Phương pháp xử lý dụng cụ thủy tinh dùng trong phòng thí nghiệm và cách bao gói

Phương pháp xử lý dụng cụ thủy tinh dùng trong phòng thí nghiệm và cách bao gói

Bộ môn Vi sinh vật – Truyền nhiễm

  1. Yêu cầu của dụng cụ thủy tinh dùng trong phòng thí nghiệm

– Chịu hóa chất: là thủy tinh trung tính, chịu được hầu hết các hóa chất, dung dịch ăn mòn mạnh ở nhiệt độ cao;

– Tính chất nhiệt: chịu được nhiệt độ cao, shock nhiệt;

– Dụng cụ thủy tinh dùng để nuôi cấy VSV hoặc được dùng để làm các phản ứng huyết thanh học đòi hỏi phải thật sạch và trung tính. Dụng cụ thủy tinh dùng cho PTN cần phải sạch về mặt hoá học (không dính các chất hữu cơ hoặc vô cơ) và sạch về mặt VSV học (không chứa bất kỳ tế bào VSV hay bào tử của chúng). Do vậy, việc xử lý dụng cụ thủy tinh rất quan trọng, trước khi sử dụng thì cần được rửa sạch, tráng bằng nước cất, để khô và khử trùng.

  1. Một số dụng cụ thủy tinh dùng trong phòng thí nghiệm VSV

Bao gồm các chai chuyên dụng, bình tam giác, bình cầu, các loại ống đong, cốc đong, phễu, ống nghiệm, pipet, burét, hộp lồng petri, bô can, que cấy,…

  • Bình tam giác, bình cầu:

Thường sử dụng để chuẩn độ, chứa đựng môi trường, dung dịch, nuôi cấy VSV, thực hiện các phản ứng, bình cầu còn thích hợp cho các phản ứng cần xúc tác nhiệt độ,… Tùy theo dung dịch chứa để chọn loại bình thích hợp; bình tam giác, bình cầu thường có thể tích từ 50ml đến 10 lít.

  • Ống đong, cốc đong:

Có vạch chia thể tích dùng để đong những khối lượng dung dịch không cần phải có độ chính xác cao. Khi đong, nên chọn ống đong nào có khối lượng gần nhất với khối lượng cần đong để có độ chính xác cao hơn.  Khi đong phải đặt ống đong trên một mặt phẳng và tầm mắt ngang tầm với bề mặt chất lỏng để tránh sai số trong lúc đọc mức đong.

Hình 1. Một số dụng cụ thủy tinh dùng trong phòng thí nghiệm VSV

 Nguồn: https://hoachatsaomai.com/

  • Pipet:

Dùng để đong, hút dung dịch để có độ chính xác cao hơn. Có rất nhiều loại pipet thủy tinh khác nhau như pipet Pasteur, pipet có chia vạch thông thường… được thiết kế cho phù hợp với mục đích nghiên cứu. Để đảm bảo an toàn, trong các PTN nghiên cứu về VSV gây bệnh đều nghiêm cấm việc hút pipet bằng mồm, mà dùng quả bóp bằng cao su, quả bóp hút an toàn 3 van, hoặc dùng pipet hút tự động (pipet aid).

  • Hộp lồng petri:

Chủ yếu dùng để nuôi cấy, phân lập các chủng VSV hoặc làm các xét nghiệm chẩn đoán; ta có thể quan sát được hình thái, tính chất khuẩn lạc của các VSV.

  • Ống nghiệm:

Dùng để chứa đựng dung dịch với dung tích nhỏ, nuôi cấy VSV trên môi trường lỏng hoặc môi trường thạch, thử các tính chất sinh vật hoá học,…

  • Burét:

Chủ yếu dùng trong các thí nghiệm chuẩn độ để xác định nồng độ các chất. Khi dùng cần lưu ý khoá của burét nên bôi vaselin để không bị rít, tuyệt đối không để có bọt khí khi chuẩn độ (nếu có nên mở khoá cho dung dịch chảy xuống một cốc đặt ở dưới). Nên cầm khoá burét bằng tay trái còn tay phải cầm bình để lắc lúc chuẩn độ. Khi đọc thể tích dung dịch thì mắt phải nhìn thẳng và burét phải được kẹp thẳng trên giá để tránh sai số.

  1. Cách rửa dụng cụ thủy tinh
  2. Xử lý dụng cụ trước khi rửa

– Dụng cụ thủy tinh mới mua, chưa sử dụng, phải được rửa sạch bằng chổi lông sử dụng nước rửa PTN, rửa sạch trong và ngoài dụng cụ sau đó rửa sạch bằng nước. Rửa xong tráng bằng nước cất, cắm dụng cụ vào giá, đầu chúc xuống dưới cho ráo nước rồi mới đem hấp khử trùng.

Muốn thử thủy tinh có trung tính hay không thì lấy nước trung tính (pH = 7) cho vào dụng cụ rồi hấp ở 1200C trong 30 phút, để nước nguội rồi sau đó thử pH của nước. Nếu pH>7 cần ngâm vào dung dịch HCl 2% hoặc dung dịch H2SO4 1-2% trong khoảng 8 – 12 giờ. Rửa lại bằng nước rửa PTN và nước nhiều lần cho tới pH trung tính. Nếu chưa trung tính, tiếp tục ngâm lại như trên.

– Các dụng cụ đã sử dụng để nuôi cấy VSV, nhất là các VSV gây bệnh, trước khi rửa nhất thiết phải được khử trùng bằng hơi nước áp lực cao trong nồi hấp vô trùng (autoclave) để giết chết các tế bào, bào tử của VSV, đảm bảo an toàn cho người rửa, không reo rắc mầm bệnh vào môi trường.

Đổ các chất chứa trong dụng cụ ra, sau đó ngâm vào nước ấm. Nếu ống nghiệm có parafin thì phải hấp riêng và khi còn nóng phải đổ ngay chất chứa rồi dốc ống nghiệm trên một lớp bông cho chảy hết parafin, sau đó ngâm vào nước ấm trong một chậu riêng.

  1. Rửa dụng cụ thủy tinh

Sau khi tiệt trùng dụng cụ bẩn, tháo bỏ nút bông, môi trường, thạch, cặn bẩn chứa trong dụng cụ;

– Tráng dụng cụ bằng nước để loại hết cặn bẩn;

– Dùng miếng nhám thấm nước rửa PTN hoặc bông thấm cồn để lau sạch các ký hiệu ghi bằng bút dạ trên thủy tinh;

– Chọn chổi rửa thích hợp với từng loại ống hoặc bình, một đầu nên buộc miếng mút nhỏ để phần sắt không chọc thủng đáy ống nghiệm hoặc đáy bình. Dùng chổi rửa thấm nước rửa PTN cọ kỹ phía trong, dùng khăn mềm thấm nước rửa PTN cọ phía ngoài, đối với các đĩa petri chỉ cần dùng khăn mềm thấm nước rửa PTN cọ kỹ. Xả sạch bằng nước nhiều lần, tráng lại bằng nước cất để pH đạt đến trung tính;

– Đối với pipet cần lấy que nhỏ khều nút bông ra, rồi dùng vòi nước cho chảy ngược đầu ống hút để kéo hết chất cặn trong ống hút ra, rửa xong ngâm vào dung dịch xút 4% hoặc HgCl2 1% hoặc ngâm trong dung dịch sunfocromat 1 ngày, chuyển sang bình rửa pipet tự động qua đêm hoặc rửa trực tiếp dưới vòi nước để dòng nước chảy bên trong pipet, rửa sạch bằng nước rửa PTN sau đó rửa nước nhiều lần, tráng lại bằng nước cất;

– Nếu dụng cụ bẩn nhiều hoặc dính dầu mỡ, ngâm các dụng cụ đó vào dung dịch sunfocromic trong nhiều giờ sau đó rửa lại;

– Dụng cụ sau khi rửa phải đảm bảo pH đạt đến trung tính, úp ngược dụng cụ cho ráo nước, làm khô ở nhiệt độ phòng hoặc đem sấy ở nhiệt độ 600C – 800C trong vài giờ. Sau đó cất giữ đồ thủy tinh khô hoặc bao gói chúng để đem đi khử trùng.

* Dung dịch sunfocromat:

Thành phần:

K2CrO7          :           60 g

H2SO4            :           66 ml

Nước cất đến  :           1 lít

Cách pha: hòa tan 60 g K2CrO7 vào 700 ml nước cất, đặt bình vào chậu nước để tránh bị bỏng khi bổ sung axit. Bổ sung từ từ 66 ml dung dịch axit H2SO4 vào dung dịch K2CrO7 trên đến khi tan hết. Bổ sung nước cất vừa đủ 1 lít. Bảo quản trong bình tối màu, tránh ánh sáng để dùng dần.

            – Với phiến kính: nếu phiến kính có dầu thì phải lau sạch dầu trước khi ngâm. Phiến kính đã làm tiêu bản VSV được ngâm vào dung dịch HgCl2 1‰ hoặc lyzol 5%. Đun sôi trong nước có nước rửa PTN, rồi để nguội. Dùng bông hay vải cọ sạch hết thuốc nhuộm và rửa, dựng cho ráo nước. Ngâm trong cồn 900 trong 12 giờ, vớt ra lau sạch bằng vải mịn, đem hấp khô. Hoặc có thể giữ phiến kính trong cồn, khi nào dùng thì lấy ra, dùng vải lau khô và hơ qua trên ngọn lửa đèn cồn

  1. Khử trùng dụng cụ thủy tinh
  2. Chuẩn bị đồ thủy tinh để khử trùng

            Trước khi đem hấp khử trùng dụng cụ, cần phải bao gói kỹ càng, thật kín để sau khi khử trùng xong không bị nhiễm trùng. Nếu bao gói không cẩn thận, không đúng thì sẽ gây vỡ dụng cụ trong khi hấp, gây cản trở cho người sử dụng. Ví dụ: ống nghiệm và chai lọ làm nút quá chặt không mở được.

– Pipet: nhồi một miếng bông nhỏ vừa phải vào đầu ống hút, cho vào ống bằng kim loại không gỉ có bông ở phía đặt đầu nhọn hoặc dùng giấy bao gói từng cái pipet hoặc bao gói theo từng bó có cùng kích cỡ, buộc hai đầu, đánh dấu đầu hút, sau khi khử trùng chỉ được mở phần này để lấy pipet ra dùng, tay không được chạm vào phần đầu nhọn của pipet.

Để bao gói ống hút dùng giấy: cắt những băng giấy rộng khoảng 4-5 cm, đặt đầu ống hút vào 1 đầu của băng giấy, cách độ 4-5 cm, ống hút nghiêng khoảng 300 so với giấy rồi gập giấy lại, xoay ống hút để quấn giấy vào, cuối cùng phải xoắn đầu giấy lại.

– Hộp lồng petri: xếp thành chồng khoảng 5 bộ đĩa, bao gói bằng giấy hoặc xếp vào ống trụ làm bằng thép không gỉ hoặc nhôm.

– Ống nghiệm, bình tam giác, bình cầu nếu không có nút thì nhất thiết phải được đậy nút bông. Dùng bông mỡ (bông không thấm nước) để làm nút. Nút bông có chức năng như một dụng cụ lọc khí vô trùng do vậy cần có độ dày vừa phải để không khí có thể đi qua nhưng VSV bị giữ lại, hơn nữa nút bông cũng cần phải làm đúng kiểu cách để thuận tiện khi thao tác thí nghiệm.

Cách làm nút bông: làm bằng bông không thấm nước sợi dài, cắt bông thành miếng nhỏ hình vuông có kích thước khoảng 7-8 cm, dàn đều mỏng rồi cuộn chặt từ hai cạnh đối xứng của hình vuông vào giữa, làm thành một hình ống dài, sau đó gập 2 đầu của ống vào chính giữa và gập đôi lại để mép hình ống vào phía trong. Yêu cầu nút làm không dài quá 4-5 cm, không chặt quá dễ làm vỡ ống nghiệm và bình; nhưng cũng không được lỏng quá làm nhiễm trùng môi trường. Đầu nút bông phải tròn gọn, không méo mó và không bị xổ bông. Trong trường hợp làm nút bông của các bình lớn cần phải bọc thêm một lớp vải màn hay vải gạc; sau khi làm nút bông cần lấy giấy bao lấy miệng chặt lấy miệng bình.

  1. Khử trùng dụng cụ thủy tinh

– Khử trùng bằng hơi nóng khô: xếp dụng cụ đã bao gói kín vào tủ sấy, không để ống có nút bông vào giá ở ngăn dưới đề phòng bông cháy. Không xếp quá chặt để không khí lưu thông làm nóng đều dụng cụ cần khử trùng. Khử trùng ở nhiệt độ từ 160-1700C trong thời gian 1 giờ. Khi nhiệt độ trong tủ khử trùng xuống đến nhiệt độ phòng mới được lấy dụng cụ ra.

– Khử trùng bằng nồi hấp ướt: dùng hơi nước áp lực cao (121oC, 1 atm, trong 30 phút) để khử trùng dụng cụ. Sau khi khử trùng xong nên sấy khô trước khi sử dụng.

  1. Bảo quản dụng cụ thủy tinh

Dụng cụ thủy tinh sau khi khử trùng nếu không sử dụng ngay nên cho vào túi polyetylen buộc chặt, bảo quản trong tủ kín sạch sẽ, khô ráo.

Các loại dụng cụ như que gạt, que cấy thủy tinh sau khi khử trùng chỉ nên sử dụng trong vòng 1 ngày, hộp petri trong vòng 3 ngày, ống nghiệm, bình tam giác, bình cầu khoảng 7- 10 ngày nếu bảo quản tốt. Nếu để quá lâu dụng cụ cần được khử trùng lại trước khi dùng.

Lưu ý khi loại bỏ dụng cụ thủy tinh:

Thủy tinh khi vỡ, gẫy tạo ra những góc cạnh sắc rất nguy hiểm, có thể làm tổn thương người làm công tác dọn dẹp trong PTN; do đó, tất cả các dụng cụ thủy tinh khi đã loại bỏ cần phải được khử trùng và phải bỏ vào thùng rác chuyên dụng có cảnh báo chứa vật sắc nhọ

  1. Cách bao gói một số dụng cụ khác

– Phễu: bọc cuống phễu và miệng phễu bằng giấy rồi buộc lại, sau đó gói kín toàn bộ phễu và buộc lại;

– Cối chày sứ: bọc kín cối, chày bằng giấy;

– Dao, kéo, pank… có thể gói kín bằng giấy hoặc cho vào ống nghiệm có bông ở đáy, lưỡi về phía đáy, làm nút bông ống và bao gói bằng giấy cho kín và gọn.

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *