Nghiên cứu một số đặc tính độc lực của CIAV(chicken infectious anemia virus) lưu hành ở gà nuôi tại Miền Bắc, Việt Nam.

Giới thiệu: Trên thế giới đã có nhiều công bố về kết quả gây nhiễm thực nghiệm CIAV (chicken infectious anemia virus) ở gà để tìm hiểu các biến đổi bệnh lý của bệnh thiếu máu do các chủng thực địa gây ra, điển hình là nghiên cứu tại Chi-lê (Toro & cs., 1997). Theo kết quả của nghiên cứu này, CIAV phân bố rộng trong cơ thể gà, nhưng tổn thương của bệnh được tìm thấy chủ yếu ở tuyến ức, tủy xương, lách và túi Fabricius do các chủng độc lực gây ra. Hiện tại ở Việt Nam các nghiên cứu công bố về độc lực của CIAV trên gà vẫn chưa có, nên những hiểu biết về độc lực của CIAV gây bệnh ở gà nuôi tại Việt Nam vẫn chưa rõ ràng.

Mục đích: Nghiên cứu tiến hành gây nhiễm thực nghiệm cho gà 01 ngày tuổi bởi chủng CIAV  phân lập được nhằm khẳng định độc lực của các chủng virus lưu hành tại địa điểm lấy mẫu trong phạm vi nghiên cứu của chúng tôi.

Phương pháp nghiên cứu: Tổng số có 20 gà 1 ngày tuổi âm tính CIAV, được chia thành 2 nhóm. Nhóm thí nghiệm: 10 gà, được tiêm 1 ml huyễn dịch CIAV (104,0 TCID50/ml) (Kaffashi & cs., 2006; Wani & cs., 2015; Tongkamsai & cs., 2019) vào xoang phúc mạc, 7 ngày sau tiêm nhắc lại lần 2. Nhóm đối chứng: 10 gà được tiêm 1 ml dung dịch PBS 1x vào xoang phúc mạc. Gà của nhóm thí nghiệm và đối chứng được nuôi riêng biệt, cách ly hoàn toàn với nhau và được cho ăn – uống tự do trong thời gian nuôi thí nghiệm (8 tuần). Để chứng minh việc gây nhiễm CIAV thành công, lấy mẫu máu chắt huyết thanh từ tuần 1 đến tuần 8 sau gây nhiễm, lấy mẫu 1 tuần/lần đối với tất cả các gà thuộc nhóm thí nghiệm và đối chứng tiến hành kiểm tra sự có mặt của CIAV bằng phương pháp semi-nested PCR. Theo dõi khả năng tăng trọng và xác định tỷ khối huyết cầu ở gà sau khi nhiễm CIAV.

Kết quả: CIAV lưu hành ở miền Bắc có độc lực; khi gây bệnh thực nghiệm: Kết quả semi-nested PCR phát hiện virus huyết cho thấy Hiện tượng virus huyết bắt đầu xuất hiện ở tuần thứ 3 sau gây nhiễm (tỷ lệ 20%) và tăng dần cho đến tuần thứ 6 (100%). CIAV đã gây ra các biến đổi bệnh lý điển hình của bệnh thiếu máu truyền nhiễm: (i) tỷ khối huyết cầu trung bình nhỏ hơn 27% và thấp hơn rõ rệt so với nhóm đối chứng; (ii) tủy xương nhạt màu (77,8%), teo tuyến ức (33,3%), teo túi Fabricius (55,6%). Từ tuần thứ 5 sau gây nhiễm (thời điểm có từ > 70% đến 100% gà dương tính virus huyết), nhóm nhiễm virus có khối lượng thấp hơn rõ rệt so với nhóm đối chứng (dấu *, hình 1) Dựa vào kết quả PCR, sau gây nhiễm 3 tuần bắt đầu phát hiện gà dương tính với CIAV, tỷ khối huyết cầu từ thời điểm này ở nhóm thí nghiệm bắt đầu giảm nhiều so với nhóm đối chứng. Từ  tuần 5 sau gây nhiễm trở đi, kết quả kiểm định về sự khác biệt tỷ khối huyết cầu giữa 2 nhóm gà cho giá trị p < 0,05, chứng tỏ kết quả bắt đầu sai khác và có ý nghĩa thống kê (hình 2).

Hình 1. Ảnh hưởng của CIAV đến khả năng tăng trọng của gà

Ghi chú: mức tăng khối lượng của thời điểm sau (t2) so với thời điểm ban đầu (t0): Tại mỗi thời điểm, mức tăng khối lượng được tính trung bình cho nhóm (biểu diễn dưới dạng cột) và biên độ dao động của mức tăng khối lượng (biểu diễn dưới dạng đoạn thẳng). Dấu * biểu thị sự sai khác có ý nghĩa thống kê ở mức p < 0,05.

Hình 2. Biến động tỷ khối huyết cầu ở nhóm gà gây nhiễm và đối chứng

Ghi chú: tại mỗi thời điểm, tỷ khối huyết cầu được biểu diễn dưới dạng trung bình cho nhóm và biên độ dao động. Dấu * biểu thị sự sai khác có ý nghĩa thống kê ở mức p < 0,05.

Kết luận:  CIAV lưu hành ở gà nuôi tại miền Bắc có độc lực, các đặc điểm về độc lực của CIAV gây bệnh ở gà tương tự với các mô tả đã được công bố trước đó trên thế giới.

Bộ môn VSVTN, Khoa Thú y, Học viện NNVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *