Dịch tả lợn Châu Phi (African swine fever- ASF) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với ngành chăn nuôi lợn trên thế giới và Việt Nam. Lợn mắc bệnh xuất hiện các triệu chứng lâm sàng khác nhau tùy thuộc vào độc lực của chủng virus gây bệnh và khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể với tác nhân gây bệnh. Phần lớn lợn bị bệnh do chủng virus DTLCP độc lực cao đều ở thể cấp tính dẫn đến tỷ lệ tử vong cao lên tới 100%. Tại Việt Nam, Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên đàn lợn được công bố xuất hiện lần đầu tiên vào ngày 01/02/2019. Hiện tại trên thế giới và Việt Nam chưa có vacxin thương mại để phòng và kiểm soát DTLCP. Vì vậy một trong những giải pháp được thực hiện hiệu quả hiện nay tại các nước có dịch trong đó có Việt Nam đó là chủ động áp dụng các giải pháp về chăn nuôi an toàn sinh học, chẩn đoán phát hiện sớm bệnh DTLCP trong đàn và tiến hành tiêu hủy đàn lợn bị bệnh.
Hiện nay, các phòng thí nghiệm chẩn đoán bệnh DTLCP tại Việt Nam đều sử dụng các kít chẩn đoán nhập khẩu từ nước ngoài với giá thành cao do chi phí nhập khẩu, chi phí vận chuyển và bảo quản. Vì vậy, nhu cầu chủ động sản xuất được các kít chẩn đoán trong nước là cần thiết và cấp bách, giúp chủ động được các kít chẩn đoán cũng như làm giảm giá thành do không phải cộng thêm các chi phí nhập khẩu, vận chuyển… Trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu chế tạo Kít chẩn đoán bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại Việt Nam; Mã số: DTDL.CN-53/19”, các nhà khoa học thuộc Khoa thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu và xây dựng thành công 03 quy trình tạo kít chẩn đoán bệnh DTLCP như (1)Quy trình sản xuất bộ kít PCR chẩn đoán bệnh Dịch tả lợn châu Phi (Độ nhạy ³ 95,2%, độ đặc hiệu 100%, thời gian phân tích ≤ 2,5 giờ); (2)Quy trình sản xuất bộ kít Real time PCR phát hiện virus Dịch tả lợn châu Phi (Độ nhạy 100%, Độ đặc hiệu 100%, thời gian phân tích ≤ 1,5 giờ); (3)Quy trình sản xuất bộ kít test nhanh phát hiện virus Dịch tả lợn châu Phi (Độ nhạy ³ 80,9%, độ đặc hiệu 100%, thời gian phân tích 10 – 15 phút). Các kít chẩn đoán DTLCP nếu được sản xuất và thương mại hoá sẽ cung cấp một giải pháp tổng thể như sau: (1)TEST kít chẩn đoán nhanh với ưu điểm: dễ sử dụng, cho kết quả nhanh nhưng có độ nhạy thấp hơn các phương pháp sinh học phân tử như PCR, Realtime- PCR…, sẽ được ứng dụng tại các hộ chăn nuôi, trạm kiểm dịch trên các cá thể lợn có biểu hiện lâm sàng của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi hoặc trong phân tích sàng lọc. Những TEST kít chẩn đoán nhanh này cho phép chẩn đoán tác nhân gây bệnh ngay tại thực địa. (2)Kít PCR, với ưu điểm độ nhạy cao, có thể thực hiện tại các phòng thí nghiệm nơi chỉ có máy PCR và không có máy Realtime PCR để chẩn đoán bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Ưu điểm của kít PCR trong nghiên cứu này là sản phẩm PCR tạo ra vừa có thể kết luận mẫu bệnh phẩm âm tính hay dương tính với bệnh DTLCP, vừa có thể dùng để giải trình tự gen phục vụ các nghiên cứu phân tích về Dịch tễ học phân tử virus DTLCP. (3)Kít Real-time PCR với ưu điểm về độ nhạy và độ đặc hiệu cao sẽ được ứng dụng tại các phòng thí nghiệm trung tâm nơi có các máy Realtime PCR để chẩn đoán chính xác bệnh DTLCP. Với cách tiếp cận tổng thể này, “bài toán” chẩn đoán bệnh Dịch tả lợn châu Phi sẽ được giải quyết một cách triệt để trong khuôn khổ các bộ kít của đề tài. Các kết quả nghiên cứu thu được của đề tài đã được Hội đồng chuyên gia nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá rất cao về tính khoa học và tính ứng dụng thực tiễn. Thành công của đề tài cũng đã khẳng định được năng lực khoa học của các nhà khoa học thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Một số hình ảnh buổi nghiệm thu đề tài cấp nhà nước