SEMINAR KHOA HỌC CỦA NHÓM NGHIÊN CỨU SINH BỘ MÔN VI SINH VẬT – TRUYỀN NHIỄM – KHOA THÚ Y

        Ngày 16 tháng 6 năm 2025, Bộ môn Vi sinh vật – Truyền nhiễm (VSV-TN) phối hợp với Nhóm nghiên cứu mạnh Vi sinh vật – Truyền nhiễm, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức seminar khoa học dành cho các nghiên cứu sinh (NCS) tại phòng Hội thảo Khoa Thú y. Chương trình có sự tham gia của 06 nghiên cứu sinh đến từ các cơ quan, đơn vị khác nhau trong và ngoài nước.

Phiên buổi sáng bắt đầu với các báo cáo chuyên đề:

Chuyên đề 1: “Phân lập và khảo sát một số đặc điểm sinh học của vi khuẩn Avian pathogenic Escherichia coli (APEC) ở gà nuôi tại Hà Nội”.
Nghiên cứu sinh Lê Văn Trường (Bộ môn VSV-TN, Khoa Thú y) đã tiến hành phân lập và khảo sát một số đặc điểm sinh học của vi khuẩn APEC trên gà nuôi tại khu vực Hà Nội. Kết quả nghiên cứu đã xác định được 42/100 mẫu bệnh phẩm phân lập dương tính với  vi khuẩn APEC.Các chủng vi khuẩn E. coli phân lập được có một số đặc tính sinh học như: phản ứng sinh indole, phản ứng sinh H2S, phản ứng catalase, oxidase, urease, nhuộm Gram và lên men đường glucose, lactose, sucrose trong môi trường TSI được khảo sát tương tự như các mô tả về vi khuẩn E. coli ở các công bố trước đó. Sau đó, 42 chủng vi khuẩn phân lập được chẩn đoán khẳng định bằng phương pháp PCR sử dụng cặp mồi đặc hiệu F2UidAF và F2UidAR cho sản phẩm PCR có độ dài là 147bp (Bej AK & cs., 1991). Phản ứng multiplex PCR được thực hiện để xác định các gen độc lực của APEC bao gồm: nhóm gen bám dính: gen eaeA và gen tsh, nhóm gen thu nhận sắt: gen fyuA và iroN, nhóm gen độc lực: gen hlyF. Kết quả cho thấy tần suất của gen hlyF là cao nhất với 78,6%, tiếp theo sau là tần suất xuất hiện của gen iroN (62%), gen fyuA (40,5%), gen tsh (23,8%), gen eaeA (16,7%). Có 33/42 chủng vi khuẩn APEC chứa tổ hợp từ 2 đến 4 gen độc lực, có 9/42 chủng không mang gen độc nào.

Chuyên đề 2: “Tổng quan về Reovirus gây bệnh ở vịt”.

        Nghiên cứu sinh Vũ Thị Ngọc (Bộ môn VSV-TN, Khoa Thú y) đã tiến hành báo cáo tổng quan về các chủng Reovirus gây bệnh trên vịt, tập trung vào sự đa dạng di truyền, vật chủ cảm nhiễm và đặc điểm dịch tễ học. Dựa trên sự khác biệt di truyền (genotype),vật chủ (ngan, vịt, ngỗng), khả năng gây bệnh Reovirus được chia làm ba nhóm chính (Genogroups / Genotypes): MDRV – Muscovy Duck Reovirus (Cổ điển): Lần đầu mô tả: Ngan, Nam Phi, 1950. Phân lập: Pháp, 1972.  Phân lập ở Trung Quốc: Phúc Kiến, 1997; NDRV/DRV – Novel Duck Reovirus (Biến thể): Xuất hiện: Trung Quốc từ năm 2000. Lan rộng mạnh từ 2002 khắp các trang trại vịt ở Trung Quốc; GRV – Goose Reovirus: gây bệnh ở ngỗng. Ghi nhận đầu tiên: năm 2003. N-GRV – Chủng mới nổi (2020) xuất hiện ở Quảng Đông, Trung Quốc. Đặc điểm dịch tễ: Loài mắc bệnh: vịt, ngan, ngỗng. Vịt và ngan bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tuổi càng nhỏ → tỷ lệ mắc và tử vong càng cao. Đường lây truyền: Lây truyền dọc: qua trứng từ mẹ sang con, con non nở ra đã mang virus, dễ phát bệnh sớm. Lây truyền ngang: Tiếp xúc trực tiếp giữa con bệnh – con khỏe. Qua: chất thải, nước, thức ăn, dụng cụ, giày dép, côn trùng, chim hoang dã. Yếu tố nguy cơ tố thúc đẩy bùng phát dich: mật độ nuôi cao, vệ sinh kém, Stress: vận chuyển, thay đổi môi trường, dinh dưỡng kém, nhiễm trùng kết hợp (vi khuẩn, virus khác). Đặc điểm lâm sàng: Chủng MDRV (Muscovy Duck Reovirus): Tuổi mắc: 2–4 tuần tuổi, tỷ lệ tử vong: 10–30%, đặc biệt 5–7 ngày sau phát bệnh. Triệu chứng: Thở gấp, tiêu chảy, sụt cân nhanh, mềm chân. Bệnh tích: gan: chấm/xuất huyết – hoại tử dạng hoa; lách: sưng đỏ tím, hoại tử trắng vàng; Viêm tim, thận, ruột. Chủng NDRV (Novel Duck Reovirus): tuổi mẫn cảm: 5–25 ngày tuổi, tỷ lệ tử vong 5–50%, tỷ lệ mắc: 5–35%.  Triệu chứng: liệt, mềm chân, còi cọc. Bệnh tích: xuất huyết/hoại tử: gan, lách, tim, thận, túi Fabricius. Gây ức chế miễn dịch, dễ nhiễm trùng kết hợp.

Chuyên đề 3: “Phát triển phương pháp LAMP khô trực tiếp để chẩn đoán bệnh dịch tả lợn châu Phi tại thực địa”.

        Nghiên cứu sinh Souriya Viliddeth (Cục Chăn nuôi và Ngư nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp, CHDCND Lào) đã nghiên cứu và phát triển phương pháp LAMP khô trực tiếp nhằm phục vụ chẩn đoán nhanh bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) tại hiện trường. Phương pháp LAMP khô hai bước có hiệu quả khuếch đại DNA cao hơn LAMP khô một bước. Cả hai phương pháp LAMP khô đều có hiệu quả tốt ở các điều kiện bảo quản sau 2 tháng. Se và Sp của phương pháp LAMP khô hai bước là 88,1% và 100%. Phương pháp LAMP khô trực tiếp có thể sử dụng để chẩn đoán bệnh dịch tả lợn châu phi tại thực địa, khắc phục được các nhược điểm của các phương pháp PCR, Real-time PCR chỉ thực hiện ở phòng thí nghiệm, chi phí cao.

Phiên buổi chiều tiếp tục với các bài trình bày:

Chuyên đề 4: “Đánh giá độc lực của chủng virus dịch tả lợn châu Phi tái tổ hợp qua đường tiêm bắp”.

        Nghiên cứu sinh Nguyễn Việt Dũng (Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang) đã tiến hành đánh giá độc lực của chủng virus dịch tả lợn châu Phi tái tổ hợp VNUA/RASFV/HD1/23 thông qua đường tiêm bắp. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Các dấu hiệu lâm sàng của lợn bị gây nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi chủng tái tổ hợp được quan sát thấy phổ biến là sốt và ủ rũ (100%), tiếp theo là chán ăn (92%), không nhai dây thừng (67%), và tiêu chảy (33%). Ở nhóm 3 (10⁴ HAD₅₀), các dấu hiệu lâm sàng xuất hiện sớm nhất sau đó đến nhóm 2 (103 HAD₅₀), và nhóm 1 (102 HAD₅₀). Điểm lâm sàng trung bình cho các nhóm bị nhiễm ASFV tăng theo thời gian. Thời gian sống sót của các nhóm lợn nhiễm ASFV khác biệt có ý nghĩa thống kê, với mức độ virus càng cao thì thời gian sống sót càng ngắn. Virus huyết được phát hiện ở hầu hết các cá thể lợn nhiễm ASFV vào ngày thứ 3 sau khi gây nhiễm ở cả ba nhóm. Tổn thương đại thể được quan sát ở tất cả các cá thể lợn bao gồm hiện tượng sưng huyết kèm xuất huyết của các hạch lympho; sung huyết amidan; phù và sung huyết phổi; xuất huyết điểm trên bề mặt thận và xuất huyết tại bể thận; lách sưng to, xuất huyết, màu đỏ sẫm, mềm và dễ nát.

Chuyên đề 5: “Nghiên cứu sự lưu hành của giun chỉ bạch huyết Brugia malayi gây bệnh phù chân voi trên chó nuôi tại một số tỉnh miền Bắc Việt Nam”.

        Nghiên cứu sinh Tô Như Tưởng (Công ty TNHH Hipra Việt Nam) đã thực hiện khảo sát sự lưu hành của loài giun chỉ bạch huyết Brugia malayi – tác nhân gây bệnh phù chân voi – trên chó nuôi tại một số tỉnh miền Bắc Việt Nam. Nghiên cứu ghi nhận sự lưu hành của Brugia malayi trên chó nuôi tại Hải Phòng và Lạng Sơn với tỷ lệ nhiễm lần lượt là 5.56% và 12.63%. Hình thái và kích thước của ấu trùng quan sát dưới kính hiển vi hoàn toàn trùng khớp với các nghiên cứu trước đây. Kết quả cung cấp cơ sở khoa học cho việc giám sát và kiểm soát nguy cơ lây truyền bệnh giun chỉ bạch huyết từ động vật sang người.

Chuyên đề 6: “Một số ứng dụng của kỹ thuật giải trình tự NGS trong nghiên cứu vi sinh vật và y sinh học”.

        Nghiên cứu sinh Cao Thị Bích Phượng (Bộ môn VSV-TN, Khoa Thú y) đã trình bày tổng quan về công nghệ giải trình tự thế hệ mới (Next Generation Sequencing – NGS), tập trung vào nền tảng Oxford Nanopore – một bước tiến nổi bật của giải trình tự thế hệ thứ ba trong sinh học phân tử. Đây là công cụ có tiềm năng lớn trong nghiên cứu vi sinh vật học, y sinh học, thú y và dịch tễ học, với khả năng phát hiện nhanh, chính xác các tác nhân gây bệnh, biến dị gen, kháng thuốc và đặc biệt phù hợp cho nghiên cứu metagenomics.

Các kết nghiên cứu được báo cáo tại hội thảo

        Hội thảo có sự tham dự của các thầy cô của bộ môn VSV-TN và các bạn sinh viên quan tâm. Các nghiên cứu sinh đã có những bài trình bày khoa học, thông tin được kết quả cũng như tài liệu thuộc lĩnh vực mình đang nghiên cứu. Trong buổi hội thảo, đã có rất nhiều câu hỏi thảo luận đặt ra dành cho các nghiên cứu sinh để trao đổi, làm sáng tỏ hơn các vấn đề nghiên cứu cũng như cách khắc phục các khó khăn trong nghiên cứu mà các nghiên cứu sinh gặp phải. Đây là hoạt động sinh hoạt chuyên môn rất ý nghĩa, giúp NCS có cơ hội trao đổi học thuật và nâng cao năng lực chuyên môn.

Một số hình ảnh về buổi Seminar cho các Nghiên cứu sinh tại Bộ môn Vi sinh vật – Truyền nhiễm