PHÂN LẬP, XÁC ĐỊNH TÍNH KHÁNG NGUYÊN VÀ ĐỘC LỰC CỦA CÁC CHỦNG STREPTOCOCCUS AGALACTIAE GÂY BỆNH Ở CÁ RÔ PHI TẠI 7 TỈNH, THÀNH TRONG CẢ NƯỚC

Hồ Thu Thủy1, Vũ Đức Hạnh3, Nguyễn Bá Tiếp3, Nguyễn Viết Không2, Lại Thị Lan Hương3

1 Ban vi khuẩn – Trung tâm nghiên cứu và sản xuất sinh phẩm Công ty cổ phần dược và vật tư thú y (Hanvet), 2 Viện Thú y Quốc gia, 3 Khoa Thú y – Học Viện Nông nghiệp Việt Nam

Tính cấp thiết: Trong những năm vừa qua, ngành thủy sản có tốc độ phát triển nhanh nhất trong các lĩnh vực sản xuất thực phẩm cho con người (Khan et al., 2011). Tại Việt Nam, nuôi trồng thủy sản đã và đang đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia với tổng sản lượng thủy sản đạt 7,28 triệu tấn năm 2017, trong đó khoảng 3,9 triệu tấn là đóng góp từ hoạt động nuôi trồng thủy sản và thủy sản xuất khẩu mang lại kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 8,3 tỷ USD (VASEP, 2018). Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng sang nuôi thâm canh đã tạo ra nhiều hệ lụy đến môi trường và đặc biệt là gây ra nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm, gây tổn thất kinh tế cho ngành nuôi trồng thủy sản trên toàn thế giới. Hiện nay các khu nuôi thủy hải sản nói chung, vùng nuôi cá rô phi nói riêng việc sử dụng kháng sinh trong phòng trị bệnh tràn lan, không đúng cách gây ra hiện tượng kháng kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh trên động vật thủy sản, dẫn đến hiệu quả điều trị bệnh không có hoặc rất thấp (Sarter et al., 2007). Trong số các vi khuẩn gây bệnh trong nuôi trồng thủy sản, Streptococcus spp. là tác nhân gây bệnh nguy hiểm vì chúng có phổ ký chủ khá rộng từ các tầm, cá hồi đến nhóm cá biển và đặc biệt là các loài các thuộc họ cá rô như cá rô phi (Toranzo và cs, 2005). Vi khuẩn S.agalactia gây bệnh trên cá rô phi có tần suất xuất hiện từ 95-100% ở các tháng có nhiệt độ cao với tỷ lệ gây chết cộng dồn lên đến 42-100% đàn cá nuôi, làm thiệt hại nghiêm trọng cho nghề nuôi cá rô phi nuôi thương phẩm tại Việt Nam, do việc dùng kháng sinh không đúng cách, vi khuẩn bị kháng kháng sinh nên điều trị bệnh bằng kháng sinh không hiệu quả (Phạm Hồng Quân et al.,2013).

Mục đích nghiên cứu: Để có cơ sở cho việc nghiên cứu và chế tạo vắc xin phòng bệnh Streptococcosis trên cá rô phi, chúng tôi tiến hành phân lập xác định và kiểm tra độc lực của chủng vi khuẩn gây bệnh trên cá rô phi.

Phương pháp nghiên cứu: Thu mẫu, phân lập và định danh vi khuẩn: Thu mẫu cá bệnhPhân lập và định danh vi khuẩn Streptococcus spp. Lựa chọn chủng vi khuẩn Streptococcus spp. có tính kháng nguyên. Lựa chọn chủng độc lực.

Kết quả nghiên cứu: Kết quả phân lập và xác định tính kháng nguyên, độc lực của các chủng vi khuẩn Streptococcus agalactiae gây bệnh ở cá rô phi tại 7 tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Tiền Giang,Vĩnh Long, An Giang cho thấy tỷ lệ mẫu bệnh phân lập được vi khuẩn Streptococcus agalactiae là 96%. Các chủng S. Agalactiae phân lập được thuộc các chủng NS5; NS13; LX7; LX8; LX9; LX10; ĐN8; ĐN9; ĐN10; ĐN12;  ĐN17;O2;TP3;TP4 có tính kháng nguyên. Độc lực của các chủng vi khuẩn S.agalactiae TP4; O2; ĐN12; LX8 và NS5 có tính độc lực mạnh.

Kết luận: Từ 256 mẫu cá bệnh trên 7 tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, đã phân lập được 249 chủng vi khuẩn S.agalactiae (chiếm 96 %).  14 chủng S.agalactia có tính kháng nguyên. Từ 14 chủng có tính kháng nguyên chọn được 5 chủng có độc lực mạnh.

Nguồn: https://vjol.info.vn/index.php/kk-ty/issue/view/4896

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *