Giới thiệu: Nhóm virus gây ức chế miễn dịch, trong đó có virus gây bệnh thiếu máu truyền nhiễm (chicken infectious anemia virus, CIAV), là một trong những nhóm gây ảnh hưởng lớn về kinh tế cho ngành chăn nuôi gà trên toàn thế giới (Balamurugan & Kataria, 2006). Đối với bệnh thiếu máu truyền nhiễm, lứa tuổi mẫn cảm nhất và thường biểu hiện lâm sàng ở nhóm gà ≤ 3 tuần tuổi, có biểu hiện thiếu máu, gầy yếu, chậm phát triển và tỷ lệ tử vong cao (Mcnulty, 1991). Nghiên cứu (Rimondi & cs., 2014) cho biết CIAV còn được phát hiện ở gà không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng của bệnh thiếu máu truyền nhiễm.
Mục đích nghiên cứu: Phát hiện bệnh thiếu máu truyền nhiễm ở gà nuôi tại Việt Nam.
Phương pháp nghiên cứu: Mẫu bệnh phẩm được lấy từ gà ốm tại các trang trại theo “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bệnh động vật – yêu cầu chung lấy mẫu bệnh phẩm, bảo quản và vận chuyển” (QCVN 01- 83: 2011/BNNPTNT). Bệnh phẩm gồm tuyến Harder, tuyến ức, tủy xương, lách, túi Fabricius, v.v… Sau đó mẫu được chiết tách AND tổng số và tiến hành phản ứng PCR để phát hiện virus CIAV với cặp mồi CAVVP3F/ CAV2 (Van Santen & cs., 2001)
Hình 1: Kết quả thực hiện phản ứng PCR phát hiện CIAV
Ghi chú: đối chứng dương (+) và đối chứng âm (-) của phản ứng PCR, thang 100 bp ADN (M), giếng ký hiệu từ 1 – 9 là các mẫu xét nghiệm. Sản phẩm PCR của cặp mồi CAVVP3F/CAV2 (đầu mũi tên) và CAV1/CAV2 (mũi tên) có kích thước lần lượt là 1038 bp và 676 bp.
Kết quả: Sự phân bố theo không gian của CIAV tại các địa điểm lấy mẫu thuộc miền Bắc Việt Nam được minh họa qua hình 1, 2 và 3. Tỷ lệ phát hiện CIAV cao ở một số tỉnh thuộc miền Bắc Việt Nam tương xứng với một vài công bố ở các nước (74/119 mẫu, chiếm tỷ lệ trung bình là 62,2%). Gà ở mọi lứa tuổi, mục đích chăn nuôi, quy mô và phương thức chăn nuôi đều nhiễm CIAV với tỷ lệ khác nhau; tuy nhiên chỉ thấy sự sai khác rõ rệt về tỷ lệ nhiễm ở yếu tố phương thức chăn nuôi (nuôi thả tự do có tỷ lệ nhiễm 80,5% cao hơn so với nuôi nhốt 52,6%);
Hình 2: Sự lưu hành của CIAV ở gà nuôi tại một số tỉnh miền Bắc Việt Nam
Ghi chú: 10 tỉnh được làm nổi bật. Từng cột có vách ngăn chỉ ra tỷ lệ kiểm tra đối với mẫu CIAV dương tính (màu đỏ) và âm tính (màu xanh) cho toàn bộ mẫu thu thập ở mỗi tỉnh.
Kết luận: Có sự lưu hành của CIAV ở đàn gà nuôi tại 10 tỉnh/thành phố miền Bắc Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
Balamurugan V. & Kataria, J. M. (2006). Economically important non-oncogenic immunosuppressive viral diseases of chicken- current status, Vet Res Commun, 30(5): 541-66.
Mcnulty M. S. (1991). Chicken anaemia agent: a review, Avian Pathology, 20(2): 187-203.
Rimondi A., Pinto, S., Olivera, V., Dibarbora, M., Perez-Filgueira, M., Craig, M. I. & Pereda, A. (2014). Comparative histopathological and immunological study of two field strains of chicken anemia virus, Vet Res, 45: 102.
Van Santen V. L., Joiner, K. S., Murray, C., Petrenko, N., Hoerr, F. J. & Toro, H. (2004). Pathogenesis of chicken anemia virus: comparison of the oral and the intramuscular routes of infection, Avian Dis, 48(3): 494-504
Hình 3: Một số triệu chứng của gà nhiễm CIAV tự nhiên
Bộ môn VSVTN, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Địa chỉ liên hệ: huynhtmle@vnua.edu.vn