Bệnh dịch tả lợn châu Phi (African Swine Fever) – Tình hình nghiên cứu sản xuất vacxin và kinh nghiệm ứng phó của các nước

Tính cấp thiết:

Vào ngày 19/2/2019, bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chính thức thông báo bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã vào Việt Nam và công bố những ổ dịch đầu tiên ở hai tỉnh phía Bắc Việt Nam. Dù mới xuất hiện, bệnh ASF đã lan rất rộng và diễn biến vô cùng phức tạp. Sau gần 3 năm xuất hiện, bệnh vẫn tiếp tục diễn biến và ảnh hưởng và gây tổn thương nghiêm trọng ngành chăn nuôi lợn nước ta.

Bệnh trở thành thách thức với ngành chăn nuôi lợn cũng như các nhà khoa học khi chưa có vacxin thương mại để có thể phòng bệnh cho lợn dù bệnh đã tồn tại gần một trăm năm qua. Do vậy, công cụ chính trong việc phòng và khống chế ASF chỉ có thể là tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được khuyến cáo từ chính phủ và các tổ chức quốc tế.

Mục đích:

Để có cơ sở cho việc định hướng nghiên cứu về vacxin và chiến lược ứng phó với bệnh ASF.

Tổng hợp các thông tin về kinh nghiệm ứng phó của các quốc gia trong khu vực.

Kết quả chính:

Từ lâu, vacxin luôn được nhắc đến như là lựa chọn tốt nhất trong việc kiểm soát các bệnh truyền nhiễm trên động vật. Dù bệnh đã được khoa học biết đến từ 1921 cùng khoa học công nghệ rất phát triển những năm qua, nhưng nghiên cứu sản xuất vacxin phòng ASF vẫn đang gặp nhiều cản trở do thiếu những thông tin về cơ chế nhiễm và đặc tính miễn dịch. Đến nay, bản chất của các đáp ứng miễn dịch bảo vệ chưa được làm rõ cũng như kháng nguyên bảo vệ chưa được xác định, cùng với cơ chế virus điều chỉnh đáp ứng của vật chủ khi nhiễm bệnh chưa sáng tỏ được cho là các yếu tố cản trở hiệu quả của vacxin.

Khi các kháng nguyên bảo vệ được xác định và các cơ chế của virus được hiểu rõ, các vacxin hiệu quả và tạo miễn dịch chéo giữa các chủng ASF sẽ được phát triển. Nhìn chung, vacxin trên động vật đều được phát triển theo các hướng vô hoạt hoặc nhược độc virus. Tại thời điểm này, các nhóm nghiên cứu đang tập trung nghiên cứu và phát triển vacxin phòng ASF theo các hướng như vacxin nhược độc (live-attenuated vaccines), vacxin dưới đơn vị (subunit vaccines) mà không tập trung vào vacxin vô hoạt (inactivated vaccines).

Bảng 2. Các hướng nghiên cứu và phát triển vacxin phòng bệnh ASF đã và đang được thực hiện

Tuy vậy, các vacxin đều có ưu và nhược điểm riêng và đang trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm mà chưa có sản phẩm vacxin thương mại (bảng 2). Do vậy, một số biện pháp trước mắt có thể đề xuất áp dụng ngay cho Việt Nam gồm:

(1) Cung cấp thông tin cập nhật về bệnh ASF, tình hình dịch bệnh thường xuyên giúp cảnh báo, nâng cao nhận thức của người dân, người chăn nuôi và thú y cơ sở.

(2) Các khái niệm ASF cơ bản, đặc biệt là về các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, cách bệnh lây truyền, cách phòng tránh, các triệu chứng lâm sàng và bệnh tích cần được thông tin rộng rãi.

(3) Kiểm soát chặt chẽ đầu vào của trại chăn nuôi như: thức ăn (không sử dụng thực phẩm dư thừa chưa qua xử lý nhiệt của bếp ăn, nhà hàng, khách sạn,…), dụng cụ, phương tiện vận chuyển, phụ phế phẩm trong chăn nuôi.

(4) Tăng cường kiểm tra, xét nghiệm thường xuyên sức khoẻ đàn lợn nuôi; kiểm soát chặt chẽ giết mổ lợn thương phẩm tại trại.

(5) Với các ổ dịch, cần phát hiện sớm, chẩn đoán nhanh chóng, tiêu huỷ tại chỗ, cấm di chuyển lợn và các sản phẩm có nguồn gốc từ lợn ở các khu vực này.

(6) Các yếu tố tự nhiên khác như: lợn rừng, ruồi trang trại, ve mềm liên quan tới bệnh, cần được coi là nguồn lây nhiễm tiềm năng, áp dụng các biện pháp kiểm soát ngay khi cần thiết.

(7) Cần có sự phối hợp và chia sẻ giữa chính phủ, các đơn vị và người chăn nuôi cũng như giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế (FAO, OIE,…)

Kết luận:

Do chưa có vacxin hiệu quả trong phòng ASF hay điều trị bệnh, biện pháp được các quốc gia và tổ chức khuyến cáo là tập trung vào đảm bảo vệ sinh, an toàn sinh học cũng như kiểm soát chặt chẽ đầu vào, đầu ra của các trại chăn nuôi. Với Việt Nam, các biện pháp quyết liệt trong tiêu huỷ và kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn đã được thực hiện.

Việt Nam cần tiếp tục đảm bảo các biện pháp đã được khuyến cáo trong kiểm soát an toàn sinh học, cải thiện hệ thống thú y cơ sở nhằm tăng hiệu quả trong báo và có khoanh vùng các ổ dịch mới. Đồng thời, sự phối hợp với các tổ chức quốc tế trong tăng cường khả năng đáp ứng và ngăn chặn sự lây lan của dịch ASF cũng như chia sẻ thông tin trong nghiên cứu và sản xuất vacxin phòng bệnh ASF cần được quan tâm.

Từ khoá: An toàn sinh học, dịch tả lợn châu Phi (ASF), vacxin, kiểm soát, khuyến nghị, phòng chống, Việt Nam

                                                                                                                                                                           Hình ảnh minh hoạ

                                                                                                                       

                                                                       Hình 1. Bản đồ các tỉnh xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi ở Việt Nam tính đến hết ngày 07/4/2019 dựa trên thông tin công bố của Cục Thú y.

Link bài báo: https://sti.vista.gov.vn/tw/Lists/TaiLieuKHCN/Attachments/285871/CTv169V16S1220181131.pdf

                                                                                                                                                     Nguyễn Vũ Sơn, Nguyễn Hữu Nam*, Bùi Trần Anh Đào, Bùi Thị Tố Nga, Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Thị Hoa

                                                                                                                                                      Khoa Thú Y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *