Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng tìm giải pháp nâng tầm thế mạnh của địa phương
Đó chính là một trong những mục tiêu lớn nhất của Học viện Nông nghiệp Việt Nam khi tổ chức những hội nghị đồng hành cùng địa phương, doanh nghiệp, tìm giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Tại 3 hội nghị tổ chức ở 3 vùng sinh thái: Tây Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ trong tháng 3 – 4/2023, Học viện đều nhận được những “đặt hàng” rất cụ thể từ các địa phương để đánh thức tiềm năng, thế mạnh, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp.
Tại hội nghị kết nối, đồng hành tổ chức ở Mộc Châu (Sơn La) ngày 17/3/2023, rất nhiều nông dân, hợp tác xã đã có những đề xuất rất cụ thể cho các chuyên gia, nhà khoa học của Học viện. Theo đó, ông Chu Quang Tạo, Giám đốc HTX Cây ăn quả Bản Ôn (Mộc Châu, Sơn La) trực tiếp đặt câu hỏi về việc phát triển cây cam ở Sơn La cũng như công nghệ chế biến để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều nông dân ở Sơn La, Hòa Bình cũng bày tỏ mong muốn được giải đáp các kỹ thuật nâng cao chất lượng cây có múi, cây mận, mắc ca,… những loại cây đang phát triển rất mạnh ở các tỉnh Tây Bắc.
Ông Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh Sơn La đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 83.000 ha cây ăn quả; 18.963 ha cà phê; 22.459 ha diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt. Hiện, toàn tỉnh có 12 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó có 11 doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. 883 hợp tác xã, 06 liên hiệp hợp tác xã, trong đó có 769 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, trong đó có trên 30% hợp tác xã có ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt.
Tại Hội nghị, ông Đông cũng đề nghị Học viện Nông nghiệp Việt Nam hỗ trợ Sơn La ứng dụng các chế phẩm sinh học vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, thân thiện với môi trường.
Tương tự như vậy, tại Hội nghị tổ chức ở Đồng bằng sông Hồng với sự tham dự của các tỉnh như: Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam… ông Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình nhấn mạnh: “Để phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững thì nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất đóng vai trò rất quan trọng và tỉnh sẵn sàng hợp tác cùng với Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển hiệu quả”.
Cũng “đặt hàng” Học viện Nông nghiệp Việt Nam về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ông Nguyễn Hùng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên mong muốn Học viện phối hợp với các ngành, đơn vị của tỉnh đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, đa dạng hóa, đổi mới nội dung đào tạo; cải thiện, nâng cao năng lực các hợp tác xã,…
Được biết, trong thời gian qua, tỉnh Hưng Yên cũng đã ưu tiên phê duyệt khoảng 30 đề án, dự án, kế hoạch để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, trong đó có các đề án, dự án ứng dụng khoa học công nghệ, như: Dự án chọn lọc, duy trì giống nếp thơm Hưng Yên; dự án bảo tồn giống nhãn và nâng cao chất lượng sản phẩm vùng chuyên canh nhãn Hưng Yên; thực hiện mô hình nuôi cá trên ao bán nổi, sông trong ao?… “Khoa học công nghệ là đòn bẩy vững chắc để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông nghiệp bền vững”, ông Nam nói.
Còn tại Hội nghị tổ chức ở khu vực Bắc Trung Bộ, ông Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình mong muốn tỉnh được hợp tác và có những cam kết, chia sẻ giữa “nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp” cùng đồng hành nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất theo hướng hiện đại, tập trung.