sử dụng toàn cầu trong nuôi trồng thủy sản đạt 10,259 tấn trong năm 2017 và dự kiến sẽ tăng them 33% lên 13,600 tấn tới năm 2030. Trong đó, bốn quốc gia có lượng kháng sinh được sử dụng cao nhất là Trung Quốc (57,9%), Ấn Độ (11,3%), Indonesia (8,6%) và Việt Nam (5%). Chính việc lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự phát triển của vi khuẩn kháng kháng sinh và hình thành các gen kháng kháng sinh. Các mô hình kháng kháng sinh và đa kháng kháng sinh của V. parahaemolyticus phân lập từ hải sản đã được báo cáo ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, các ca ngộ độc do V. parahaemolyticus ở người đã được báo cáo, tuy nhiên vẫn chưa có nhiều thông tin về tỷ lệ nhiễm, định lượng và khả kháng kháng kháng sinh của V. parahaemolyticus trong hải sản.

 

 

Mục đích nghiên cứu:

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định tỷ lệ lưu hành, định lượng và xác định khả năng kháng kháng sinh của V. parahaemolyticus trong hải sản ở Hà Nội, Việt Nam.

 

Phương pháp nghiên cứu:

Tổng số 120 mẫu hải sản tươi sống bao gồm cá, hàu, mực và tôm được mua tại các chợ ở Hà Nội từ tháng 5 đến tháng 10 năm 2020. Quy trình phân lập V. parahaemolyticus từ các mẫu hải sản được thực hiện theo tiêu chuẩn ISO/TS 21872-1:2017 (E) với một số cải tiến nhỏ. Phương pháp MPN-PCR được sử dụng để định lượng V. parahaemolyticus. Multiplex PCR được sử dụng để định loài và xác định gen độc tố tdhtrh của V. parahaemolyticus. Phương pháp khoanh giấy kháng sinh khuếch tán trên thạch được sử dụng để xác định khả năng kháng kháng sinh của V. parahaemolyticus, theo hướng dẫn của Viện Tiêu chuẩn lâm sàng và xét nghiệm (CLSI).

 

Kết quả chính:

Kết quả cho thấy V. parahaemolyticus đã được phát hiện trong 58,33% mẫu hải sản kiểm tra, trong đó V. parahaemolyticus trong mẫu tôm có tỷ lệ cao nhất (86,67%), tiếp đến là mẫu cá (53,33%), mẫu mực (53,33%) và mẫu hàu (40%). Có 1 chủng V. parahaemolyticus phân lập từ mẫu hàu được phát hiện mang gen trh. Trong số các mẫu dương tính, 27,14% mẫu có số lượng V. parahaemolyticus < 2 logMPN/g, 44,29% mẫu có lượng V. parahaemolyticus dao động từ 2 đến 4 logMPN/g, và 28,57% mẫu có lượng V. parahaemolyticus > 4 logMPN/g. Kết quả xác định khả năng kháng kháng sinh cho thấy 85,71% các chủng V. parahaemolyticus phân lập được kháng ít nhất 1 loại kháng sinh kiểm tra, trong đó kháng ampicillin chiếm tỷ lệ cao nhất (81,43%), tiếp đến là kháng cefotaxime (11,43%) ceftazidime (11,43%), trimethoprim- sulfamethoxazole (8,57%) và tetracycline (2,86%).

 

Kết luận:

  1. parahaemolyticus đã được phát hiện ở tất cả các loại mẫu hải sản kiểm tra với lượng lớn. Các chủng V. parahaemolyticus phân lập được có tỷ lệ kháng cao nhất với ampicillin và biểu hiện một số mô hình kháng kháng sinh khác nhau. Chính vì vậy, cần thiết phải áp dụng các biện pháp kiểm soát việc sử dụng kháng sinh và thực hành quản lý tốt để giảm thiểu sợ lan rộng của tình trạng kháng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam.

 

Từ khóa: Antimicrobial resistance; Quantification; Seafood; V. Parahaemolyticus

Đăng tại: Vu, T.T.T., Hoang, T.T.H., Fleischmann, S., Pham, H.N., Lai, T.L.H., Cam, T.T.H., Truong, L.O., Le, V.P., Phung, D.C. &Alter, T. (2022) Quantification and Antimicrobial Resistance of Vibrio parahaemolyticus in Retail Seafood in Hanoi, Vietnam. J Food Prot.; 85(5):786-791.

https://meridian.allenpress.com/jfp/article-abstract/85/5/786/478463/Quantification-and-Antimicrobial-Resistance-of?redirectedFrom=fulltext

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *