Sự lưu hành của virus gây bệnh bạch huyết trên bò ở miền Bắc Việt Nam

Giới thiệu: Virus gây bệnh bạch huyết (Bovine leukemia virus – BLV) thuộc họ Retroviridae, chi Deltaretrovirus và có sự tương đồng cao với các virus gây bệnh trên người như Human T-lymphotrophic virus (HTLV) hay virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV). BLV là tác nhân gây bệnh bạch huyết bò (enzootic bovine leucosis), một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất trên bò sữa, gây thiệt hại không nhỏ cho ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, những nghiên cứu liên quan tới sự lưu hành của virus này trên quần thể bò nuôi tại Việt Nam còn rất hạn chế.

 

Mục đích nghiên cứu: Nhằm xác định tỷ lệ lưu hành của virus gây bệnh bạch huyết bò hiện diện trong đàn bò nuôi tại một số tỉnh miền Bắc Việt Nam.

 

Phương pháp nghiên cứu: Trong nghiên cứu này, mẫu máu toàn phần thu thập từ 275 bò nuôi tại các tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc được sử dụng để tách chiết huyết thanh và DNA. 266 mẫu huyết thanh được sử dụng để kiểm tra sự hiện diện của kháng thể kháng BLV-env-gp51 protein bằng kit ELISA (JNC). Phản ứng nested PCR được sử dụng để khuếch đại đoạn gene BLV-env-gp51 dài 444 bp. Sản phẩm của phản ứng PCR được kiểm tra bằng cách điện di trên thạch Agarose 2% có chứa Gel Red.

 

Kết quả: 44/266 (16.5%) mẫu đã xác định sư có mặt của với kháng thể kháng protein BLV-env-gp51 bằng phương pháp ELISA. Trong đó, tỷ lệ nhiễm BLV trên nhóm bò sữa (22.1%) cao hơn đáng kể (P<0.01) so với nhóm bò thịt (0.0%). Tỷ lệ nhiễm cao ở nhóm bò cái (19.0%), cao hơn (P<0.01) nhóm bò đực (0.0%). 10.2% bò ≤ 1 năm tuổi được xác định dương tính với kháng thể kháng BLV, trong khi đó một tỷ lệ lưu hành cao hơn được tìm thấy ở nhóm bò có độ tuổi lớn hơn. Tuy nhiên sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê (P>0.05). 32/162 (21.1%) mẫu phát hiện sự hiện diện của đoạn gene gp51 bằng phản ứng nested PCR.

 

Kết luận: Nghiên cứu khẳng định sự lưu hành của virus BLV với tỷ lệ cao trên đàn bò nuôi tại miền Bắc Việt Nam (16.5% bằng ELISA, 21.1% bằng nested PCR). Sự khác biệt về kết quả của hai phương pháp có thể do độ nhạy cao hơn của phản ứng nested PCR hoặc do kháng thể kháng BLV chưa xuất hiện trong huyết thanh do thời gian nhiễm BLV ngắn. Tỷ lệ lưu hành cao quan sát được ở nhóm bò có độ tuổi lớn có thể gây ra bởi thời gian phơi nhiễm với BLV dài hơn trên các cá thể này. Nhóm bò cái có tỷ lệ nhiễm BLV cao hơn có thể do việc nuôi lấy sữa trong thời gian dài làm tăng thời gian phơi nhiễm với BLV, trong khi các cá thể đực thường được nuôi vỗ béo trong thời gian ngắn hơn hoặc sớm giết thịt sau khi sinh đối với bê sữa. Nhóm bò sữa có tỷ lệ nhiễm BLV cao hơn đáng kể so với nhóm bò thịt. Hiện tượng này cũng được báo cáo trong các nghiên cứu trước đây trên quần thể bò nuôi tại quốc gia khác. Tỷ lệ nhiễm khác nhau có thể giải thích bằng sự khác biệt trong phương thức chăn nuôi hoặc di truyền giữa hai nhóm bò. Trong các nghiên cứu tiếp theo, chúng tôi sẽ kiểm tra mối liên hệ giữa các yếu tố về di truyền và tính kháng/nhạy đối với bệnh bạch cầu bò tạo cơ sở trong việc chọn lựa giống giúp kiểm soát bệnh trong quần thể bò.

 

Link bài báo: https://www.jstage.jst.go.jp/article/jvms/82/7/82_20-0094/_pdf/-char/en

                                                                                                                                        Ảnh minh hoạ:

                       

                                                                               Chú thích: Mẫu trong nghiên cứu được thu từ các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng.

Lê Thị Dung1, Nanako Yamashita-Kawanishi1, Mari Okamoto1, Nguyễn Vũ Sơn1,2, Nguyễn Hữu Nam2, Katsuaki Sugiura3, Tomoyuki Mira4 và Takeshi Haga1

1Division of Infection Control and Disease Prevention, Department of Veterinary Medical Science, Graduate School of Agricultural and Life Sciences (GSALS), The University of Tokyo

2Department of Veterinary Pathology, Faculty of Veterinary Medicine, Vietnam National University of Agriculture

3Department of Global Agricultural Sciences, GSALS, The University of Tokyo

4Research Center for Infectious Diseases, Institute for Frontier Life and Medical Science, Kyoto University

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *