XÁC ĐỊNH CORONAVIRUS Ở MÈO NUÔI TẠI HUYỆN VĂN LÂM VÀ VĂN GIANG CỦA TỈNH HƯNG YÊN NĂM 2023

XÁC ĐỊNH CORONAVIRUS Ở MÈO NUÔI TẠI HUYỆN VĂN LÂM VÀ VĂN GIANG CỦA TỈNH HƯNG YÊN NĂM 2023

Trần Thị Hương Giang, Thân Thị Tâm, Bùi Trần Anh Đào, Đồng Văn Hiếu

Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

 

Tính cấp thiết: Coronavirus ở mèo (Feline coronavirus – FCoV) là một thành viên thuộc họ Coronaviridae. Virus được báo cáo lần đầu tiên vào năm 1968, cho tới nay các nhà khoa học đã phát hiện ra FCoV có thể tồn tại và gây bệnh tiêu chảy ở mèo, trong khi một dạng khác của virus có khả năng gây ra bệnh viêm phúc mạc (Feline infectious peritonitis – FIP), là một trong những bệnh nan y xảy ra đối với loài vật nuôi này. Viêm phúc mạc gây ra các khối u dạng hạt, bệnh gây tử vong cao ở loài mèo, có khi lên tới 100%. Đại dịch COVID-19 do Coronavirus type 2 gây ra đã để lại những ảnh hưởng và hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe con người và nền kinh tế thế giới do gây ra tỷ lệ mắc lớn, tỷ lệ chết cao (United Nations, 2022). Nguồn gốc của virus gây bệnh tới nay vẫn chưa được làm rõ. Sự lưu hành của các Coronavirus ở nhiều loài động vật đang được quan tâm nghiên cứu trên thế giới. Ở Việt Nam, một số báo cáo xác định coronavirus trên động vật như chuột, dơi, hà mã đã được công bố. Tuy vậy, tới nay chưa có công bố khoa học nào về sự phát hiện Coronavirus trên mèo ở nước ta.

Mục đích nghiên cứu: Nghiên cứu này bước đầu xác định sự có mặt của coronavirus trên mèo cũng như xác định đặc điểm di truyền phân tử của chủng virus này dựa trên phân tích một phần gen mã hóa protein S.

Phương pháp nghiên cứu: Tổng cộng 35 mẫu phân được thu thập tại huyện Văn Lâm và Văn Giang thuộc tỉnh Hưng Yên bằng tăm bông vô trùng. Mẫu phân sau đó được bảo quản trong dung dịch phosphate-buffered saline (PBS) 1X và được gửi tới phòng thí nghiệm Bộ môn Thú y cộng đồng, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Tại phòng thí nghiệm, mẫu được đồng nhất. RNA, tổng hợp cDNA, PCR và giải trình tự gen được sử dụng trong nghiên cứu này.

Kết quả chính: genome của virus được xác định trong 3 mẫu (8,57%) trong tổng số 35 mẫu nghiên cứu. Tỷ lệ mèo dương tính với virus ở nhóm mèo khỏe và mèo có biểu hiện tiêu chảy lần lượt là 13,33% và 12,50%. Kết quả phân tích trình tự một phần gen mã hóa protein gai cho thấy, tỷ lệ tương đồng nucleotide giữa 3 chủng virus trong nghiên cứu này dao động từ 97,05% đến 99,01%. Kết quả phân tích cây phả hệ thể hiện rằng, các chủng virus trong nghiên cứu này cùng thuộc coronavirus type I và có mối quan hệ di truyền gần với chủng virus được xác định ở Trung Quốc.

Kết luận: Nghiên cứu này đã xác định được Coronavirus trong các mẫu phân (8,57%) thu thập từ mèo khỏe và mèo có triệu chứng tiêu chảy tại 2 huyện Văn Lâm và Văn Giang ở tỉnh Hưng yên năm 2023. Kết quả phân tích một phần gen S của các chủng FCoV cho thấy, 03 chủng FCoV trong nghiên cứu này thuộc type I có độ tương đồng nucleotide cao dao động từ 97,05% tới 99,01%. 3 chủng FCoV này có mối quan hệ di truyền gần với các chủng FCoV đã được xác định ở Trung Quốc.

Từ khóa: Coronavirus, Hưng Yên, Mèo, Polymerase chain reaction.

Link bài báo: Tạp chí KHKT Chăn nuôi số 295

Một số hình ảnh minh họa:

Hình 1. Minh họa kết quả PCR phát hiện Coronavirus ở mèo

 

Hình 2. Cây phả hệ (phylogenetic tree) của FCoV trong nghiên cứu này dựa vào trình tự một phần gen S

Ghi chú: cây phả hệ được xây dựng dựa tên 3 chủng FCoV trong nghiên cứu này và 15 chủng virus tham chiếu trên ngân hàng GenBank. Các chủng virus được xác định trong nghiên cứu này được đánh dấu bằng hình tròn màu đen.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *