Tính cấp thiết
Hội chứng ấu trùng di chuyển ở người gây ra bởi ấu trùng nhóm giun đũa Toxocara canis, Toxocara cati và Ascaris suum. Một trong số các con đường gây nhiễm ở người là do ăn thịt/phủ tạng sống của vật chủ dự trữ của nhóm giun tròn này, trong đó có gà. Ở gà, nhóm giun tròn này cũng ký sinh dưới dạng ấu trùng nên không thể dùng kỹ thuật xét nghiệm phân thông thường để chẩn đoán. Vì vậy, việc thiết lập kỹ thuật chẩn đoán trên gà có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định nguồn bệnh có nguy cơ truyền lây sang người, từ đó đề xuất các biện pháp phòng trừ thích hợp.
Mục đích nghiên cứu: Thiết lập kỹ thuật chẩn đoán nhiễm Toxocara spp. và A. suum trên gà để xác định nguồn bệnh có nguy cơ truyền lây sang người, từ đó đề xuất biện pháp phòng trừ thích hợp.
Phương pháp nghiên cứu:
Gây bệnh thực nghiệm Toxocara canis, Toxocara cati, Ascaris suum và Ascaridia galli trên gà để thu huyết thanh dương tính.
Phương pháp sản xuất kháng nguyên thô (SWAP) và kháng nguyên chất tiết (Excretory/Secretory)
Kỹ thuật ELISA và Western Blot.
Kết quả chính:
Nghiên cứu đã thiết lập được quy trình xác định nhiễm Toxocara spp. và Ascaris suum trên gà theo 3 bước chính:
Bước 1: Sàng lọc các mẫu huyết thanh gà có mang kháng thể kháng nhóm giun đũa ký sinh trên gà bằng kỹ thuật ELISA sử dụng kháng nguyên thô có nguồn gốc từ giun đũa lợn (As-SWAP).
Bước 2: Xác định loài gây nhiễm
Các mẫu huyết thanh dương tính từ bước 1 sẽ được tiến hành lại bằng ELISA sử dụng kháng nguyên chất tiết có nguồn gốc từ T. canis (Tc-ES) và A. suum (As-ES). Các mẫu có giá trị OD cao hơn khi sử dụng Tc-ES so với khi sử dụng As-ES sẽ được phân loại vào nhóm mẫu nghi nhiễm Toxocara spp. Ngược lại, các mẫu có giá trị OD cao hơn khi sử dụng As-ES so với khi sử dụng Tc-ES sẽ được phân loại vào nhóm nghi nhiễm A. suum.
Bước 3: Xác nhận lại loài gây nhiễm
Tc-ES western blot được tiến hành để xác định sự có mặt của kháng thể đặc hiệu kháng Toxocara spp. với sự xuất hiện của các band đặc hiệu.
Đối với nhóm nghi nhiễm A. suum, trước tiên, các mẫu huyết thanh gà được hấp phụ với kháng nguyên có nguồn gốc từ giun đũa gà (Ag-SWAP), sau đó ELISA được thực hiện sử dụng cả hai loại kháng nguyên Tc-ES và As-ES. Mẫu nào chỉ ra giá trị OD cao hơn khi sử dụng As-ES so với khi sử dụng Tc-ES được cho là đã nhiễm A. suum
Kết luận: Kỹ thuật chẩn đoán dựa vào huyết thanh miễn dịch rất có ý nghĩa trong việc xác định Toxocara spp. và A. suum trên gà. Bên cạnh đó, quy trình này có thể được ứng dụng để đánh giá sự nhiễm nhóm giun tròn này ở động vật nuôi, từ đó xây dựng các biện pháp phòng bệnh thích hợp, nhằm cải tiến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Từ khóa: Ascarid roundworm, ascarid larva migrans syndrome (ascarid LMS), meat-borne zoonosis, serodiagnosis.
Link bài báo: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31711975/
Nguyễn Thị Hoàng Yếna,b, Yayoi Hayataa, Shino Sonodaa, Nariaki Nonakaa,c,
Haruhiko Maruyama,d, Ayako Yoshidaa,c,*
aPhòng thí nghiệm Ký sinh trùng, Bộ môn Thú y, Khoa Nông nghiệp, trường Đại học Miyazaki, Nhật bản
bBộ môn Ký sinh trùng, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội
c Trung tâm kiểm soát dịch bệnh động vật (Centre for Animal Disease Control – CADIC), Trường Đại học Miyazaki, Nhật Bản
dPhòng thí nghiệm Ký sinh trùng, Bộ môn Bệnh truyền nhiễm, khoa Y, trường Đại học Miyazaki, Nhật Bản