GS.TS.Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại biểu Quốc hội (đoàn Hà Nội) đề nghị phân cấp cho tỉnh được chủ động quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản trong nội bộ đất nông nghiệp.
Tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo nghị quyết về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 chiều 31/5, GS.TS.Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại biểu Quốc hội (đoàn Hà Nội) đã chuyển tới Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan ý kiến của cử tri huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai nói riêng và một số huyện ngoại thành Hà Nội.
Cụ thể, hiện nay, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được thực hiện theo Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ. Tuy nhiên, việc chuyển đổi gặp còn tồn tại một số hạn chế sau: Các tỉnh phải báo cáo về việc chuyển đổi hàng năm nên thiếu tính chủ động, chưa có hướng dẫn về việc lắp đặt hệ thống nhà màn, nhà lưới, chưa quy định mật độ xây dựng một số công trình phụ trợ phục vụ phát triển sản xuất như nhà sơ chế, nhà tạm bảo vệ, ….
Trong chuyển đổi nuôi thuỷ sản kết hợp trồng lúa quy định mức hạ cốt xuống 120 cm để nuôi thuỷ sản, diện tích được phép chuyển đổi không quá 20% là chưa phù hợp, chưa có hướng dẫn việc xây dựng chuồn trại để nuôi thủy sản kết hợp với thủy cầm; Chưa quy định việc chuyển đổi đất trồng lúa sang chăn nuôi.
Từ thực tế này, GS.TS Nguyễn Thị Lan cho biết, cử tri và địa phương đề nghị phân cấp cho tỉnh được chủ động quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản trong nội bộ đất nông nghiệp; được quyết định tỷ lệ xây dựng trên đất nông nghiệp để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, dự án nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm (như sơ chế, sân phơi, nhà bảo vệ, nghỉ trưa, gian hàng giới thiệu sản phẩm, xử lý môi trường, đào ao, các công trình phụ trợ khác).
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan cũng đánh giá cao báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội về bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022, tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023.
Bà Lan cho rằng, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến kém tích cực, căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, đặc biệt kinh tế Mỹ có dấu hiệu suy yếu. Vì vậy, Việt Nam cần có dự báo chính xác rủi ro và có giải pháp linh hoạt để ứng phó đảm bảo kinh tế ổn định phát triển.
Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận định, Việt Nam cũng được coi là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, diễn biến nhanh và phức tạp, hậu quả khó đoán định, gây ảnh hưởng nặng nề trực tiếp hoặc gián tiếp đến nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, thương mại, năng lượng,..đời sống an sinh xã hội, sinh kế của người dân.
Trong 11 nhiệm vụ trọng tâm bao trùm các lĩnh vực kinh tế xã hội mà Chính phủ đã đề ra trong thời gian sắp tới, Chính phủ khẳng định quyết liệt triển khai chiến lược, chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng.
“Tôi cho rằng đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, rất cần thiết, cần phải nỗ lực triển khai thường xuyên để đảm bảo sự chủ động thích ứng, bảo vệ cộng đồng, môi trường tự nhiên, đảm bảo an toàn, ổn định phát triển đời sống kinh tế xã hội của quốc gia và để thực hiện các cam kết của VN tại Cop 26, để thể hiện một đất nước Việt Nam trách nhiệm, hành động, sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu”, GS.TS Nguyễn Thị Lan khẳng định.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng đánh giá rất cao chuỗi chương trình của Chính phủ để thực hiện cam kết hành động ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu của Thủ tướng Chính phủ trong Hội nghị thượng đỉnh Cop 26, đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chính phủ đã thực hiện các nhóm giải pháp tổng thể, đã thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia, rà soát hoàn thiện chính sách; rà soát điều chỉnh hàng loạt các chiến lược phát triển, các quy hoạch, trong đó có những quy hoạch chiến lược; Chính phủ đã ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê, tổ chức nhiều hội nghị hội thảo truyên truyền để mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia.
“Để có thể hiện thực hóa các cam kết trên, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành sau khi có các kế hoạch cụ thể, có mục tiêu rõ ràng, phân định trách nhiệm các bên liên quan, cần phải có cơ chế giám sát đánh giá chặt chẽ, thường xuyên liên tục đôn đốc, kiểm tra tính hiệu quả của mỗi chương trình; cần ứng dụng công nghệ số, khoa học dữ liệu và giải pháp thông minh và KHCN trong hành động của Việt Nam; có chính sách quy hoạch phát triển dài hạn lồng ghép mục tiêu thích ứng và mục tiêu giảm phát thải; cần đặc biệt chú trọng đến các giải pháp cho ngành nông nghiệp vì đây là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, liên quan rộng đến nhiều bộ phận xã hội trong cả nước, vừa là ngành chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu, lại đồng thời là ngành tạo ra lượng phát thải lớn chiếm đến 10-25%”, GS.TS Nguyễn Thị Lan khẳng định.