THỰC TRẠNG BỆNH CÒI XƯƠNG TRÊN CHÓ TẠI MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG PHÍA BẮC VÀ THỬ NGHIỆM ĐIỀU TRỊ

Giới thiệu: Trong những gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, xã hôi phong trào nuôi chó ở nước ta khá phát triển, đã có nhiều giống chó quý nổi tiếng trên thế giới được nhập về nuôi ở Việt Nam. Khi số lượng chó nuôi tăng lên thì đồng nghĩa với việc dịch bệnh ở chó xẩy ra nhiều hơn và thường xuyên hơn. Ngoài những bệnh truyền nhiễm như , bệnh care, cúm chó, bệnh viêm ruột truyền nhiễm do Parvo vius gây ra …thì những bệnh nội  khoa cũng gây thiệt lớn cho người chăn nuôi cũng như những người sử dụng chó trong đó phải kể đến bệnh còi xương. Bệnh còi xương là bệnh của gia súc non đang trong thời kỳ phát triển nói chung và chó nói riêng, bệnh xảy ra ở mọi giống chó kể cả giống chó nội và giống chó ngoại. Khi mắc bệnh, tổ chức xương không được canxi hoá hoàn toàn nên xương phát triển kém. Trên lâm sàng những chó bệnh xương bị biến dạng thường là xương bị cong queo đặc biệt rõ ở các xương ống làm mất đi vẻ đẹp đáng yêu của các chú chó, làm giảm tậm chí mất đi khả năng làm việc của chó.

Mục đích: tìm hiểu thực trạng bệnh còi xương ở chó nuôi tại một  số địa phương thuộc các tỉnh Hà Nội, Lạng Sơn, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh và thử nghiệm một số phác đồ điều trị bệnh còi xương của chó

Phương pháp:

Xác định triệu chứng lâm sàng điển hình của chó mắc bệnh còi xương theo các lứa tuổi, giống chó bằng phương pháp quan sát trực tiếp trên từng cá thể

Khảo sát tình hình bệnh qua bảng câu hỏi được thiết kế nhằm tìm hiểu các thông tin phục vụ cho nghiên cứu.

–  Thử nghiệm 02 phác đồ điều trị khác nhau, thời gian điều trị tối đa là 15 ngày. Đánh giá hiệu quả của từng phác đồ điều trị thông qua tỷ lệ khỏi bệnh. Chúng tôi tiến hành xây dựng phác đồ điều trị thử nghiệm trên 12 chó có cùng mức độ bệnh và chia làm 2 lô:

– Lô I (6 con) được điều trị theo phác đồ I

– Lô II (6 con) được điều trị theo phác đồ II

* Phác đồ 1:

– Bổ sung canxi cho cơ thể chó bằng chế phẩm gluconat canxi 10 – 20%. Tiêm bắp với liều 2 – 5 ml/con/ngày.

– Tiêm bắp với chế phẩm VIT ADE  với liều 1 – 3 ml/con/ngày.

– Dùng thuốc trợ sức, trợ lực: bổ sung vitamin nhóm B (như Bcomplex với liều 1ml/10kgP tiêm bắp, ngày 1 lần).

* Phác đồ 2:

           – Bổ sung canxi cho cơ thể chó bằng chế phẩm canxi chlorua 10%. Tiêm chậm tĩnh mạch với liều 0,1 ml/kg P, ngày 1 lần.

– Tiêm bắp với chế phẩm VIT ADE  với liều 1 – 3 ml/con/ngày.

          – Dùng thuốc tăng cường trương lực cơ, kích thích tiêu hoá và bồi bổ thần kinh: dùng Strychnin sunphat 0,1% với liều 0,001- 0,002g/kg P, tiêm bắp ngày 1 lần.

– Dùng thuốc trợ sức, trợ lực: bổ sung vitamin nhóm B (Bcomplex, 1ml/10kgP tiêm bắp, ngày 1 lần).

Kết quả: Tiến hành khảo sát tình hình mắc bệnh còi xương trên 856 chó nuôi tại các địa phương Hà Nội, Lạng Sơn, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng và Quảng Ninh ở các giống, lứa tuổi, khác nhau, kết quả cho thấy: tỷ lệ mắc bệnh còi xương trung bình là 9,23%. Những chó mắc bệnh còi xương thường là những chó nhập ngoại. Trong tổng số chó mắc bệnh còi xương, giống chó Bergie mắc với tỷ lệ cao nhất (12,72%). Bệnh thường xuất hiện ở chó có độ tuổi từ 2 – 4 tháng (14,89%), chó ở tuổi dưới 2 tháng và trên 6 tháng tuổi có tỷ lệ mắc bệnh thấp (6,49% và 4,65%). Sử dụng phác đồ II điều trị bệnh còi xương có kết quả cao (sau 10 ngày điều trị tỷ lệ khỏi bệnh về mặt lâm sàng là 100%). Việc hộ lý, chăm sóc nuôi dưỡng đóng vai trò quan trọng giúp quá trình điều trị nhanh đạt kết quả cao

Kết luận: Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cung cấp dữ liệu khoa học hỗ trợ việc điều trị khi chó mắc bệnh còi xương.

Từ khóa: Chó, bệnh còi xương,phác đồ điều trị.

Bài báo được đăng trên tạp chí “Khoa học Nông nghiệp Việt Nam” Tập XV, số 6, 2017

Phạm Thị Lan Hương, Nguyễn Văn Thanh, Phạm Ngọc Thạch

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *