THIẾT LẬP PHƯƠNG PHÁP ELISA CHẨN ĐOÁN BỆNH SÁN DÂY DO ECHINOCOCCUS SPP. GÂY RA TRÊN LINH TRƯỞNG

THIẾT LẬP PHƯƠNG  PHÁP ELISA CHẨN ĐOÁN BỆNH SÁN DÂY DO ECHINOCOCCUS SPP. GÂY RA TRÊN LINH TRƯỞNG

Nguyễn Thị Nhiên, Bùi Trần Anh Đào, Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Thị Hồng  Chiên,

Lê Thị Lan Anh, Vũ Hoài Nam, Bùi Thị Huyền Thương, Bùi Khánh Linh

Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tính cấp thiết

Bệnh do sán dây Echinococcus gây ra là bệnh một bệnh truyền lây nguy hiểm, có thể phát triển trong cơ thể nhiều năm mà không có biểu hiện điển hình. Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC) thuộc vườn quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình, cũng phát hiện sự tồn tại của sán dây Echinococcus với tỷ lệ nhiễm rất cao, đặc biệt là ở 2 loài voọc và chà vá với tỷ lệ nhiễm nang sán đến 75%.

Với tỷ lệ nhiễm cao gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ linh trưởng nói riêng và cộng đồng nói chung, cần phải có công cụ chẩn đoán có độ nhạy, độ chính xác cao và đi cùng đó là có khả năng phát hiện bệnh sớm để có những biện pháp điều trị kịp thời, cũng như giảm thiểu tối đa nguy cơ truyền lây.

Mục đích

– Tình hình mắc bệnh nang sán Echinococcus trên linh trưởng tại Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC), vườn quốc gia Cúc Phương.

– Thiết lập phương pháp ELISA với mục tiêu chẩn đoán sớm bệnh.

Phương pháp nghiên cứu

Thiết lập phương pháp ELISA gián tiếp: Nồng độ pha loãng kháng nguyên và kháng thể thích hợp được thực hiện theo phương pháp của Bruno Gottstein và đọc kết quả ở bước sóng 450nm/630nm.

Mổ khám phi toàn diện: Những cá thể vọoc đã chết được tiến hành mổ khám phi toàn diện theo phương pháp của K.I.Skrjabin (1928). Những nang sán được rửa sạch trong nước muối sinh lý và ghi nhãn, mang về phòng thí nghiệm để tiến hành thu kháng nguyên.

Xử lý số liệu: Phân tích đường cong ROC (receiver operating characteristic curve), độ nhạy, độ đặc hiệu của phản ứng sử dụng phần mềm Graphpad Prism 9.0.

Kết quả chính

8 cá thể linh trưởng có hình thành nang ở các cơ quan khác nhau trong cơ thể, trong đó có 4 cá thể phát hiện thấy nang ở vùng ngực, và các cá thể còn lại phát hiện thấy chủ yếu ở vùng thận, trong đó giá trị OD cao nhất ghi nhận được là 0,83 của cá thể ký hiệu 7-45. Cá thể này đã chết ở trung tâm, qua quá trình mổ khám đã phát hiện thấy nang sán Echinococcus ở trong nội tạng. Phân tích ROC ở hình 1b cho thấy, với giá trị cut off là 0,25; độ nhạy của phản ứng là 100%, tương ứng với việc tất cả các cá thể phát hiện thấy nang đều cho kết quả ELISA dương tính. Độ đặc hiệu tương ứng là 91,67 %. So sánh kết quả xét nghiệm thu được khi sử dụng phương pháp ELISA và phương pháp mổ khám, với giá trị cut-off = 0,24. Kết quả bảng confusion matrix cho thấy có 1 trường hợp dương tính giả (tương ứng tỷ lệ 12,5%).

Kết luận

Việc sử dụng giá trị ngưỡng OD là 0,25 đã xác định được độ nhạy và độ đặc hiệu tương ứng của phản ứng là 100% (khi sử dụng mẫu huyết thanh từ 8 cá thể vọoc phát hiện thấy nang sán bằng siêu âm) và 91,67% (khi sử dụng mẫu huyết thanh từ 12 cá thể vọoc không phát hiện thấy nang sán bằng siêu âm). Phương pháp ELISA được thiết lập có thể đóng vai trò như biện pháp sàng lọc ban đầu, giúp quá trình chẩn đoán bệnh chính xác hơn.

Từ khoá: Echinococcus, linh trưởng, ELISA, độ nhạy, độ đặc hiệu.

Bản đầy đủ của nghiên cứu được đăng trên tạp chí Khoa học kỹ thuật thú y tập XXIX số 2 – 2022.

Link bài báo: http://tapchi.hoithuyvietnam.org.vn/tap-chi/elisa-chan-doan-benh-do-echinococcus-spp-gay-ra-tren-linh-truong.htm

Ảnh minh hoạ

Hình 1. Kết quả giá trị OD của 20 mẫu huyết thanh và phân tích ROC

(a) Kết quả giá trị OD của 20 mẫu huyết thanh, đường đỏ thể hiện giá trị cut-off là 0,25; A là nhóm các cá thể cho kết quả dương tính bằng phương pháp siêu âm, B là nhóm các cá thể cho kết quả âm tính. (b) Mối tương quan giữa độ nhạy và độ đặc hiệu của ELISA sử dụng phân tích ROC. Mũi tên thể hiện điểm tương ứng với giá trị độ nhạy là 100%; độ đặc hiệu 91,67%; giá trị cut-off là 0,25.