Nghiên cứu khả năng kháng kháng sinh và sản sinh men Extended Spectrum β-lactamase (esbl) của vi khuẩn Salmonella phân lập từ thịt lợn, thịt gà bày bán tại chợ trên địa bàn Sóc Sơn, Hà Nội

Cam Thị Thu Hà, Hoàng Minh Đức, Phạm Hồng Ngân

Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

  1. Tính cấp thiết

Salmonella là một trong những vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm nguy hiểm hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu (Cheng & cs., 2008). Hàng năm, khoảng 93,8 triệu ca bệnh viêm dạ dày ruột cấp tính do Salmonella gây ra được ghi nhận, trong đó có 155.000 ca tử vong, 85% tổng số ca bệnh là ăn phải thực phẩm nhiễm Salmonella như sữa, cá, thịt bò, gà, lợn, chủ yếu là thịt gia cầm và thịt lợn (Majowicz & cs., 2010). Điều đáng lo ngại là sự xuất hiện của các chủng vi khuẩn Salmonella kháng kháng sinh. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention – CDC) đã xếp Salmonella kháng kháng sinh là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng (McDermott & cs., 2018).

Trong những năm gần đây, số chủng Salmonella kháng kháng sinh phân lập từ vật nuôi, thực phẩm và người ngày càng gia tăng, đặc biệt là các chủng kháng kháng sinh β-lactam thế hệ mới như cephalosporin thế hệ thứ 3 và thứ 4 (EFSA, 2011). Cơ chế kháng kháng sinh của nhóm vi khuẩn này dựa vào khả năng sản sinh các men β-lactam hoạt phổ rộng (ESBLs) và chuyển giao dễ dàng giữa các loài vi khuẩn thông qua plasmid (Wu & cs., 2013; Overdevest & cs., 2011). Điều này sẽ gây khó khăn lớn cho công tác điều trị nhiễm khuẩn trên người và vật nuôi. Nguy cơ càng trở nên trầm trọng hơn do số lượng kháng sinh hiệu quả chống lại vi khuẩn kháng β-lactam còn hạn chế, đặc biệt là trong các trường hợp đa kháng các loại kháng sinh, nhất là với nhóm fluoroquinolone (Liebana & cs., 2013).

Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự gia tăng tình trạng đa kháng kháng sinh của các chủng Salmonella phân lập từ động vật và các sản phẩm từ động vật (Thai & cs., 2012,  Nghiem & cs., 2017, Việt & cs., 2018, Truong & cs., 2021). Tuy nhiên, những nghiên cứu về ESBL được sản sinh từ Salmonella còn rất hạn chế và chưa được cập nhật thường xuyên. Vì vậy, kết quả của nghiên cứu này sẽ cung cấp thông tin về thực trạng nhiễm vi khuẩn Salmonella sản sinh men ESBL trên thịt tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội và có thể hỗ trợ các đơn vị liên quan về giám sát vi khuẩn kháng thuốc có nguồn gốc thực phẩm.

  1. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp thu thập mẫu: Quy trình lấy mẫu thịt dựa trên Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 4833 – 1:2002). Phương pháp phân lập vi khuẩn Salmonella: TCVN 10780 – 1:2017
Phương pháp xác định khả năng kháng kháng sinh của các chủng Salmonella: phương pháp pha loãng và nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) theo hướng dẫn của Viện Tiêu chuẩn lâm sàng (CLSI, 2020) và Phòng thí nghiệm và Ủy ban Châu Âu về kiểm tra độ nhạy cảm với thuốc (EUCAST, 2015). Phương pháp phát hiện các chủng Salmonella sản sinh men ESBL: phương pháp kết hợp (Synergy test) theo hướng dẫn của Viện Tiêu chuẩn lâm sàng và Phòng thí nghiệm (CLSI, 2020). Phương pháp phát hiện các gen mã hóa ESBL của vi khuẩn Salmonella: phản ứng PCR.

  1. Kết quả nghiên cứu

Kết quả kiểm tra 100 mẫu thịt (50 mẫu thịt gà và 50 mẫu thịt lợn) được thu thập ngẫu nhiên tại các chợ trên địa bàn huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội cho thấy, 41,0 % mẫu thịt phát hiện được vi khuẩn Salmonella, trong đó, 42,0 % mẫu thịt gà và 40,0 % mẫu thịt lợn dương tính với vi khuẩn Salmonella. Các chủng Salmonella phân lập được có tỉ lệ kháng cao với kháng sinh tetracycline (97,56%), flofenicol (78,05%), ampicillin (63,41%), và tỉ lệ kháng thấp với các kháng sinh ceftazidime (7,32%), ciprofloxacin (7,32%). Mặt khác, tất cả các chủng Salmonella phân lập được đều mẫn cảm với kháng sinh meropenem và colistin. Đáng lưu ý, 68,29% các chủng Salmonella phân lập là các chủng đa kháng. Có 6/41 (14,63%) chủng Salmonella phân lập được có khả năng sản sinh men ESBL, trong đó một chủng mang gen blaCTX-M-9, ba chủng mang gen blaTEM, một chủng mang đồng thời hai gen blaCTX-M-1, blaTEM và một chủng mang đồng thời ba gen thuộc nhóm blaCTX-M-1, blaCTX-M-8/25, blaTEM.

  1. Kết luận

                  Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ nhiễm khuẩn Salmonella trên thịt gà và thịt lợn trên địa bàn huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội ở mức cao (41,0%). Các chủng Salmonella phân lập được có tỉ lệ kháng cao với các kháng sinh tetracycline (97,56%), flofenicol (78,05%), ampicillin (63,41%). Trong số các chủng Salmonella phân lập phát hiện 6 chủng Salmonella sản sinh men ESBL với các kiểu gen blaCTX-M-1, blaCTX-M-8/25, blaCTX-M-9, blaTEM. Không phát hiện chủng nào chứa gen blaCTX-M-2, blaSHV.

5. Từ khóa: Salmonella, kháng kháng sinh, ESBL, gen.

 

Link bài báo: https://tapchi.vnua.edu.vn/wp-content/uploads/2023/12/tap-chi-so-11.5.pdf