Thay vì chỉ thể hiện mình quen biết rộng, ứng viên học bổng Chevening nên kể câu chuyện có chiều sâu trong bài luận về mạng lưới quan hệ (Networking).
Networking là một trong bốn bài luận được yêu cầu của học bổng Chevening, nhằm đánh giá kỹ năng xây dựng và duy trì các mối quan hệ của ứng viên. Ba bài luận khác gồm Leadership, Studying in the UK và Career Plan.
Dưới đây là chia sẻ của Nguyễn Tú, sinh năm 1997, về các bí quyết viết bài luận Networking. Tú giành học bổng Chevening của chính phủ Anh năm 2021 và nhận bằng thạc sĩ chuyên ngành Giới, Giáo dục và phát triển tại University College London hôm 26/9. Trước đó, Tú theo học chuyên ngành Kinh tế và Kinh doanh quốc tế tại Đại học Ngoại thương và làm việc tại tổ chức Thúc đẩy Bình đẳng giới Việt Nam.
1. Hiểu rõ điều Chevening muốn thấy ở bạn
Nguyễn Tú cho biết, khi xem hồ sơ ứng tuyển, nhiều người có thể sẽ thấy bài luận Leadership (lãnh đạo) và Networking hơi giống nhau, khó phân định thông điệp, câu chuyện cho từng bài. Điều này hoàn toàn hiểu được bởi khả năng lãnh đạo và xây dựng mối quan hệ có sự liên hệ mật thiết. Cả hai đều cần khả năng kết nối, tạo ảnh hưởng với các mối quan hệ xung quanh. Tuy nhiên, qua mỗi bài luận, Chevening sẽ tìm kiếm những tố chất cụ thể riêng.
Theo Tú, qua bài luận Networking, hội đồng học bổng Chevening tìm kiếm những cá nhân có khả năng xây dựng các mối quan hệ bền vững trong công việc. “Bởi họ chính là những người sẽ tham gia vào cộng đồng Chevening để lan tỏa sức ảnh hưởng và dẫn dắt những người khác trong lĩnh vực của mình”, Tú lý giải.
Tú nhấn mạnh, học bổng Chevening đề cập rất thẳng thắn về chân dung mà học bổng tìm kiếm. Các từ khóa trong câu hỏi cũng gợi ý một số điểm mà ứng viên cần thể hiện trong bài luận.
Thứ nhất, ứng viên cần nói về các mối quan hệ trong khía cạnh chuyên môn và lĩnh vực mà mình đang công tác, học tập, hoạt động, không phải các mối quan hệ cá nhân như bạn bè, gia đình.
Thứ hai, người viết cần có thông tin rõ ràng với con số, nhân vật, câu chuyện để thể hiện cách bản thân đã xây dựng và duy trì các mối quan hệ, cũng như tác động của các mối quan hệ này đối với cộng đồng và sự phát triển của bản thân.
Thứ ba, ứng viên cần nói về dự định, mục tiêu khi phát triển mạng lưới quan hệ trong tương lai. Chẳng hạn, đặt mình trong bối cảnh sẽ trở thành người nhận học bổng Chevening, đi học ở Anh và gặp gỡ rất nhiều người trong mạng lưới Chevening, bạn dự định sẽ tận dụng và đóng góp vào cộng đồng này như thế nào. Từ đó, ứng viên hãy thử phác họa mục tiêu mà Chevening tìm kiếm và liên hệ với trải nghiệm của chính mình trong những năm vừa qua.
Bạn thấy ấn tượng khi được gặp gỡ và kết nối với những ai? Bạn và họ đã để lại cảm nhận, dấu ấn gì cho nhau? Mối quan hệ đã hỗ trợ bạn ra sao trong hành trình bạn tìm thấy bản thân, phục vụ một cộng đồng hoặc hoàn thành một dự án, công việc?
“Các câu hỏi bạn đặt cho chính mình có thể là chỉ dẫn quan trọng để bạn nhận ra mình đã xây dựng, duy trì những mối quan hệ có ảnh hưởng đến nhường nào”, Tú nói.
2. Xây dựng hình ảnh trung thực, nhất quán
Sự nhất quán là yếu tố quan trọng trong bài luận và cả bộ hồ sơ. Hội đồng tuyển chọn vòng hồ sơ sẽ không có cơ hội gặp mặt trực tiếp để cảm nhận cụ thể về con người bạn. Vì thế, theo Tú, ứng viên hãy xác thực những năng lực, mối quan hệ mà mình đã xây dựng.
“Hãy thử đặt mình vào vị trí của người đọc bài luận để hình dung trải nghiệm của họ: Họ cần thấy điều gì để hiểu về bạn nhiều nhất có thể qua 500 chữ? Làm sao để họ tin đây chính là bạn? Làm sao để khi đọc xong, họ vẫn nhớ đến câu chuyện của bạn?”, Tú gợi ý.
Theo Tú, mỗi người sẽ có những chiến lược, cách thức riêng khi xây dựng hình ảnh bản thân. Lời khuyên của Tú là hãy đảm bảo bạn xây dựng một hình ảnh trung thực với những giá trị bạn tin tưởng; đặt mình vào vị trí của người đọc hồ sơ; sử dụng các kỹ thuật viết mạch lạc, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề.
3. Không nên chỉ thể hiện mình quen biết rộng
Về điều này, theo Tú, thay vì thể hiện mình “quen biết rộng”, hãy để hội đồng xét duyệt học bổng thấy chiều sâu trong cách bạn nghĩ và kết nối các mối quan hệ.
Tú lưu ý, ứng viên không cần giấu nhẹm các mối quan hệ với những người hoặc tổ chức có tầm ảnh hưởng vì đó là những ví dụ rất cụ thể, thuyết phục về khả năng kết nối và lan tỏa ảnh hưởng. Tuy vậy, nếu ứng viên chỉ liệt kê thì chưa đủ. Ứng viên hãy chia sẻ sâu hơn về quá trình xây dựng mối quan hệ và liên kết với hành trình phát triển của bản thân. Ví dụ lý do nào thôi thúc bạn kết nối với người này, cộng đồng này? Bạn đã làm gì để mối quan hệ trở nên bền vững, tốt đẹp hơn? Bạn nhận được điều gì và đã tạo ra tác động gì thông qua mối quan hệ?
Tương tự, khi lựa chọn câu chuyện để kể trong bài luận, ứng viên nên ưu tiên “ánh đèn sân khấu” cho những mối quan hệ đã giúp bạn học được nhiều nhất và tạo ra những tác động mạnh mẽ nhất. Đó sẽ là không gian để bạn thể hiện chiều sâu của bản thân qua từng suy nghĩ, niềm tin, cảm xúc và hành động chân thành, thực tế.
Và dù chọn câu chuyện nào để kể, ứng viên cũng cần thể hiện được kỹ năng của mình. “Chẳng có mối quan hệ nào trở nên tốt đẹp mà không nhờ sự nuôi dưỡng, vun đắp. Hãy cho người đọc thấy những chi tiết thể hiện tính chủ động, cầu thị, linh hoạt, can đảm… khi bạn xây dựng các mối quan hệ quanh mình”, Tú nói.
4. Suy ngẫm
Với Tú, điều ý nghĩa nhất trong quá trình viết luận Networking chính là cơ hội được suy ngẫm lại những trải nghiệm, con người, câu chuyện đã qua. Người viết sẽ nhớ đến rất nhiều người mình từng kết nối và rất nhiều sự kiện, nhưng việc chắt lọc, phản ánh thành một câu chuyện, một thông điệp về mình đòi hỏi quá trình tư duy, suy ngẫm bền bỉ, dài lâu. Vì thế, ứng viên có thể sẽ cần nhiều cuộc đối thoại với mọi người và nhiều cuộc tự vấn; có thể mất vài tuần mới viết được dòng đầu tiên.
“Từ quá trình ấy, rất có thể một câu chuyện chân thực, một thế giới quan sâu sắc, hoặc một con người mới… sẽ ra đời”, Tú nói và cho rằng đây là trải nghiệm quý giá không phải lúc nào cũng có trong cuộc đời.