Lịch sử thành lập
Việc đào tạo cán bộ Thú y ở Việt Nam được bắt đầu từ Khoa Thú y của Trường đại học Y Hà Nội theo Nghị định ngày 25/10/1904 của chính quyền Đông Dương. Sáu năm sau, theo Nghị định ngày 10/8/1910, Khoa Thú y được trở thành trường độc lập mang tên trường Thú y Bắc kỳ.
Theo Nghị định ngày 15/12/1917, trường Thú y Bắc kỳ được đổi tên thành trường Thú y Đông Dương (Đào tạo bác sỹ Thú y).
Ngày 20/7/1940, Toàn quyền Đông Dương ra quyết định thành lập Trường đại học Thú y Đông Dương. Trong thời kỳ này, trường đã đào tạo được 135 Thú y sỹ và 28 bác sỹ Thú y, trong đó có khoảng 10 người Campuchia và Lào. Một phần ba trong số này đã tham gia tích cực vào công cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và xây dựng kinh tế của đất nước trên các lĩnh vực quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, công tác đào tạo cán bộ đại học, trung học và nghiên cứu khoa học và kỹ thuật sản xuất thuốc Thú y góp phần xây dựng nền móng để phát triển ngành trong thời kỳ đầu của chính quyền cách mạng.
Ngày 10/4/1948 Bộ trưởng Bộ Canh nông ký Nghị định số 148 thành lập Trường trung cấp Thú Ngư đặt tại Thanh Hóa.
Năm 1950 mở Trường Kỹ thuật Chăn nuôi cấp I ở Việt Bắc.
Năm 1953 tại Tuyên Quang thành lập Trường trung cấp Nông Lâm trung ương, trong đó có khoa Chăn nuôi Thú y.
Trường đại học Nông Lâm được thành lập ngày 12/10/1956 theo Nghị định số 53/NL-NĐ của Bộ Nông Lâm, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lúc mới thành lập chỉ có 3 khoa Trồng trọt, Chăn nuôi Thú y và Lâm học. Cơ sở của trường đặt ở Văn Điển thuộc xã Quỳnh Đô, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông.
Khoa Chăn nuôi Thú y ban đầu chỉ có 5 giáo viên là: bác sỹ Thú y Phạm Khắc Mai, trưởng khoa, thầy Điền Văn Hưng, thầy Nguyễn Vĩnh Phước, thầy Nguyễn Xuân Hoạt và thầy Phùng Mạnh Chí.
Tháng 12 năm 1958 Trường đại học Nông Lâm được sáp nhập với Viện khảo cứu Trồng trọt, Viện khảo cứu Chăn nuôi, Phòng nghiên cứu gỗ và Phòng nghiên cứu Lâm sinh thành Học viện Nông Lâm. Đến năm 1960, Học viện Nông Lâm chuyển về Trại Bông thuộc xã Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Khoa Chăn nuôi Thú y bắt đầu chiêu sinh hai ngành đào tạo riêng biệt là Chăn nuôi và Thú y. Quy mô trại thí nghiệm thực tập của Học viện được mở rộng, Trại chăn nuôi Quang Trung, Trại cá và bệnh viện Thú y được thành lập để phục vụ cho nhiệm vụ đào tạo. Bên cạnh đó sinh viên ngành Chăn nuôi, Thú y còn được thực tập ở các Trại do Học viện quản lý như Nông trường Tam Thiên Mẫu, Trại chăn nuôi Phia Đén (Cao Bằng), Trại ngựa Bá Vân (Thái Nguyên), Trại trâu Ngọc Thanh (Vĩnh Phúc)… Bác Phan Đình Đỗ, một trong những người thuộc thế hệ đầu tiên của ngành Thú y Việt Nam được giữ trọng trách phó giám đốc Học viện Nông Lâm.
Năm 1963, Học viện Nông Lâm tách thành Trường đại học Nông nghiệp và Viện khoa học Nông nghiệp để đáp ứng yêu cầu của thực tế sản xuất. Hơn nữa, quy mô phát triển của Học viện lúc bấy giờ đã lớn mạnh. Khoa Chăn nuôi – Thú y là một trong 5 khoa của Trường đại học Nông nghiệp lúc đó. Các khoa khác là Trồng trọt, Cơ khí, Kinh tế và Thủy sản. Thầy Điền Văn Hưng là Chủ nhiệm khoa Chăn nuôi – Thú y. Khoa tiếp tục đào tạo hai ngành là Chăn nuôi và Thú y.
Năm 1967, Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập Trường đại học Nông nghiệp II và Học viện Nông Lâm đổi tên thành Trường đại học Nông nghiệp I. Khoa Chăn nuôi và khoa Thú y cùng với trường ĐHNN I đã san sẻ lực lượng góp phần thành lập Trường đại học Nông nghiệp II nay là Trường đại học Nông Lâm Huế. Năm 1970 lại san sẻ lực lượng góp phần thành lập Trường đại học Nông nghiệp III nay là Trường đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Trưởng khoa Chăn nuôi – Thú y lúc đó là thầy Điền Văn Hưng, Phó chủ nhiệm khoa là thầy Trần Phúc Thành.
Năm học 1966 – 1967, khoa Chăn nuôi Thú y được tách ra thành hai khoa Chăn nuôi và Thú y.
Sau ngày đất nước thống nhất – năm 1975, nhiều cán bộ giáo viên của khoa (hầu hết quê ở miền Nam) đã trở về miền Nam xây dựng các Trường đại học và các Viện nghiên cứu như: thầy Dương Thanh Liêm, cô Nguyễn Thị Bạch Trà, thầy Nguyễn Văn Hanh (Trường đại học Nông nghiệp IV – nay là Trường đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh), thầy Trần Cừ (Trường đại học Tây Nguyên), thầy Trúc Quỳnh, thầy Điền Văn Hưng, thầy Nguyễn Lương, thầy Nguyễn Vĩnh Phước, thầy Nguyễn Văn Hưởng… trở thành cán bộ chủ chốt của các cơ quan nghiên cứu và quản lý nông nghiệp ở các tỉnh phía Nam.
Theo Quyết định số 305 ĐH1/QĐ ngày 01/9/1977 về việc tách khoa Chăn nuôi Thú y thành hai khoa Chăn nuôi và Thú y.
Khoa Thú y của Trường đại học Nông nghiệp I bao gồm 8 bộ môn và 1 tổ văn phòng:
- Tổ văn phòng
- Bộ môn Giải phẫu gia súc
- Bộ môn Tế bào – Tổ chức phôi thai học
- Bộ môn Bệnh lý học thú y
- Bộ môn Dược lý và Đông dược thú y
- Bộ môn Ký sinh trùng và Kiểm nghiệm thú sản
- Bộ môn Truyền nhiễm và Vi sinh vật thú y
- Bộ môn Nội chẩn, Bệnh viện
- Bộ môn Ngoại sản và Thụ tinh nhân tạo.
Đây là một bước ngoặt lịch sử, sau khi chia sẻ lực lượng để xây dựng các cơ sở đào tạo ở miền Nam, số cán bộ chủ chốt còn lại của khoa và một số thầy cô giáo học tập từ nước ngoài trở về có nhiệm vụ tổ chức lại bộ máy của khoa.
Mặc dù số lượng cán bộ không nhiều, kinh nghiệm quản lý đào tạo còn thiếu, nhưng với ý chí được rèn luyện trong chiến tranh kết hợp với tinh thần đoàn kết gắn bó tương trợ lẫn nhau đã được thử thách trong thời kỳ bao cấp nên cả khoa đã cố gắng, gồng mình vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn sản xuất.
Bên cạnh đó, được sự cổ vũ của chiến thắng mùa xuân năm 1975, sự đóng góp về tinh thần của nhiều thế hệ sinh viên từ chiến trường trở về, các thế hệ sinh viên đã được rèn luyện trong chiến tranh với tinh thần và ý thức kỷ luật tốt đã cùng với các thầy cô giáo hình thành khối đoàn kết, quyết tâm nâng cao chất lượng dạy và học trong toàn khoa. Ban chủ nhiệm khoa đã phát động phong trào học tập trong sinh viên gắn liền lý thuyết với thực hành.
Nông thôn sau chiến tranh khác xa với nông thôn đang đô thị hóa hiện nay. Quanh trường là những cánh đồng lúa bất tận. Các hợp tác xã đều dựa vào sức kéo của trâu bò. Các trại chăn nuôi của hợp tác xã phát triển mạnh, bao gồm các trại lợn, trại gia cầm, trại trâu bò sữa… nên khoa có điều kiện duy trì hoạt động của bệnh viện Thú y, thời gian này bệnh viện Thú y trở thành địa chỉ tin cậy của người chăn nuôi, đặc biệt là cán bộ của các hợp tác xã ở khu vực gần trường như Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Đông Anh, Gia Lâm… Mặt khác, một số thú cảnh như chó mèo của các cán bộ cao cấp, cơ quan Trung ương, của nhân viên các sứ quán cũng được mang tới điều trị bệnh tại bệnh viện Thú y.
Để nâng cao chất lượng đào tạo tay nghề, ngoài việc bố trí thực tập giáo trình, sinh viên các khóa 17, 18, 19 được bố trí thực tập tay nghề và thực tập tốt nghiệp ở nhiều trang trại chăn nuôi quốc doanh lớn như: Nông trường Bò sữa Mộc Châu, Trại gà giống Tam Đảo, Ba Vì, Lương Mỹ. Các trại gà thương phẩm lớn như Cầu Diễn, Nhân Lễ, Phúc Thịnh, Châu Thành; các trại lợn như Tam Đảo, Kiều Thị, Đồng Giao, Tam Thiên Mẫu, Toàn Thắng,…
Trong sinh viên, các hoạt động thể thao, văn nghệ rất sôi nổi, phong trào xây dựng tập thể học sinh Xã hội chủ nghĩa được phát động và nhiều tập thể đã đạt danh hiệu “Tập thể học sinh Xã hội chủ nghĩa”, rất gương mẫu, cùng giúp nhau học tập tốt như: Thú y 17A, Thú y 19A, Thú y 24A… Nhiều sinh viên của khoa đã được tham dự Festival của sinh viên thế giới như chị: Nguyễn Thị Minh Tính (Thú y khóa 17), anh Nguyễn Văn Rỵ (Thú y khóa 19).
Kết hợp với Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp, khoa đã tổ chức đoàn công tác bao gồm các thầy cô giáo và toàn bộ Thú y khóa 17, tiến hành điều tra dịch tễ học Thú y tại các tỉnh phía Nam, xây dựng sơ bộ bản đồ dịch tễ gia súc, gia cầm cho các tỉnh phía Nam, làm cơ sở cho công tác phòng chống bệnh sau này.
Dưới sự chỉ đạo của Vụ tổ chức Bộ Nông nghiệp và Bộ Đại học, một số lớn sinh viên các khóa 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23 sau khi ra trường đã tăng cường cho lực lượng cán bộ khoa học về chăn nuôi, Thú y của các tỉnh phía Nam, các viện nghiên cứu, các trường ở phía Nam như Phân Viện Thú y Nha Trang, Trường đại học Nông Lâm Thủ Đức, Trường đại học Tây Nguyên,…
Năm 1984, hai khoa Chăn nuôi và Thú y được sáp nhập thành khoa Chăn nuôi Thú y, với nhiệm vụ đào tạo 2 ngành học là ngành Chăn nuôi và ngành Thú y.
Năm 2007 do đòi hỏi của thực tiễn sản xuất, khoa Thú y của Trường đại học Nông nghiệp I đã được tái lập với cơ cấu cán bộ viên chức như sau:
Tổng số cán bộ viên chức là: 45 người trong đó có 35 cán bộ giảng dạy và 10 cán bộ khối phục vụ; 15 cán bộ dưới 35 tuổi (chiếm 33,3%); 16 tiến sỹ, 9 thạc sỹ, 19 giảng viên chính và 16 giảng viên.
Khi đó khoa đang đào tạo 1100 sinh viên chính quy và 495 sinh viên hệ vừa làm vừa học tại trường, 50 sinh viên hệ vừa làm vừa học tại các địa phương. Năm 2007, khoa tuyển 230 sinh viên mới. Số học viên cao học khóa 14 và 15 là 84.
Hiện tại tổng số cán bộ, công nhân viên tham gia giảng dạy và làm việc tại Khoa Thú y là 93 người, 65 cán bộ giảng dạy và 28 cán bộ phục vụ và phòng thí nghiệm. Trong đó có 10 PGS và 28 TS, 44 Thạc sỹ, 21 nghiên cứu sinh (có 17 người đang học tập ở nước ngoài).
