SỰ ĐỒNG NHIỄM CỦA CIRCOVIRUS VÀ PARVOVIRUS Ở VỊT NUÔI TẠI HÀ NỘI NĂM 2021

Đồng Văn Hiếu, Lê Văn Phan, Đồng Thị Hồng Nhung, Lại Thị Lan Hương, Dương Văn Nhiệm, Vũ Thị Thu Trà, Lê Huỳnh Thanh Phương, Trần Thị Hương Giang

Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tính cấp thiết: Parvovirus và DuCV ở vịt đã được ghi nhận và ảnh hưởng tới chăn nuôi vịt ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam (Bùi Hữu Dũng & cs., 2016; Nguyễn Thị Kim Oanh & cs., 2020; Nguyễn Thị Thanh Hải & cs., 2020; Nguyễn Văn Giáp & cs., 2020). Nguyễn Thị Kim Oanh và cs. (2020) đã phát triển phương pháp PCR để chẩn đoán bệnh gây ra do parvovirus ở một số tỉnh miền Bắc. Sáu mẫu bệnh phẩm từ vịt với các triệu chứng tiêu chảy, còi cọc nghi mắc bệnh do parvovirus. Kết quả sau đó đã xác định 5/6 mẫu dương tính với parvovirus bằng phản ứng PCR. Kết quả phân tích một phần gen mã hóa protein không cấu trúc (627 bp) và gen VP1 (225 bp) bước đầu kết luận, chủng gây bệnh trên đàn vịt tại tỉnh Hưng Yên là N-GPV. Trong khi đó, tỷ lệ dương tính với DuCV biến động từ 6,09% (39/640) tại Bắc Giang (Nguyễn Thị Thanh Hải & cs., 2020); 6,58% (5/76) tại một số tỉnh miền Nam (Bùi Hữu Dũng & cs., 2016). Tới nay, chưa có nghiên cứu nào ở Việt Nam đề cập tới sự đồng nhiễm của cả hai loại virus này trên vịt.

Mục đích nghiên cứu: Nghiên cứu này được tiến hành nhằm mục đích phát hiện sự có mặt đồng thời của parvovirus và DuCV, và bước đầu ứng dụng phương pháp duplex PCR (d-PCR) để xác định sự đồng nhiễm của 2 loại virus này ở vịt nuôi tại Hà Nội năm 2021.

Phương pháp nghiên cứu: Tổng số 48 mẫu gộp phủ tạng gồm não, tim, phổi, gan, lách, thận, và túi Fabricius được thu thập từ 48 vịt từ 2 tới 7 tuần tuổi tại các Huyện Thường Tín, Ứng Hòa, Phú Xuyên và Gia Lâm thuộc Hà Nội trong thời gian từ tháng 4 tới tháng 7 năm 2021. Tất cả các trang trại trong nghiên cứu này đều không sử dụng vắc-xin phòng bệnh gây ra do DuCV và parvovirus. Mẫu được thu thập từ vịt với các biểu hiện bệnh như còi cọc, chậm lớn so với các con khác trong đàn, ủ rũ, bỏ ăn, rụng lông vùng cổ. Mẫu sau khi thu thập được xử lý tại Bộ môn Thú y cộng đồng, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Phương pháp d-PCR và PCR được sử dụng để xác định sự có mặt của DuCV và parvovirus trong mẫu bệnh phẩm thu thập được.

Kết quả chính: tỷ lệ mẫu dương tính với DuCV theo trang trại và theo cá thể lần lượt là 81,2% và 54,17%; với parvovirus là 45,45% và 27,08%; và với hai loại virus là 36,36% và 18,75%. Phương pháp d-PCR lần đầu được ứng dụng để chẩn đoán cùng lúc hai loại virus trong mẫu bệnh phẩm với độ nhạy và độ đặc hiệu là 100% so với phương pháp PCR đơn. Kết quả của nghiên cứu này góp phần bổ sung thông tin về tình hình nhiễm DuCV và/hoặc parvovirus ở vịt, làm cơ sở cho việc xây dựng các biện pháp chẩn đoán và phòng chống dịch bệnh trên đàn vịt.

Kết luận: Tỷ lệ dương tính theo cá thể với DuCV (54,17%), parvovirus(27,08%), và đồng nhiễm cả 2 loại virus (18,75%) đã được xác định ở nghiên cứu này. Trong khi đó, tỷ lệ dương tính theo trang trại với DuCV, parvovirus và với cả 2 loại virus này lần lượt là 81,82%; 45,45% và 36,36%. Nghiên cứu này bước đầu ứng dụng phản ứng d-PCR chẩn đoán cùng lúc DuCV và parvovirus trên vịt với độ nhạy và độ đặc hiệu đều đạt 100% so với phương pháp PCR đơn

Từ khóa: Circovirus, đồng nhiễm, Hà Nội, parvovirus, vịt.

Link bài báo: Khoa học kỹ thuật Thú y Tập XXIX Số 3 – 2022

(A) (B)
Hình 1. Minh họa kết quả PCR phát hiện (A) DuCV và (B) parvovirus ở vịt

Ghi chú: M là thang ADN chuẩn với khoảng cách giữa các vạch là 100 bp, các mẫu thực địa được bố trí từ giếng 1 đến giếng 4, 7 đến 10, mẫu đối chứng chỉ bổ sung nước tinh khiết được bố trí ở giếng số 5 và 6. Vạch sản phẩm PCR đặc hiệu có kích thước 230 và 537 bp được đánh dấu bằng mũi tên màu đen.

 

Bảng 1. Kết quả xác định DuCV hoặc/và parvovirus ở vịt theo địa điểm lấy mẫu tại Hà Nội bằng phản ứng PCR

Địa phương Số mẫu kiểm tra DuCV Parvovirus DuCV + Parvovirus
Số mẫu dương tính Tỷ lệ (%) Số mẫu dương tính Tỷ lệ (%) Số mẫu dương tính Tỷ lệ (%)
Phú Xuyên 13 9 69,23 6 46,15 6 46,15
Ứng Hòa 12 9 75 0 0 0 0
Thường Tín 13 4 30,77 4 30,77 1 7,69
Gia Lâm 10 4 40 3 30 2 20
Tổng 48 26 54,17 13 27,08 9 18,75

 Bảng 2. Kết quả xác định DuCV hoặc/và parvovirus ở vịt theo trang trại tại Hà Nội

Địa phương Số trại kiểm tra DuCV Parvovirus DuCV + Parvovirus
Số trại dương tính Tỷ lệ (%) Số trại dương tính Tỷ lệ (%) Số trại dương tính Tỷ lệ (%)
Phú Xuyên 3 2 66,67 2 66,67 2 66,67
Ứng Hòa 2 2 100 0 0 0 0
Thường Tín 3 3 100 2 66,67 1 33,33
Gia Lâm 3 2 66,67 1 33,33 1 33,33
Tổng 11 9 81,82 5 45,45 4 36,36

Hình 2. Minh họa tối ưu hóa nhiệt độ gắn mồi cho phản ứng d-PCR

Ghi chú: M là thang ADN chuẩn với khoảng cách giữa các vạch là 100 bp. Mẫu thực địa được bố trí theo thang nhiệt gắn mồi của phản ứng d-PCR ở các giếng 1, 2, 3, 4, và 5 lần lượt là 45 oC, 45,9  oC, 51,8  oC, 54,3  oC, và 55  oC.

Hình 3. Minh họa kết quả d-PCR phát hiện DuCV và/hoặc parvovirus trong mẫu bệnh phẩm tự vịt tại thực địa

Ghi chú: M là thang ADN chuẩn với khoảng cách giữa các vạch là 100 bp, các mẫu thực địa được bố trí từ giếng 2 đến giếng 12, mẫu đối chứng chỉ bổ sung nước tinh khiết được bố trí ở giếng số 1. Vạch sản phẩm PCR đặc hiệu có kích thước 230 bp và/hoặc 537 bp được đánh dấu bằng mũi tên màu đen.

Bảng 3. Độ nhạy và độ đặc hiệu của phản ứng d-PCR so với PCR đơn

d-PCR

PCR đơn

 
DuCV Parvovirus DuCV + Parvovirus
Số mẫu

+

Số mẫu

Số mẫu + Số mẫu

Số mẫu +/+ Số mẫu

-/-

 
Số mẫu + 26 0 13 0 9 0 Giá trị dự đoán dương: 100%
Số mẫu -/- 0 22 0 5 0 39 Giá trị dự đoán âm: 100%
  Độ nhạy 100% Độ đặc hiệu 100% Độ nhạy 100% Độ đặc hiệu 100% Độ nhạy 100% Độ đặc hiệu 100%  
Kappa = 1          

Ghi chú: “+”: dương tính

               “+/+”: dương tính với DuCV và parvovirus

               “-”: âm tính

               “-/-‘’: âm tính với DuCV hoặc/và parvovirus