NGHIÊN CỨU MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM DỊCH TỄ HỌC BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI (ASF) TẠI HUYỆN QUỲNH PHỤ, TỈNH THÁI BÌNH

Giới thiệu: Bệnh dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên xảy ra ở các tỉnh miền Bắc Việt nam (2019). Bệnh gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi, cho các trang trại và cho người tiêu dùng.

Mục đích: Bước đầu tìm hiểu một số đặc điểm dịch tễ học và bệnh lý bệnh dịch tả lợn châu Phi ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Phương pháp: Áp dụng các phương pháp nghiên cứu dịch tễ học mô tả bằng cách thu thập số liệu thống kê và lưu trữ tại Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình từ 3/2019 đến 3/2020 qua câu hỏi điều tra để xác định các tỷ lệ ốm, chết của đàn theo quy mô trang trại và đối tượng lợn.  Mẫu từ máu, lách, hạch, nước thải, dụng cụ, thức ăn thừa được thu thập để chẩn đoán chính xác sự có mặt của vi rút bằng phương pháp PCR. Sản phẩm PCR dương tính được giải trình tự gen để xác định chủng gây bệnh.

Kết quả: Dịch bắt đầu từ ngày 26/2/2019, rồi lan ra toàn huyện. Tỉ lệ ốm bình quân của lợn nuôi tại huyện là 31,7%. Tất cả lợn ốm đều được đem đi tiêu hủy. Tại các trại theo dõi, tỉ lệ mắc cao nhất (91,95%) ở các nông hộ nhỏ, lẻ (71,43%). Trong khi đó, 33,33% trang trại quy mô vừa và lớn bị mắc bệnh với tỉ lệ lợn ốm là thấp nhất (41,23%). Tỉ lệ ốm theo đối tượng lợn tại huyện Quỳnh Phụ lần lượt là lợn đực (57,14%), lợn thịt (41,95%), lợn nái (40,63%) và lợn con (39,01%). Kết quả mổ khám cho thấy triệu chứng, bệnh tích của các đối tượng lợn mắc bệnh tương đối giống nhau, đều là hạch lâm ba sưng to, xuất huyết, thâm tím, các cơ quan phủ tạng xuất huyết, lách phì đại, dễ vỡ.  Kết quả PCR cho thấy vi rút tồn tại trên các yếu tố trung gian trong trại (nước thải, côn trùng, đồ dùng dụng cụ và thức ăn thừa) do đó có thể gây bệnh cho lợn. Từ lợn bệnh, vi rút được xác định và giải trình tự gen cho thấy có đoạn gen tương đồng với các chủng gây bệnh ở các vùng khác ở Việt Nam và trên thế giới.

Kết luận: Lợn nuôi tại 38/38 xã của huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đã mắc bệnh Dịch tả lợn châu Phi với tỉ lệ bình quân là 31,7% và bệnh xảy ra nhiều nhất ở các nông hộ quy mô nhỏ. Nghiên cứu cũng đã chỉ ra sự có mặt của vi rút trong các yếu tố trung gian, đồng thời cho thấy trình tự gen của vi rút gây bệnh tại Việt Nam giống 100% vi rút gây bệnh trên thế giới.

Từ khóa: Dịch tả lợn châu Phi, dịch tễ học, Quỳnh Phụ, Thái Bình.

Link:  https://vjas.vnua.edu.vn/index.php?journal=tckhnnvn&page=about

                                                                                                   

                                                                                                                                                   Lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi

                                                                                   

                                                                                                                                   Hạch lâm ba sưng to, xuất huyết, thâm tím

Trần Thị Hà1, Trương Hà Thái2, Lại Thị Lan Hương3, Nguyễn Văn Giáp2, Chu Thị Thanh Hương2*

1Khoa Chăn nuôi Thú y. Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình

2Bộ môn Vi sinh vật – Truyền nhiễm, Khoa Thú y, Học viện nông nghiệp Việt nam

3Bộ môn Giải phẫu – Tổ chức, Khoa Thú y, Học viện nông nghiệp Việt nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *