Sự lưu hành của Rotavirus gây tiêu chảy trên đàn bò tại Nghệ An và vùng phụ cận

Rotavirus là nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở bê, nghé; làm giảm năng suất và kinh tế của người chăn nuôi (Torres & cs., 1985). Hiện nay, bệnh tiêu chảy do Rotavirus ở bò (BRV) đã xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Hàn Quốc, Iran, Brazil, Nhật Bản… Rotavirus thuộc giống Reovirus, họ Reoviridae gây nhiễm trùng đường hô hấp và đường tiêu hóa. Bộ gen của virus bao gồm 11 đoạn dsRNA mã hoá 6 protein cấu trúc (VP1 đến VP 4, VP6 và VP7) và sáu protein phi cấu trúc, chỉ được tạo ra trong tế bào bị nhiễm rotavirus (NSP1 đến NSP6) (Junichi &cs., 2013). Rotavirus được chia ra làm 7 nhóm, bao gồm nhóm A, B, C, D, E, F và G. Rotavirus gây bệnh tiêu chảy ở bò thuộc nhóm A, đây là nhóm gây bệnh phổ biến nhất, thường gây tiêu chảy ở động vật và người. Rotavirus nhóm A có sự đa dạng về mặt di truyền, hệ thống danh pháp kép (G / P) đã được mở rộng thành hệ thống phân loại trình tự hệ gen, với các ký hiệu Gx-P [x] – Ix-Rx-Cx-Mx-Ax-Nx-Tx-Ex-Hx được sử dụng cho các gen mã hóa VP7-VP4-VP6-VP1-VP2-VP3-NSP1-NSP2-NSP3-NSP4-NSP5 tương ứng. VP1 nằm trong lõi của virus và là một RNA polymerase enzyme. Dựa vào trình tự gen VP1 thì rotavirus được chia làm 5 nhóm di truyền từ R1-R5 (Jelle & cs.,2008; Jelle & cs., 2009). Gen VP1 có tính bảo thủ cao trong số các kiểu gen khác nhau của rotavirus nhóm A, vì vậy trình tự gen VP1 thường được sử dụng để thiết kế các cặp mồi đặc hiệu dùng cho phản ứng PCR để chẩn đoán rotavirus (Jelle & cs., 2008; Karen & cs.,2010).

Tại Việt Nam, bệnh tiêu chảy do virus ở bò thường xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của ngành chăn nuôi bò trong cả nước. Năm 2014, Nguyễn Văn Chào & cs đã ứng dụng phương pháp ELISA xác định nguyên nhân gây tiêu chảy ở bê nuôi trên địa bàn các phường ven thành phố Huế, kết quả công bố cho thấy tỷ lệ bò bị tiêu chảy do Rotavirus là 37,78%. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến bê mới sinh với các triệu chứng như tiêu chảy, tỷ lệ chết cao…mà còn ảnh hưởng đến cả bò trưởng thành với biểu hiện như tiêu chảy, ảnh hưởng đến khả năng hấp thu thức ăn và sinh trưởng (Umer & cs.,2021). Việc chẩn đoán BRV trong phòng thí nghiệm là rất quan trọng để phát hiện, quản lý và kiểm soát dịch bệnh.

Trong nghiên cứu gần đây của nhóm nghiên cứu thuộc bộ môn Vi sinh vật – Truyền nhiễm, khoa Thú y về sự lưu hành của BRV gây tiêu chảy ở bò được nuôi tại tỉnh Nghệ An và vùng phụ cận (Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Ninh Bình), đây là các tỉnh chăn nuôi tập trung số lượng lớn bò của cả nước. Kết quả chẩn đoán bằng phương pháp RT-PCR cho thấy có 29/142 (20,42%) mẫu phân tiêu chảy của bò cho kết quả dương tính với BRV. Tỷ lệ dương tính của BRV cao nhất ở nhóm bò 0-1 tháng tuổi (24,75%), sau đó đến nhóm bò 2-3 tháng tuổi (10,34%). Tỷ lệ nhiễm BRV ở nhóm bò trên 3 tháng tuổi là thấp nhất với 0,08%. Kết quả giải trình tự gen và phân tích trình tự gen VP1 ch thấy các chủng BRV trong nghiên cứu này thuộc nhóm di truyền R2, cùng nhóm di truyền với chủng virus vacxin MVS-BRV1 được phân lập tại Mỹ năm 1998.

Cây phả hệ dựa trên gen VP1 của Rotavirus lưu hành tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới. Chủng BRV trong nghiên cứu này được đánh dấu hình vuông đen.

Đây là kết quả nghiên cứu đầu tiên về sự lưu hành của BRV ở đàn bò tại Nghệ An và vùng phụ cận. Kết quả của nghiên cứu sẽ là cơ sở cho việc chẩn đoán xác định BRV gây tiêu chảy ở bò, đồng thời đề ra các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cũng như việc phòng bệnh hiệu quả bằng vacxin.

Liên hệ: Vũ Thị Ngọc, Bộ môn Vi sinh vật – Truyền nhiễm, khoa Thú y

Điện thoại: 0986.491.816.