• Home /
  • Khoa học công nghệ, Tin tức khoa học
  • / “Vai trò của thụ thể porcine CD163 và porcine Sialoadhesin (pSn) trong quá trình nhân lên của virus PRRS (Porcine reproductive and respiratory syndrome) trên các tế bào cảm thụ”.

Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn là đơn vị dẫn đầu về nghiên cứu và đào tạo

Ngày 11 tháng 7 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 125-SL về bài trừ dịch tễ. Đây là một trong những văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên của nước ta về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Trên cơ sở đó, Ngành Thú y Việt Nam đã từng bước được xây dựng, phát triển mạnh mẽ, bám sát các nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn lịch sử và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của đất nước. Ngành Thú y đã thành công trong việc kiểm soát hầu hết các bệnh dịch nguy hiểm trên gia súc gia cầm, các dịch bệnh lây từ động vật sang người, đảm bảo sức khỏe động vật, sản xuất được các vắc-xin phòng bệnh, chế tạo các kít xét nghiệm, thuốc chữa bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm cho cộng đồng.

Để ghi nhận những cống hiến, phát huy vai trò và truyền thống của Ngành Thú y, ngày 12 tháng 7 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 664/QĐ-TTg về ngày truyền thống Ngành Thú y, theo đó Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 11 tháng 7 là “Ngày truyền thống của Ngành Thú y”.

 

 PGS.TS. Bùi Trần Anh Đào – Trưởng Khoa Thú y, PGS.TS. Lại Thị Lan Hương – Phó trưởng Khoa Thú y tặng hoa và giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp tài trợ học bổng cho sinh viên năm học 2018-2019

Cùng với sự phát triển lớn mạnh của Ngành Thú y Việt Nam, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng không ngừng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn cho ngành Thú y Việt Nam. Hàng năm, Khoa Thú y cung cấp hàng trăm sinh viên tốt nghiệp đại học cho ngành Thú y Việt Nam. Các sinh viên tốt nghiệp Ngành Thú y có thể công tác tại các viện nghiên cứu, trường Đại học, các cơ quan về Thú y, các tập đoàn, công ty sản xuất và thương mại thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, các trang trại chăn nuôi, phòng khám thú y và trong nhiều ngành nghề khác.

Sinh viên Thú y trong giờ học thực hành tại Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Công nghệ sinh học Thú y (ISO 17025:2005)

Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam được thành lập từ tháng 10 năm 1956, là một trong những khoa làm nền tảng cho sự thành lập Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Trải qua hơn 60 năm phát triển, Khoa Thú y đã trở thành đơn vị nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực Thú y xuất sắc nhất Việt Nam. Trong những năm tới, Khoa Thú y hướng tới là trung tâm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao nổi bật phục vụ phát triển ngành Thú y trong nước và hội nhập quốc tế, tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ, cung cấp dịch vụ thú y tiên tiến đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong công tác phòng chống dịch bệnh cho động vật, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái thông qua hợp tác đa ngành với các bên liên quan để gắn kết chặt chẽ hơn giữa đào tạo, nghiên cứu với thực tế sản xuất.

 Bác sĩ nhân y cứu con người – Bác sĩ thú y cứu cả loài người (Ivan Pavlov)

Học viện chú trọng xây dựng cơ sở vật chất khang trang với các phòng học lý thuyết hiện đại, phòng thí nghiệm có thiết bị tiên tiến để phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên ngành Thú y. Học viện thành lập Bệnh viện Thú y với tổng số vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng trong khuôn viên rộng hơn 5 hecta để chăm sóc, điều trị bệnh cho vật nuôi, đồng thời tạo điều kiện để sinh viên được thực hành, thực tập tại một môi trường hiện đại và chuyên nghiệp nhất miền Bắc.

 Bệnh viện Thú y lớn nhất miền Bắc đi vào hoạt động từ năm 2019

Trải qua 66 năm hoạt động, tập thể các thế hệ giáo viên, cán bộ công nhân viên của khoa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Học viện. Trong đó nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất là một trong những thế mạnh của khoa Thú y. Trong thời gian từ 2008 đến nay, Khoa đã xây dựng và đấu thầu thành công rất nhiều đề tài khoa học các cấp. Các nhiệm vụ khoa học công nghệ của Khoa được triển khai mang tính thời sự cao và có ý nghĩa thực tiễn sản xuất lớn. Các hướng nghiên cứu ứng dụng thuộc các lĩnh vực Thú y mà Khoa đang tập trung vào đó là chế tạo vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi; nghiên cứu một số bệnh truyền lây quan trọng giữa người và động vật do vi sinh vật và ký sinh trùng gây ra; nghiên cứu bệnh truyền lây qua thực phẩm có nguồn gốc động vật, xác định các chất tồn dư trong thực phẩm nguồn gốc động vật như  kháng sinh, chất độc kim loại nặng, hocmon; nghiên cứu vấn đề ô nhiễm môi trường nước, không khí và đất trong các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến sản phẩm động vật;  quản lý và xử lý rác thải chăn nuôi, xử lý xác chết động vật nuôi trong các ổ dịch, đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn thịt; nghiên cứu dịch tễ học và dịch tễ học ứng dụng một số bệnh truyền nhiễm và ký sinh trùng nguy hiểm và mới phát sinh ở Việt Nam; nghiên cứu nâng cao năng suất sinh sản của gia súc đặc biệt là bò; phân ly giới tính tinh trùng nhằm sản xuất con giống có giới tính theo ý muốn; sử dụng công nghệ chuyển gen tạo bò Vàng Việt Nam có cơ bắp phát triển vượt bậc.

 Vắc xin phòng bệnh Ca rê trên chó

Hiện tại, Khoa Thú y có 3 nhóm nghiên cứu tinh hoa, 01 nhóm nghiên cứu xuất sắc và 01 nhóm nghiên cứu mạnh. Hàng năm, các nhóm nghiên cứu đấu thầu thành công hàng chục đề tài các cấp, xuất bản gần 30 bài báo quốc tế là các kết quả nghiên cứu của các nhóm.            

 Vắc xin phòng Hội chứng rối loạn hô hấp
 Chế phẩm đệm lót sinh học

Trải qua 66 năm thành lập và phát triển, khoa Thú y đã đào tạo trên 10.000 sinh viên đại học, trên 1.000 học viên cao học và 80 tiến sỹ. Hàng năm, khoa Thú y tuyển sinh hàng trăm chỉ tiêu Đại học, Cao học và Tiến sỹ. Với hơn 100 cán bộ, trong đó có gần 60 cán bộ giảng dạy chủ yếu là các Tiến sỹ được đào tạo ở các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Australia, Bỉ…khoa Thú y luôn thể hiện mình là một đơn vị đào tạo Thú y xuất sắc nhất trong cả nước.

Nhân kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống Ngành Thú y (11/7/1950-11/7/2022), Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam xin kính chúc các thầy, cô giáo, các chuyên gia, đã và đang làm việc trong ngành Thú y sức khỏe, hạnh phúc và thành công; kính chúc Ngành Thú y ngày càng lớn mạnh hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho ngành nông nghiệp nước nhà. Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phấn đấu để luôn là một đơn vị có những đóng góp tích cực, ý nghĩa, quan trọng cho ngành Thú y Việt Nam./.

Khoa Thú y

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *