• Home /
  • Tin tức, Tin tức khoa học
  • / Xác định một số yếu tố độc lực và tính kháng kháng sinh của vi khuẩn Escherichia coli sản sinh độc tố Shiga (STEC) phân lập từ thịt bán tại chợ và siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội”

XÁC ĐỊNH CÁC BIỂU HIỆN TRIỆU CHỨNG CỦA MÈO MẮC BỆNH VIÊM PHÚC MẠC TRUYỀN NHIỄM (FIP) VÀ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ

XÁC ĐỊNH CÁC BIỂU HIỆN TRIỆU CHỨNG CỦA MÈO mắc bệnh viêm phúc mạc truyền nhiễm (FIP) và đánh giá hiệu quả phác đồ điều trị

                                                Nguyễn Văn Phương- Bộ môn Ký sinh trùng

Đặt vấn đề

Bệnh viêm phúc mạc truyền nhiễm (Tiếng Anh: Feline infectious peritonitis –  FIP) là một bệnh toàn cầu, gây ảnh hưởng đến mèo ở mọi lứa tuổi. Trước năm 2021, bệnh FIP là bệnh được báo án tử. Từ năm 2021 tại Anh, Úc và một số nước, việc thương mại hóa thuốc remdesivir và GS-441524 đã được triển khai rộng rãi. Tại Việt Nam, chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá về hiệu quả phác đồ điều trị FIP. Nghiên cứu này được tiến hành nhằm xác định các biểu hiện triệu chứng của mèo mắc bệnh viêm phúc mạc truyền nhiễm (FIP) và đánh giá hiệu quả phác đồ điều trị tại Bệnh viện thú y Mỹ Đình.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được tiến hành từ tháng 8 năm 2023 đến tháng 2 năm 2024 tại Bệnh viện
thú y Mỹ Đình. Đối tượng nghiên cứu là những mèo được kết luận mắc bệnh viêm phúc mạc truyền nhiễm khi tới khám và điều trị tại bệnh viện.

Tiến hành theo dõi các biểu hiện triệu chứng và đánh giá hiệu quả điều trị trên 12 mèo được kết luận mắc FIP. Quy trình chẩn đoán mèo nghi mắc FIP tại Bệnh viện gồm 2 phần: chẩn đoán lâm sàng dựa trên các biểu hiện triệu chứng của mèo sốt trên 39,5°C mà không đáp ứng với thuốc hạ sốt, bụng chướng to bất thường, gặp khó khăn trong việc hô hấp hoặc có các biểu hiện thần kinh điển hình; Kết hợp với đó là các phương pháp chẩn đoán phi lâm sàng như siêu âm, X-quang nhằm xác định tình trạng tịch dịch tại các xoang vùng thân, Rivalta (+) và xét nghiệm sinh lý máu cho thấy sự thay đổi bất thưởng của thành phần máu. Sử dụng kháng Virus GS-441524 kết hợp với các kháng sinh Amoxicillin, Cefotaxime và kháng viêm Prednisolone để điều trị cho mèo mắc FIP. Trong quá trình điều trị, mèo được cung cấp năng lượng và muối khoáng bằng phương pháp truyền dịch NaCl 0,9%, Glucose 5%, Glucose 10%, Ringer lactat; Hạ sốt bằng Anagil- C.

Kết quả nghiên cứu

Triệu chứng điển hình và hay gặp của mèo mắc bệnh FIP khi mang đến bệnh viện là
chán ăn (100%), sụt cân (91,67%), chướng bụng (83,33%), vàng da (66,67%), sốt (58,33%). Ngoài ra, còn có 1 vài triệu chứng khác như khó thở (41,67%), mất thăng bằng (16,67%), xuất huyết màng bồ đào (8,33%).

Tỷ lệ điều trị thành công đạt mức cao 75,00% với 9/12 mèo. Trung bình sau 4-5 ngày con vật cải thiện tình trạng ăn uống, sau 7 ngày con vật đỡ triệu chứng lâm sàng và tiếp tục duy trì phác đồ đến khi con vật hết các triệu chứng lâm sàng, chỉ số A/G≥0,8, siêu âm và Xquang không còn dịch trong ổ bụng/ổ ngực.

Kết luận

Các triệu chứng điển hình của mèo mắc bệnh FIP bao gồm: chán ăn và sụt cân nhanh chóng, chướng bụng và vàng da, tỷ lệ lần lượt là 100%; 91,67%; 83,33%; 66,67%. Phác đồ điều trị bệnh FIP tại Bệnh viện mang lại hiệu quả cao với tỷ lệ khỏi là 75,00%.