Tác giả: Nguyễn Thanh Hải, Atsushi Miyamoto, Hoàng Thanh Hảo, Vũ Thị Thu Trà, Pitchaya Pothinuch và Nguyễn Thị Thanh Hà.
Nghiên cứu của chúng tôi đã lần đầu tiên tiến hành khảo sát mối quan hệ giữa sự thay đổi trong hàm lượng hoạt chất chính mangiferin của lá xoài tại các giai đoạn phát triển khác nhau với khả năng ức chế vi khuẩn của dược liệu. Lá xoài thu thập được chia thành 6 giai đoạn phát triển khác nhau căn cứ theo màu sắc, bao gồm: (1) giai đoạn non màu đỏ nâu, (2) giai đoạn non màu vàng nhạt, (3) giai đoạn non màu xanh nhạt, (4) giai đoạn trưởng thành màu xanh, (5) giai đoạn già màu xanh đậm, và (6) giai đoạn già sắp rụng màu vàng úa. Dịch chiết bởi ethanol của các nguyên liệu này được thử nghiệm với vi khuẩn gram dương và gram âm, áp dụng 2 phương pháp là nước thịt pha loãng và đục giếng khuếch tán trên trạch. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đồng thời đánh giá sự thay đổi trong hàm lượng mangiferin, là hoạt chất chính của dược liệu xoài, tại những giai đoạn phát triển khác nhau nhau của nguyên liệu lá xoài nhằm tìm hiểu xem có mối tương quan nào giữa hàm lượng của hoạt chất này với mức độ kháng khuẩn của lá hay không. Kết quả cho thấy lá xoài tại các giai đoạn non có khả năng kháng khuẩn mạnh hơn so với giai đoạn già, được chứng minh bằng kết quả về nồng độ ức chế vi khuẩn tối thiểu thấp hơn và đường kính vòng vô khuẩn lớn hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đồng thời nhận thấy hàm lượng mangiferin có sự giảm đi đáng kể theo mức độ trưởng thành của nguyên liệu. Các kết quả này khẳng định sự ưu việt của lá xoài tại những giai đoạn còn non khi được ứng dụng vào việc điều trị nhiễm khuẩn hay các tác dụng dược lý có liên quan đến hàm lượng mangiferin trong cây.
Link bài báo khoa học: https://www.mdpi.com/1420-3049/29/7/1443