Đặc điểm bệnh lý của lợn mắc bệnh dịch tả châu Phi (African swine fever) tại các ổ dịch đầu tiên ở Việt Nam

Tính cấp thiết

Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) là bệnh có khả năng lây lan rộng với triệu chứng sốt cao, xuất huyết đa cơ quan điển hình do virus African Swine Fever (ASF) gây ra trên cả lợn nuôi và lợn hoang dã. Bệnh xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam tại hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình vào tháng 02/2019. Chỉ trong thời gian ngắn, dù khẩn trương triển khai các biện pháp phòng và chống dịch, Việt Nam liên tục xuất hiện các ổ dịch mới ở cả 63 tỉnh thành trên cả nước. Cho đến nay, chưa có vacxin phòng bệnh và thuốc điều trị bệnh hiệu quả, lợn mắc DTLCP có tỉ lệ chết lên đến 100% nên việc chẩn đoán tại thực địa dựa vào các triệu chứng lâm sàng, tổn thương bệnh lý giúp phát hiện sớm bệnh, khoanh vùng và xử lý ổ dịch nhanh chóng.

Mục đích nghiên cứu

Mô tả triệu chứng lâm sàng, tổn thương đại thể cũng như tổn thương vi thể của các lợn mắc bệnh DTLCP.

Làm cơ sở khoa học hỗ trợ các bác sỹ cơ sở chẩn đoán sớm và hạn chế tối đa sự lan rộng của bệnh dịch.  

Kết quả chính

Qua theo dõi triệu chứng của 40 con lợn từ các đàn lợn nuôi ở nhiều lứa tuổi, quy mô chăn nuôi khác nhau ở hai tỉnh bùng phát dịch đầu tiên trong tháng 2/2019 là Hưng Yên và Thái Bình cho thấy, tất cả các lợn được theo dõi (100%) đều có triệu chứng bỏ ăn hoặc kém ăn và sốt cao. Xuất huyết dưới da quan sát thấy rất phổ biến (87,5%) ở các vùng da mỏng như tai, đùi, bụng và ngực. Một số lợn có biểu hiện nôn ói trước khi chết, con vật thường chết cấp tính, sau 2-3 ngày có biểu hiện triệu chứng. Phần lớn các lợn mổ khám xuất hiện các tổn thương điển hình của bệnh DTLCP như thận xuất huyết điểm nghiêm trọng (93,75%), lách phì đại nằm vắt ngang xoang bụng (75%). Cùng với đó, hệ thống hạch lympho như hạch dưới hàm, hạch trung thất, hạch bẹn nông, hạch màng treo ruột… đều xuất huyết nghiêm trọng (93,75%). Riêng hạch dạ dày – gan và hạch thận sưng, xuất huyết nghiêm trọng như khối máu tụ. Cơ tim, túi mật, bóng đái, ruột và dạ dày đều xuất huyết ở các mức độ khác nhau. Kết quả đánh giá các biến đổi vi thể trên các bệnh phẩm từ lợn mắc DTLCP cho thấy hiện tượng hoại tử tế bào lympho, teo nhỏ nang lympho ở hệ thống hạch lympho và lách, xuất huyết tràn lan ở các cơ quan nội tạng như thận, dạ dày, ruột non, ruột già.

Kết luận

Như vậy, các ổ dịch DTLCP tại Hưng Yên và Thái Bình trong tháng 2/2019 đều do chủng virus ASF độc lực cao gây ra với diễn biến bệnh từ thể cấp tính đến quá cấp tính. Thể quá cấp xảy ra với triệu chứng không rõ ràng, con vật chết nhanh với bệnh tích không điển hình. Thể cấp tính phổ biến hơn với các triệu chứng, bệnh tích điển hình như xuất huyết trên da, xuất huyết hạch lympho đặc biệt hạch dạ dày – gan và hạch thận, lách sưng to, thận xuất huyết kèm theo phù keo nhầy. Đây là những dấu hiệu quan trọng để phân biệt bệnh DTLCP với một số bệnh khác có triệu chứng bệnh tích tương tự như bệnh dịch tả lợn cổ điển, tai xanh… 

Ảnh minh họa

Hình 1: Triệu chứng lâm sàng của lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi

  1. a. Xuất huyết thành mảng dưới da; b. Tím tái, hoại tử trung tâm trên vùng da mỏng
  2. Hình 2: Bệnh tích đại thể đặc trưng của lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi

    1. Lách phì đại nằm vắt ngang xoang bụng; b. Thận xuất huyết điểm nghiêm trọng; c và d. Hệ thống hạch lympho xuất huyết nghiêm trọng

      Kết quả nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, số 7, 2020

      Link bài báo: http://tapchi.vnua.edu.vn/wp-content/uploads/2020/07/bai-to-nga-ban-cuoi-7.1.3-1.pdf

      Bùi Thị Tố Nga, Lê Văn Phan, Bùi Trần Anh Đào, Nguyễn Vũ Sơn,

      Nguyễn Hữu Nam, Nguyễn Thị Lan

      Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *