Xử lý chất thải trong chăn nuôi gia cầm- xu hướng hiện nay trên thế giới

Ngành chăn nuôi gia cầm hiện nay đang đáp ứng hơn một phần ba nhu cầu về thịt và toàn bộ nhu cầu về trứng của con người. Tuy nhiên, việc tăng sản lượng gia cầm cũng dẫn đến việc tạo ra một lượng lớn chất thải gia cầm, là mối đe dọa lớn đối với biến đổi khí hậu, an toàn môi trường và sức khỏe con người. Đối với chất thải trong chăn nuôi gia cầm, các khu vực sản xuất tại Việt Nam cũng sử dụng nhiều phương pháp xử lý để giảm thiểu những tác động bất lợi của chúng đối với sức khỏe của con người và đàn vật nuội. Các phương pháp xử lý chất thải thường gặp nhất là biogas, ủ phân tươi hay ủ có độn. Tuy nhiên, một tỷ lệ không nhỏ chất thải bao gồm phân và chất thải lỏng không được xử lý và được thải trực tiếp ra sông, suối và đất. Tuy nhiên, với hàm lượng chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và keratin phong phú, chất thải từ chăn nuôi gia cầm có thể được sử dụng để sản xuất các sản phẩm có giá trị, có thể sử dụng trong nhiều lĩnh vực bằng cách sử dụng nhiều quy trình công nghệ mới. Long zhang và cs. (2023) đã đưa ra một bài viết tổng quan về các kỹ thuật đang được sử dụng trên thế giới nhằm xử lý chất thải từ chăn nuôi gia cầm và chuyển chúng thành những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cho con người. Theo Long zhang và cs. (2023), chất thải từ chăn nuôi gia cầm được chia thành các loại bao gồm: rác thải và chất thải phân, chất thải lông vũ, chất thải từ xác gia cầm, chất thải lò mổ và chất thải từ trại giống. Trong bài viết này, nhóm tác giả cũng mô tả sáu quy trình công nghệ hiện đang được sử dụng hoặc mới nổi để biến chất thải từ chăn nuôi gia cầm thành các sản phẩm mang lại giá trị như: phân giải kỵ khí, nhiệt phân, khí hóa, thủy phân, xử dụng enzyme và sử dụng vi sinh vật. Thông tin chi tiết về bài tổng quan có thể tham khảo qua đường link dưới đây: https://www.mdpi.com/2071-1050/15/7/5620