Thời gian vừa qua Khoa đã cử được nhiều cán bộ đi học Thạc sỹ và nghiên cứu sinh theo học bổng 911 và chương trình công nghệ sinh học của Chính phủ. Đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng để đảm bảo và duy trì sự phát triển nguồn nhân lực của khoa. Hiện tại có 16 cán bộ đang học tập, nghiên cứu nước ngoài (Nhật Bản, Đức, Bỉ, Hungary, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia).
Một dấu mốc lịch sử của Khoa Thú y giai đoạn này là PGS.TS. Nguyễn Thị Lan trở thành Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ khối các trường Đại học và Cao đẳng Hà Nội, Bí thư đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhiệm kỳ 2016 – 2021 và trở thành đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV.
- Tầm nhìn
Đến năm 2030, Khoa Thú y trở thành đơn vị đào tạo hàng đầu của Việt Nam với chất lượng đào tạo đạt chuẩn quốc tế và tiên phong về nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Thú y, ngang tầm với các trường đào tạo Thú y ở các nước Đông Nam Á.
- Sứ mạng
Khoa Thú y hướng tới là trung tâm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao nổi bật phục vụ phát triển ngành thú y trong nước và hội nhập quốc tế, tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ, cung cấp dịch vụ thú y tiên tiến đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong công tác phòng chống dịch bệnh cho động vật, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái thông qua hợp tác đa ngành với các bên liên quan để gắn kết chặt chẽ hơn giữa đào tạo, nghiên cứu với thực tế sản xuất.
- Giá trị cốt lõi
– Dẫn đầu: Tiên phong và nổi bật trong đào tạo và nghiên cứu
– Đẳng cấp: Bằng các sản phẩm có tính vượt trội
– Hợp tác và Trách nhiệm
- Triết lý giáo dục của khoa
Triết lý giáo dục của khoa là “giỏi lý thuyết – thạo tay nghề”
Về cơ cấu tổ chức của Khoa Thú y hiện tại gồm 7 Bộ môn:
- Bộ môn Bệnh lý học Thú y
- Bộ môn Giải phẫu – Tổ chức
- Bộ môn Nội – Chẩn – Dược Thú y
- Bộ môn Ký sinh trùng Thú y
- Bộ môn Vi sinh vật – Truyền nhiễm
- Bộ môn Thú y Cộng đồng
- Bộ môn Ngoại – Sản
– Bệnh viện Thú y: là cơ sở rèn tay nghề lâm sàng thú y cho toàn bộ sinh viên ngành Thú y và Chăn nuôi Thú y; trung tâm dịch vụ tư vấn và điều trị bệnh cho vật nuôi. Năm 2015 Khoa chính thức được đầu tư của Chính phủ để xây dựng Bệnh viện Thú y mới với tổng kinh phí xấp xỉ 100 tỷ đồng và sẽ đưa vào sử dụng năm 2018. Đây là công trình rất lớn và khá hiện đại có quy mô và trang thiết bị lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Đây là một trong những điều kiện hết sức cần thiết và quan trọng phục vụ công tác đào tạo Bác sỹ Thú y đạt theo chất lượng của các nước trong khu vực Đông Nam Á
– Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ sinh học Thú y (Đạt chứng chỉ ISO 17025, là phòng thử nghiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – LAS-NN54). Đây là phòng thí nghiệm đầu tiên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đạt chứng chỉ ISO, là trung tâm nghiên cứu sâu các đề tài của ngành Thú y, là nơi cung cấp các dịch vụ về chẩn đoán xét nghiệm các bệnh cho gia súc, gia cầm, động vật hoang dã và động vật thuỷ sản. Nhờ có phòng thí nghiệm này Khoa đã triển khai được rất nhiều đề tài cấp nhà nước, cấp bộ, nghị định thư quốc tế, hỗ trợ công tác chẩn đoán, xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cho nhiều địa phương, doanh nghiệp trong lĩnh vực Thú y và các lĩnh vực liên quan, đồng thời cũng tham gia hết sức tích cực trong các chiến dịch phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi của Cục Thú y và các địa phương.
– 01 phòng nghiên cứu về động vật thí nghiệm: dưới đây là phòng nghiên cứu mới đang được mở rộng và phát triển.