Giới thiệu: Fowl Adenovirus (FAdV) serotype 4 được coi là tác nhân chính gây hội chứng viêm gan – viêm ngoại tâm mạc tích nước (hydropericardium-hepatitis syndrome – HHS), trong khi đó viêm gan thể bao hàm (inclusion body hepatitis – IBH) có thể do cả 12 serotype FAdV gây ra. Cho đến nay, ở Việt Nam chưa có báo cáo nào chỉ ra sự lưu hành của FAdV,
Mục đích: do đó nghiên cứu của chúng tôi nhằm tìm hiểu sự lưu hành của FAdV ở gà nuôi tại Hà Nội và vùng phụ cận.
Phương pháp: Tổng số 145 mẫu phủ tạng gà nghi mắc bệnh được chiết tách DNA, sau đó sử dụng kỹ thuật PCR để phát hiện ra FAdV có trong các mẫu nghiên cứu. Các mẫu PCR dương tính với FAdV được tinh sạch và đem đi giải trình tự.
Kết quả: Có 30 mẫu dương tính với FAdV trong tổng số 145 mẫu nghiên cứu, chiếm 20,69%. Kết quả giải trình tự phân đoạn gen hexon của FAdV và phân loại theo phả hệ đã xác định được 7 chủng FAdV lưu hành ở Việt Nam gồm các chủng có ký hiệu là: F3, F5, F6, F7, F8, F9, F11. Kết quả phân tích dịch tễ học phân tử cũng cho thấy 7 chủng FAdV trên thuộc 3 loài FAdV-C, FAdV-D, FAdV-E, không có chủng nào thuộc loài FAdV- A và FAdV- B.
Kết luận: Đây là báo cáo đầu tiên về fowl adenovirus ở Việt Nam. Các cặp mồi được thiết kế bởi Ganesh & cs. (2002) có thể áp dụng để phát hiện và giải trình tự một phần gen hexon của FAdV tại Việt Nam. Hơn nữa, kết quả của chúng tôi đã chỉ ra rằng có sự lưu hành của FAdV ở gà nuôi tại Hà Nội và vùng phụ cận.
Từ khóa: Fowl Adenovirus (FAdV), PCR, gà, sự lưu hành.
http://tapchi.vnua.edu.vn/wp-content/uploads/2020/08/tap-chi-so-8.1.6.pdf
Lê Văn Trường*, Huỳnh Thị Mỹ Lệ, Nguyễn Văn Giáp
Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
*Tác giả liên hệ: lvtruong@vnua.edu.vn