Hiệu quả của một số phương pháp xét nghiệm phân tìm trứng giun sán và noãn nang cầu trùng ở chó

Tính cấp thiết

Xét nghiệm phân để tìm trứng giun sán và noãn nang đơn bào ở các loài động vật nhằm xác định sự có mặt của ký sinh trùng là phương pháp nhanh nhất, dễ thực hiện và tốn ít chi phí. Nguyên lý chung của các phương pháp xét nghiệm phân là dựa vào sự chênh lệch tỷ trọng (specific gravity) giữa tỷ trọng của trứng giun sán/noãn nang đơn bào để phân ly chúng ra khỏi phân. Trong số các phương pháp đó thì phương pháp phù nổi được ứng dụng rất nhiều trong việc xác định trứng của sán dây, giun tròn và noãn nang đơn bào. Có rất nhiều các dung dịch dùng để làm nổi chúng, trong đó dung dịch muối natri clorua (NaCl) bão hòa (SG 1.18-1.20) được sử dụng tương đối phổ biến trong các phòng xét nghiệm ký sinh trùng, thường được sử dụng để tìm trứng giun tròn như trứng giun đũa, giun móc…Tuy nhiên, với trứng sán dây và một số trứng giun tròn có tỷ trọng lớn hơn NaCl bão hòa thì việc lựa chọn dung dịch có tỷ trọng cao đủ để làm nổi trứng là rất quan trọng.

 

Mục đích nghiên cứu:

Mục tiêu của nghiên cứu là xác định sự lưu hành của giun sán và đơn bào ký sinh trên chó tại địa điểm nghiên cứu, đồng thời đánh giá hiệu quả của ba phương pháp: phù nổi sử dụng dung dịch muối bảo hòa (NaCl, SG 1.18), đường (SG 1.27) và phương pháp tập trung trứng Formal-Ether trong việc xác định trứng giun sán và noãn nang cầu trùng trên chó.

Phương pháp nghiên cứu:

  1. Mẫu nghiên cứu: 270 mẫu phân chó
  2. Phương pháp phù nổi:

– Sử dụng dung dịch NaCl bão hòa (SG 1.18-1.2)

– Sử dụng dung dịch đường (SG 1.27)

  1. Phương pháp tập trung trứng Formal-Ether

Kết quả chính:

– Tỷ lệ nhiễm chung ký sinh trùng trên chó tại địa điểm nghiên cứu là 75.18 %

– Thành phần ký sinh trùng được xác định trong nghiên cứu gồm: Giun móc (54.81%), giun đũa (31.11%), ngoài ra chó còn nhiễm sán lá (1.11%), sán dây (31.11%), cầu trùng (6.67%) và một số giun tròn khác (giun tóc, giun lươn).

– Phương pháp phù nổi sử dụng dung dịch đường cho hiệu quả cao trong việc xác định trứng giun tròn, đặc biệt với trứng giun đũa; đối với trứng giun móc có thể dùng phương pháp phù nổi sử dụng dung dịch đường hoặc dung dịch muối NaCl bão hòa, tùy thuộc vào điều kiện nghiên cứu.

– Phương pháp Formol-Ether cho hiệu quả cao hơn phương pháp phù nổi sử dụng dung dịch đường và phù nổi dung dịch đường cho hiệu quả cao hơn dung dịch NaCl bão hòa.

– Đối với noãn nang cầu trùng: phương pháp phù nổi sử dụng dung dịch đường có thể xác định được cường độ nhiễm cao hơn phương pháp phù nổi sử dụng NaCl bão hòa, đặc biệt là những mẫu có cường độ nhiễm thấp.

Kết luận:

Phương pháp xét nghiệm sử dụng dung dịch đường có tỷ trọng 1.27 cho hiệu quả cao nhất trong việc xác định trứng giun tròn và noãn nang cầu trùng. Phương pháp tập trung trứng Formol-Ether cho hiệu quả cao hơn hai phương pháp còn lại trong việc xác định trứng các loại trứng sán dây, đặc biệt có thể xác định được trứng sán lá và trứng giun tròn có chứa ấu trùng. Tuy nhiên không thể sử dụng phương pháp này trong trường hợp xác định sự có mặt của noãn nang đơn bào.

Từ khóa: phương pháp phù nổi, phương pháp Formol-Ether, chó, giun tròn, sán dây, cầu trùng

 

Link bài báo: https://tapchi.vnua.edu.vn/wp-content/uploads/2019/10/tap-chi-so-5.2.3.pdf

Nguyễn Thị Hoàng Yến, Nguyễn Thân Thiện, Nguyễn Duyên Tùng, Đặng Thị Phương Thảo, Hà Quốc Việt
Bộ môn Ký sinh trùng, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *