ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ PHÔI IN VITRO ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ SINH SẢN TRÊN ĐÀN BÒ SỮA NUÔI TẠI HÀ NỘI

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ PHÔI IN VITRO ĐỂ NÂNG CAO

HIỆU QUẢ SINH SẢN TRÊN ĐÀN BÒ SỮA NUÔI TẠI HÀ NỘI

Nguyễn Văn Thành1, Trần Thị Loan2, Sử Thanh Long1, Vũ Minh Lâm1 và Đỗ Thị Kim Lành1*

  1. Tính cấp thiết:

Trên thế giới, cấy phôi trên bò được báo cáo lần đầu tiên bởi Umbaugh (1949) và con bê đầu tiên ra đời nhờ cấy truyền phôi (CTP) vào năm 1951 (Willett và ctv, 1951). Cấy truyền phôi giúp cải tạo và nhân nhanh đàn bò năng suất và chất lượng. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Drost và ctv (1999) chuyển phôi có nguồn gốc từ IVF không có lợi thế hơn thụ tinh nhân tạo (TTNT). Để nâng cao hiệu quả sinh sản của bò sữa, có nhiều nghiên cứu phương pháp kết hợp CTP sau TTNT đã được thực hiện. Tani và ctv (2010) nghiên cứu ảnh hưởng của CTP sau TTNT (ETFAI) đối với năng suất sinh sản trên đàn bò sữa ở Tây Nam Nhật Bản cho thấy tỷ lệ thụ thai được cải thiện ở những con bò với ETFAI so với những con được TTNT (30,4% so với 13,8%, P<0,01). Tuy nhiên, tỷ lệ sẩy thai cao hơn đã được quan sát thấy ở ETFAI so với nhóm ĐC (38,1% so với 7,4%, P<0,05). Gần đây, nghiên cứu của Nowicki (2021) đã chỉ ra rằng CTP cải thiện tỷ lệ mang thai ở bò lai chậm sinh bằng cách giảm thiểu tác động của chất lượng tế bào trứng kém và môi trường tử cung không đạt yêu cầu đối với việc thụ tinh và phát triển phôi trong 7 ngày đầu sau TTNT. Do đó, CTP kết hợp TTNT có thể được coi là một lựa chọn để cải thiện khả năng sinh sản ở bò sữa chậm sinh.

Các chương trình nghiên cứu sản xuất phôi bò ở Việt Nam bắt đầu từ năm 1978, tuy nhiên đến nay vẫn chưa chủ động sản xuất được nguồn phôi, người chăn nuôi chủ yếu sử dụng các phôi bò nhập về từ các quốc gia Úc, Bỉ, Mỹ… Đồng thời, các nghiên cứu tại Việt Nam chủ yếu về hiệu quả phương pháp gây động dục đồng loạt kết hợp TTNT. Cụ thể, nghiên cứu của Đỗ Văn Thu và ctv (2013) cho thấy sử dụng phương pháp gây động dục đồng loạt kết hợp TTNT giúp nâng cao năng suất và chất lượng đàn bò ở Việt Nam. Sử Thanh Long và ctv (2020) gây động dục chủ động và cố định thời gian TTNT trên đàn bò sữa tại Vĩnh Phúc không mang lại tỷ lệ có chửa cao ở lần TTNT đầu tiên, nhưng đã giúp bò trở lại chu kỳ sinh lý động dục bình thường. Cho đến nay, ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về hiệu quả của việc kết hợp phương pháp CTP kết hợp TTNT trong khi trên thế giới đã có rất nhiều báo cáo về vấn đề này (Tani và ctv, 2010; Nowicki và ctv, 2021). Trong nghiên cứu này, chúng tôi thực hiện đánh giá hiệu quả ứng dụng công nghệ tạo phôi in vitro kết hợp với CTP và TTNT nhằm nâng cao năng suất sinh sản của đàn bò sữa nuôi trên địa bàn Hà Nội.

  1. Mục đích nghiên cứu:

Nghiên cứu  được thực hiện nhằm đánh giá được hiệu quả kỹ thuật cấy truyền phôi kết hợp thụ tinh nhân tạo với mục tiêu nâng cao khả năng sinh sản của đàn bò sữa.

  1. Phương pháp nghiên cứu:

Tổng số 379 bò sữa HF có 1,5-10 tuổi, được lựa chọn gồm hai đối tượng: bò sinh sản bình thường (229 bò) và bò chậm sinh (150 bò): bò tơ trên 20 tháng và bò sau khi đẻ đến 120 ngày (4 tháng) không động dục hoặc bò phối giống trên 3 lần mà không đậu thai (Hoàng Kim Giao và Nguyễn Thanh Dương, 1997) và chia ngẫu nhiên thành 3 nhóm:

Đối chứng 1 (ĐC1): 100 bò sinh sản bình thường và 30 bò chậm sinh được TT sau động dục.

ĐC2: 77 bò sinh sản bình thường và 45 bò chậm sinh được cấy phôi sau khi động dục.

TN: 52 bò sinh sản bình thường và 75 bò chậm sinh được CTP kết hợp TTNT sau khi động dục.

Nhóm bò nhận phôi được khám buồng trứng xác định sự hiện diện của thể vàng vào ngày thứ 6 sau động dục (01 ngày trước khi cấy phôi).

  1. Kết quả chính:

Kết quả cho thấy phối hợp thụ tinh nhân tạo và cấy truyền phôi giúp làm tăng tỷ lệ đậu thai so với TTNT hoặc CTP riêng lẻ, đặc biệt ở nhóm bò chậm sinh. Kết quả đánh giá tỷ lệ sống giữa các nhóm bê sinh ra từ nhóm bò chậm sinh hay bò sinh sản bình thường cho thấy bê sinh ra từ cấy truyền phôi kết hợp thụ tinh nhân tạo có tỷ lệ sống (87,8-94,4%) tương đương với bê sinh ra nhóm CTP (78,6-93,8%) và TTNT (80,0-92,7%). Để đánh giá khả năng sinh trưởng giữa các nhóm bê, theo dõi khối lượng trung bình của nhóm bê từ sơ sinh đến 3 tháng tuổi. Kết quả thu được, sau 3 tháng nhóm bê sinh ra từ cấy truyền phôi có khối lượng cao nhất trong 3 nhóm.

  1. Kết luận:

Phối hợp TTNT với CTP giúp làm tăng tỷ lệ đậu thai so với TTNT hoặc CTP riêng lẻ, đặc biệt ở nhóm bò chậm sinh (60,0 so với 20,0% và 42,2%).

Bê con sinh ra từ CTP có sức sống tương đương với bê sinh do TTNT. Tỷ lệ sống của bê sơ sinh giao động 78,6-94,4%.

Khả năng sinh trưởng của bê sinh ra từ CTP sử dụng phôi bò TTON sản xuất từ phòng TN không có sự khác biệt so với bê sinh ra từ TTNT. Bê sinh ra từ CTP có khả năng sinh trưởng cao nhất ở 3 tháng tuổi.

One thought on “NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC BỔ SUNG HỖN HỢP VI LƯỢNG, THẢO DƯỢC, MEN VI SINH VÀ ĐẠM THỦY PHÂN ĐẾN CHẤT LƯỢNG TINH LỢN MÓNG CÁI, DUROC

  1. Hoàng văn hung says:

    Dạ em muốn mua sản phẩm thì mua sao ạ, em cảm.ơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *