Đánh giá mức độ ô nhiễm vi sinh vật trong thức ăn chăn nuôi gà tại các trang trại thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội

Tính cấp thiết:

Thức ăn chăn nuôi có vai trò rất quan trọng, cung cấp cho vật nuôi nguồn năng lượng, protein, các chất khoáng và vitamin cần thiết giúp cho các quá trình sinh hóa trong cơ thể diễn ra bình thường. Tuy nhiên, với thành phần giàu chất dinh dưỡng, thức ăn chăn nuôi là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Sự có mặt của những vi sinh vật gây bệnh trong thức ăn chăn nuôi làm giảm chất lượng thức ăn và ảnh hưởng tới sức khỏe của đàn vật nuôi, dẫn tới thiệt hại về kinh tế. Thức ăn chăn nuôi là khâu đầu tiên của chuỗi thực phẩm “từ trang trại tới bàn ăn”. Thức ăn chăn nuôi bị ô nhiễm vi sinh vật, bao gồm cả nấm mốc và vi khuẩn có thể gây bệnh cho động vật và con người. Do vậy, việc đánh giá và kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi là rất cần thiết, nhằm đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi cũng như sức khỏe cộng đồng.

Mục đích nghiên cứu:

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá mức độ ô nhiễm vi sinh vật trong thức ăn chăn nuôi gà tại các trang trại thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội.

Phương pháp nghiên cứu:

Tổng số 50 mẫu thức ăn chăn nuôi cho gà đã được lấy tại 37 trang trại chăn nuôi gà ở một số xã thuộc huyện Đông Anh. Các mẫu sau khi lấy được vận chuyển ngay về phòng thí nghiệm để phân tích. Các chỉ tiêu kiểm tra bao gồm tổng số vi khuẩn hiếu khí, coliforms tổng số và tổng số nấm mốc.

Kết quả chính:

Kết quả phân tích cho thấy tổng số vi khuẩn hiếu khí trung bình trong các mẫu kiểm tra tương đối cao với giá trị là 4,96 ± 0,69 log10(CFU/g), dao động từ 3,84 – 6,38 log10(CFU/g). Tổng số vi khuẩn hiếu khí của các mẫu kiểm tra chủ yếu ở trong khoảng 5 – 5,5 log10(CFU/g) với 30% mẫu kiểm tra, tiếp đến là trong khoảng 4,5 – 5 log10(CFU/g) với 22% mẫu kiểm tra, và trong khoảng 4 – 4,5 log10(CFU/g) với 20% mẫu kiểm tra. Ngoài ra, 6% mẫu có tổng số vi khuẩn hiếu khí > 6 log10(CFU/g). Nấm mốc được phát hiện trong 29 mẫu kiểm tra (58%) với lượng nấm mốc trung bình là 2,65 ± 0,80 log10(CFU/g), dao động từ 2 – 4,25 log10(CFU/g). Đồng thời, 24% mẫu không đạt yêu cầu về coliforms tổng số, vượt quá 2 log10(CFU/g).

Kết luận:

Tổng số vi khuẩn hiếu khí trong các mẫu kiểm tra tương đối cao, nấm mốc được phát hiện trong 29/50 mẫu kiểm tra và có 12/50 mẫu có coliforms tổng số vượt quá tiêu chuẩn cho phép của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Như vậy, cần có những khuyến cáo tới người chăn nuôi về cách thức bảo quản hợp lý để giảm thiểu mức độ ô nhiễm vi sinh vật trong thức ăn chăn nuôi, góp phần nâng cao năng suất và bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi.

Từ khóa: Thức ăn chăn nuôi gà, định lượng, tổng số vi khuẩn hiếu khí, coliforms, nấm mốc

Đăng tại: Tạp chí Khoa học kỹ thuật thú y, Tập XXVIII, Số 5, 2021, tr 26-30

Vũ Thị Thu Trà, Phạm Hồng Ngân, Lại Thị Lan Hương, Bùi Thị Hương, Hoàng Anh Hào,
Phạm Thanh Lan, Nguyễn Phương Thúy, Nguyễn Thị Trâm

Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Email: vutra@vnua.edu.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *