Một số đặc điểm bệnh lý bệnh sỏi tiết niệu ở mèo và đánh giá hiệu quả điều trị

Đàm Văn Phải1*, Dương Thị Huyền2, Bùi Trần Anh Đào3, Nguyễn Thị Mỹ Linh4

Tóm tắt bài báo

Nghiên cứu này đã được thực hiện với phương pháp chẩn đoán sàng lọc bằng siêu âm và soi cặn nước tiểu của 48 con mèo có các biểu hiện lâm sàng viêm đường tiết niệu như: đái khó, đái dắt và nước tiểu đục hoặc lẫn máu. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 37 con mèo ở độ tuổi từ trên 1,5 năm trở lên bị mắc sỏi tiết niệu (STN) (77,08%). Trong đó có 2 ca mắc sỏi thận (5,4%), 14 ca mắc sỏi bàng quang (37,84%) và 21 ca có sỏi ở cả bang quang và niệu đạo (56,76%). Mèo bị STN thường có những triệu chứng bao gồm: bí tiểu, thay đổi tư thế khi đi tiểu, đi tiểu khó khăn, tiểu dắt, tiểu ra máu, giảm ăn hoặc bỏ ăn, kêu gào và sốt. Các chỉ tiêu huyết học: BUN, creatinine, WBC và NEU% tăng rõ ràng trong khi RBC bị giảm nhẹ. Tỷ lệ mèo mắc STN tăng dần theo độ tuổi. Mèo đực có tỷ lệ mắc STN cao hơn mèo cái. Mèo mắc STN có thể được điều trị bằng phương pháp nội khoa hoặc phẫu thuật đều cho hiệu quả khá tốt. Tuy nhiên phương pháp phẫu thuật cho kết quả tốt hơn.

Tính cấp thiết

Bệnh sỏi tiết niệu (STN) ở mèo có thể do nhiều nguyên nhân phức tạp gây ra như: rối loạn nội tiết, kế phát từ viêm nhiễm đường tiết niệu, do thức ăn khô nhưng thiếu nước uống hoặc do mèo thường xuyên phải nhịn tiểu gây ra. Bệnh thường xảy ra khi nồng độ các loại muối khoáng như natri, magie, kali và canxi oxalat hoặc cacbonat trong nước tiểu tăng cao, theo thời gian bị lắng đọng và hình thành lên sỏi trong đường tiết niệu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu trúc và chức năng của hệ tiết niệu như: viêm, xuất huyết, tắc đường dẫn niệu ảnh hưởng đến chức năng đào thải nước tiểu có thể gây uy hiếp đến tính mạng mèo bệnh. Do vậy, việc nắm bắt đầy đủ, hệ thống đặc điểm bệnh lý của bệnh giúp chẩn đoán sớm và can thiệp kịp thời có vai trò vô cùng quan trọng đối với tiên lượng của bệnh.

Mục đích: Nắm được đặc điểm bệnh lý chính của bệnh  giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán, phòng & điều trị bệnh.

Phương pháp nghiên cứu: Sử dụng các phương pháp thường qui bao gồm: chẩn đoán lâm sàng, siêu âm, X-quang và máy phân tích sinh lý, sinh hóa máu tự động.

Kết quả chính

Trong tổng số 37 ca mèo mắc bệnh STN, trường hợp mắc sỏi ở cả bàng quang và niệu đạo là phổ biến nhất (56,76%), kế tiếp là sỏi bàng quang (37,84%) và thấp nhất là sỏi thận (5,41%). Tỷ lệ mèo mắc bệnh STN tăng lên theo độ tuổi và mèo đực có tỷ lệ mắc STN cao hơn mèo cái. Mèo mắc STN thường có các triệu chứng thể hiện trên hệ tiết niệu, toàn thân và hệ tiêu hoá, trong đó các triệu chứng điển hình bao gồm: tắc tiểu hoặc tiểu dắt, đau khi đi tiểu, huyết niệu và bàng quang căng và đau khi sờ nắn bàng quang, xuất hiện hình ảnh của sỏi trong đường tiết niệu khi siêu âm hệ tiếtniệu. Ngoài ra, mèo bệnh cũng xuất hiện các triệu chứng không điển hình bao gồm giảm ăn, bỏ ăn, sốt hoặc nôn mửa. Mức độ nặng nhẹ của triệu chứng này phụ thuộc vào vị trí có sỏi, kích thước, số lượng sỏi và giai đoạn được phát hiện và can thiệp. Các chỉ tiêu huyết học của mèo mắc bệnh STN có sự thay đổi rõ rệt bao gồm: số lượng bạch cầu (WBC), tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung (NEU%), hàm lượng ure máu (BUN) và creatinin máu tang cao trong khi các chỉ tiêu khác về hồng cầu, tiểu cầu và men gan (GOT, GTP) ít thay đổi. Mèo trưởng thành mắc STN với đường kính dưới 2mm ở mèo đực và dưới 4mm ở mèo cái có thể áp dụng phương pháp điều trị nội khoa bao gồm dùng thuốc tán sỏi, lợi tiểu và thuốc bổ trợ kéo dài từ 2-2,5 tháng cho kết quả điều trị khá tốt, tỷ lệ khỏi trên 66%. Tuy nhiên, nếu kích thước của sỏi lớn hơn thì nên điều trị bằng phẫu thuật để loại bỏ sỏi và kết hợp cắt bỏ niệu đạo ngoài xoang chậu đối với mèo đực để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đào thải sỏi sót lại trong đường tiết niệu và giảm nguy cơ tái phát. Nhờ đó, phương pháp phẫu thuật cho kết quả điều trị tốt hơn: tỷ lệ khỏi cao hơn (86,36%), thời gian điều trị ngắn chủ yếu là phẫu thuật và hậu phẫu, tỷ lệ tái phát thấp. Cả hai phương pháp điều trị đều cho kết quả tốt, các chỉ tiêu lâm sàng, thể trạng của mèo và các chỉ tiêu huyết học được cải thiện rõ.