Nghiên cứu khảo sát về ảnh hưởng của quá trình sao dược liệu đến tác dụng kháng khuẩn của củ nghệ

 

Nghiên cứu khảo sát về ảnh hưởng của quá trình sao dược liệu đến tác dụng kháng khuẩn của củ nghệ

Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Hà

Link đầy đủ của nghiên cứu đã xuất bản: https://www.mdpi.com/1420-3049/28/21/7242:

Trong y học cổ truyền Việt Nam, củ nghệ (Cucuma longa rhizomes) là một loại thuốc thảo dược được ứng dụng rất rộng rãi. Quá trình bào chế đông y với dược liệu này không chỉ là làm khô, mà còn cả các phương thức dân gian như đồ trước khi phơi, hay sao sau khi phơi (Đỗ Tất Lợi., 2015; Dược điển Việt Nam., 2019). Trong khi phương pháp đồ trước khi phơi thường được coi là có ưu điểm để duy trì màu sắc và mùi vị tự nhiên cho củ nghệ; thì phương pháp sao được cho là sẽ giúp tăng cường thêm độ đậm và hương thơm đặc trưng của dược liệu này. Bên cạnh đó, một số tài liệu truyền thống mô tả việc lựa chọn xử lý nguyên liệu theo cách thức nào còn tùy theo tác dụng dược lý mà dược liệu hướng đến, theo đó phương háp sao được cho là phù hợp hơn khi dược liệu định áp dụng trên hệ tuần hoàn, chẳng hạn như bổ máu, hoạt huyết hay duy trì cân bằng huyết áp. Với các thảo dược, quá trình sao dược liệu đã được các nhà nghiên cứu khẳng định là có thể làm thay đổi thành phần hoạt chất, và theo đó ảnh hưởng đến tác dụng dược lý. Với trường hợp của nghệ, đã có một số các khảo sát về sự thay đổi của nguyên liệu khi bào chế bằng nhiệt độ cao, trong đó bao gồm cả phương thức sao, lên những yếu tố như: thành phần hoạt chất, hàm lượng curcuminoids tổng sổ, hoạt tính chống oxi hóa và tác dụng dược lý, bao gồm tác dụng chống ung thư và kháng viêm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng ảnh hưởng của việc xử lý nhiệt lên hiệu lực của mỗi ứng dụng dược lý là khác nhau chứ không giống nhau. Ví dụ, trong khi Sun và cộng sự (2019) ghi nhận rằng việc xử lý nhiệt gây giảm tác dụng bảo vệ hệ thần kinh của nghệ, thì một số nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng quá trình này làm tăng cường tác dụng chống ung thư và kháng viêm của curcumin. Những kết quả này chỉ ra rằng việc khảo sát ảnh hướng của quá trình bào chế củ nghệ bằng nhiệt cần được khảo sát riêng rẽ cho từng ứng dụng dược lý. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có bất cứ nghiên cứu nào đánh giá ảnh hưởng của quá trình sao dược liệu đến khả năng ức chế vi khuẩn của củ nghệ, trong khi đây cũng là một trong những ứng dụng phổ biến của cây thuốc này và dữ liệu thử nghiệm của chúng tôi cũng cho thấy nghệ có tác dụng ưu việt trên vi khuẩn. Vì vậy, chúng tôi đã tiến hành khảo sát kỹ hơn về ảnh hưởng của phương pháp sao lên khả năng kháng khuẩn của nghệ. Bên cạnh đó, do 3 loại curcuminoids, bao gồm: bisdemethoxycurcumin, demethoxycurcumin và curcumin, thường được coi là các thành phần quan trọng tạo ra dược tính của củ nghệ, nên chúng tôi cũng đã tiến hành khảo sát ảnh hưởng của việc xử lý nhiệt lên hàm lượng của các chất này, nhằm đánh giá xem sự thay đổi trong nồng độ của chúng có mối tương quan như thế nào với sự thay đổi về khả năng kháng khuẩn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiến hành đo các giá trị như polyphenol tổng số và hoạt tính chống oxi hóa, do đây là các yếu tố thường được cho là có liên quan đến dược tính của nghệ.

Các kết quả nghiên cứu của chúng tôi khẳng định trong khi quá trình sao thô dược liệu với nhiệt độ thấp không tạo ra bất cứ ảnh hưởng tiêu cực nào lên tác dụng kháng khuẩn của nghệ, thì quá trình sao cháy xém với nhiệt độ cao lại làm giảm rõ rệt khả năng ức chế vi khuẩn, và điều này được giải thích một phần là do sự phân giải của curcumin bởi nhiệt độ. Bên cạnh đó, quá trình cũng làm giảm các giá trị sinh học khác như hàm lượng polyphenol và hoạt tính chống oxi hóa, vốn được biết là là những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng dược lý của nguyên liệu nghệ. Vì thế, kết quả của chúng tôi chỉ ra rằng nếu cần sao, thì sao thô sẽ phù hợp hơn cho trường hợp của nghệ nếu dược liệu có định hướng ứng dụng cho điều trị nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, còn nhiều điều kiện sao khác trong y học truyền thống như sao với chất phụ gia (VD: nước gạo, rượu, dấm, vỏ sò…) và cũng nên được tập trung khảo sát trong các nghiên cứu hướng đến làm rõ vai trò vai trò của quá trình bào chế đông y với dược tính của cây thuốc, bao gồm cả củ nghệ.

Nguyên liệu nghệ được xử lý nhiệt theo nhiều cách truyền thống khác nhau, mô tả trong những tài liệu về y học dân gian của Trung Quốc (Wu et al., 2022), Ấn Độ (Dahmke et al., 2014) và Việt Nam (Đỗ Tất Lợi., 2015; Dược điển Việt Nam., 2019). Tuy nhiên, quy trình bào chế lại có nhiều điểm khác biệt tùy theo tứng quốc gia hay vùng miền (Đỗ Tất Lợi., 2015; Dược điển Việt Nam., 2019; Dahmke et al., 2014; Wu et al., 2022). Bên cạnh đó, mỗi quy trình xử lý lại thường đi gắn với hướng ứng dụng cụ thể nào đó, tức là cho một nhóm chức năng dược lý cụ thể trong y tế (Wu et al., 2022). Ví dụ, Dahmke và cộng sự (2014) ghi nhận rằng việc nấu curcumin cùng với dầu dừa hoặc dầu oliu, giống như cách mà người dân Ấn Độ vẫn thực hiện với nghệ, giúp làm tăng tác dụng kháng ung thư, bởi vị các chất được tạo ra do quá trình thủy phân của curcumin trong điều kiện có mặt những chất kéo cụ thể này lại có tác dụng kháng lại các khối u mạnh hơn so chính hoạt chất curcumin ban đầu. Wu và cộng sự (2022) khi khảo sát 5 phương phác bào chế truyền thống của nghệ, bao gồm rang không và rang với rượu, dấm, nước gạo và vỏ sò đen (mussel powder) đã nhận thấy những quá trình này tạo ra các ảnh hưởng không giống nhau lên sự có mặt và hàm lượng của nhóm curcuminoids. Mặc dù nghiên cứu đó chưa làm rõ điều đó có ảnh hưởng như thế nào đến từng dược tính cụ thể, nhưng đã phần nào lý giải tại sao mỗi phương pháp sao lại thường được thiết kế để phù hợp cho những ứng dụng dược lý cụ thể khác nhau (Wu et al., 2022). Điều thú vị là các nghiên cứu gần đây không chỉ áp dụng những phương pháp bào chế của y học cổ truyền, mà cón áp dụng nhưng phương pháp hiện đại như nổ bỏng, và nhận thấy rằng việc xử lý nhiệt theo cách này lại giúp tăng cả tác dụng chống viêm và hoạt tính chống oxi hóa của nghệ (Choi et al., 2019; Kim et al., 2020). Vì vậy, chúng tôi nhận thấy rằng để tối ưu hóa được dược tính của nghệ trên vi khuẩn thì cần thử nghiệm thêm với nhiều điều kiện sao khác nhau, bao gồm cả truyền thống và hiện đại, nhằm xác định được điều kiện sao tối ưu nhất cho ứng dụng này dược liệu.

Như vậy, nghiên cứu của chúng tôi đã lần đầu tiên thực hiện việc khảo sát ảnh hưởng của quá trình sao trong y học truyền thống đến khả năng kháng khuẩn của nghệ. Theo đó, việc sao thô hay vi sao với nhiệt độ thấp không gây ảnh hưởng đến tác dụng ức chế vi khuẩn, hàm lượng curcumin và những giá trị sinh học khác như polyphenol tổng số hay hoạt tính chống oxi hóa thì việc sao cháy xém với nhiệt độ cao lại làm giảm rõ rệt những chỉ tiêu này. Vì thế chúng tôi kết luận việc sao cháy xém là không phù hợp với nguyên liệu nghệ định dùng cho điều trị các bệnh cần tác dụng ức chế vi khuẩn. Tuy nhiên, cần có các nghiên cứu tiếp theo để làm rõ sự phân giải bởi nhiệt độ của curcumin sẽ tạo ra các chất gì mới và cơ chế tác dụng của những chất mới này trên vi khuẩn là sai khác như thế nào với curcumin. Đồng thời, ảnh hưởng của quá trình xử lý nhiệt lên các tác dụng dược lý khác của nghệ cũng cần phải được khảo sát trong tương lai để làm rõ vai trò của những quy trình bào chế đông y khác nhau trong các ứng dụng điều trị của dược liệu.

 

Tài liệu tham khảo:

 

  1. Choi, Y.; Ban, I.; Lee, H.; Baik, M.Y.; Kim, W. Puffing as a novel process to enhance the antioxidant and anti-inflammatory properties of Curcuma longa L. (Turmeric). Antioxidants 2019, 8, 506.
  2. Dahmke, I.N.; Boettcher, S.P.; Groh, M.; Mahlknecht, U. Cooking enhances curcumin anti-cancerogenic activity through pyrolytic formation of “deketene curcumin”. Food Chem. 2014, 151, 514–519.
  3. Đỗ Tất Lợi. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Tái bản lần thứ 12. Nhà xuất bản Y học. 2015.
  4. Dược Điển Việt Nam. Bộ Y tế. Nhà xuất bản Y học. Tái bản lần thứ 5. 2019.
  5. Kim, H.; Ban, I.; Choi, Y.; Yu, S.; Youn, S.J.; Baik, M.Y.; Lee, H.; Kim, W. Puffing of turmeric (Curcuma longa L.) enhances its anti-inflammatory effects by upregulating macrophage oxidative phosphorylation. Antioxidants 2020, 9, 931.
  6. Sun, J.L.; Ji, H.F.; Shen, L. Impact of cooking on the antioxidant activity of spice turmeric. Food Nutr. Res.201931, 63.
  7. Wu, J.N.; Tu, Q.K.; Xiang, X.L.; Shi, Q.X.; Chen, G.Y.; Dai, M.X.; Zhang, L.J.; Yang, M.; Song, C.W.; Huang, R.Z.; et al. Changes in curcuminoids between crude and processed turmeric based on UPLC-QTOF-MS/MS combining with multivariate statistical analysis. Chin. J. Anal. Chem. 2022, 50, 100108.