Vi-rút gây bệnh thiếu máu truyền nhiễm ở gà gây nhiễm mãn tính trên tế bào MDCC-MSB1

Giới thiệu: Nhiễm mãn tính vi-rút gây bệnh thiếu máu truyền nhiễm ở gà (chicken anemia virus – CAV) được nghi ngờ dẫn tới hậu quả suy giảm miễn dịch ở gà và tạp nhiễm trong quá trình sản xuất vắc-xin.Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có bằng chứng nào khẳng định cho quá trình nhiễm mãn tính của loại vi-rút này.

Mục đích nghiên cứu: Nhằm thiết lập một mô hình gây nhiễm mãn tính trên tế bào trong ống nghiệm với sự có mặt của cả CAV và kháng thể trung hòa CAV (NA).

Phương pháp nghiên cứu: Trong nghiên cứu này, các tế bào MDCC-MSB1 (MSB1) được gây nhiễm bởi CAV chủng A2. Trong khi đó, nhóm đối chứng âm bao gồm các tế bào MSB1 được nuôi cấy trong 1ml GM trộn với 100µl huyền phù tế bào bị nhiễm CAV hoặc bổ sung dung dịch PBS. Tế bào nhiễm sau khi loại bỏ các virus CAV tự do bằng cách rửa 3 lần với PBS, được chia thành 3 nhóm như sau (1) sử dụng môi trường GM; (2)  GM được bổ sung thêm kháng thể trung hòa kháng CAV chủng A2; và (3) môi trường có bổ sung huyết thanh gà khỏe mạnh. Các nhóm tế bào sau đó được nuôi trong tủ ấm ở điều kiện 39 0C và 5% CO2, và được thu sau mỗi 48 giờ. Các chỉ tiêu về khả năng sống/tồn tại của tế bào, biểu hiện của kháng nguyên CAV trong tế bào và DNA CAV đều được kiểm tra. Việc phân lập lại vi-rút được xác định lần lượt bằng dung dịch AO/PI, IFAT, real-time PCR, và phương pháp phân lập vi-rút trên tế bào MSB1.

Kết quả: Khả năng sống của tế bào nhiễm CAV được nuôi trong môi trường có bổ sung NA không có sự sai khác về mặt thống kê so với nhóm đối chứng (tế bào không bị nhiễm vi-rút), và có thể sống đến đời thứ 14. Ngược lại, nhóm tế bào nhiễm CAV đã chết sau 3 lần gây nhiễm. Sự biểu hiện của kháng nguyên CAV và DNA CAV được xác định trong suốt quá trình gây nhiễm đối với tế bào nhiễm CAV+NA. CAV đã được phân lập lại từ bên trong tế bào bị nhiễm, tuy nhiên, trong môi trường có chứa NA thì không. Ở lần gây nhiễm thứ 7, nhóm tế bào nhiễm CAV + NA đã không được bổ sung thêm NA và tiếp tục được gây nhiễm, kết quả là nhóm tế bào này đã chết ở lần gây nhiễm thứ 10, trong khi nhóm tế bào nhiễm và bổ sung NA thì không.

Kết luận: CAV có khả năng tồn tại và nhân lên bên trong tế bào nhiễm vi-rút ngay cả khi có mặt của kháng thể trung hòa (NA) mà không gây chết tế bào nhiễm. CAV tiếp tục gây chết tế bào nhiễm sau khi đã loại bỏ NA khỏi môi trường nuôi tế bào. Sự nhiễm mãn tính của CAV trong tế bào không liên quan tới đột biến trong bộ gen của vi-rút. Trong nghiên cứu này, một mô hình gây nhiễm mãn tính CAV trên môi trường tế bào đầu tiên đã được chúng tôi thiết lập.

Từ khóa: CAV, mãn tính, MSB1

Đường link bài báo: https://www.mdpi.com/2076-0817/9/10/842

Đồng Văn Hiếu

Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *