Nâng cao khả năng phát hiện vi rút gây hội chứng hô hấp và sinh sản ở lợn (PRRS) trong các mô đúc paraffine bằng phương pháp cách lai tại chỗ sử dụng yếu tố khuyếch đại tyramide (TISH)

Giới thiệu: Bệnh tai xanh là một trong những bệnh truyền nhiễm có tính chất lây lan nhanh và mạnh, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Vì vậy, việc chẩn đoán nhanh, chính xác, chi phí thấp có ý nghĩa quan trọng trong công tác giám sát dịch bệnh giúp cho việc kiểm soát cũng như loại trừ dịch bệnh được hiệu quả. Để chẩn đoán vi rút gây bệnh PRRS hiện nay có rất nhiều phương pháp như PCR, ELISA thực hiện với mẫu mô hoặc mẫu dịch thể, phương pháp hóa mô miễn dịch, phương pháp lai cho phép thực hiện trên mô đúc trong paraffine. Mẫu mô đúc trong paraffine cho phép bảo quản mẫu trong thời gian dài, ở điều kiện bình thường, dễ dàng vận chuyển mà không có nguy cơ phát tán mầm bệnh. Đồng thời mẫu mô đúc parafin giúp chúng ta có thể quan sát được cả biến đổi bệnh lý trong mô bào. Tuy nhiên, độ nhạy của phương pháp hóa mô miễn dịch và phương pháp lai truyền thống khá thấp do đó chúng tôi tiến hành nghiên cứu phương pháp lai có sử dụng yếu tố khuyếch đại Tyramide để tăng cường độ nhạy của phương pháp. Đồng thời với mô đúc trong paraffine, thời gian và hóa chất xử lý mẫu có hảnh hưởng rất lớn đến kết quả chẩn đoán, vì vậy chúng tôi cũng tiến hành nghiên cứu để lựa chọn thời gian và hóa chất ngâm xử lý mẫu phù hợp.

Mục đích nghiên cứu: Nghiên cứu này đánh giá độ nhạy của phương pháp lai tại chỗ dựa trên biotinyl-tyramide (TISH) bằng cách so sánh với phương pháp lai truyền thống (CISH) và phương pháp nhuộm hóa mô miễn dịch (IHC). Nghiên cứu này cũng xác định ảnh hưởng của thời gian và hóa chất cố định đối với việc phát hiện vi rút PRRSV trong các mô đúc paraffin.

Phương pháp nghiên cứu: Mẫu phổi được thu thập từ 30 con lợn trong tự nhiên có biểu hiện rối loạn hô hấp. Phổi được cố định trong 2 loại hóa chất là 4% paraformaldehyde (PFA) và 10% formalin với các thời gian cố định là 1, 7, 14, 21, 28, 60, và 90 ngày. Sau thời gian cố định trên mẫu phổi được lấy ra và tiến hành đúc trong paraffine. PRRS vi rút trong mẫu mô phổi đúc trong paraffin được tiến hành xác định bằng 4 phương pháp nested RT-PCR, hóa mô miễn dịch (IHC), phương pháp lai truyền thống (CISH) và phương pháp lai có sử dụng tyramide (TISH).

Kết quả: Trong số 30 mẫu phổi nhúng parafin, được cố định trong 1 ngày trong 4% PFA hoặc 10% formalin, 18 (60%) dương tính với PRRSV bằng phản ứng nested RT-PCR. Tất cả 18 mẫu phổi đó  (100%) cũng dương tính với PRRSV bằng TISH, nhưng chỉ 10 trong số 18 mẫu này (56%) dương tính với PRRSV bằng IHC và CISH. Chúng tôi đã chứng minh rằng TISH có thể phát hiện PRRSV RNA trong các mô ngâm trong dung dịch 4% PFA hoặc 10% formalin tối đa 90 ngày, các mẫu mô phổi ngâm quá thời gian trên chúng tôi không phát hiện được RNA của vi rút. Các axit nucleic và kháng nguyên của PRRSV được bảo quản tốt hơn trong 4% PFA so với 10% fomalin.

Kết luận: So với các phương pháp CISH và IHC, TISH có độ nhạy cao hơn trong việc phát hiện PRRSV ở mô đúc parafin. Nên sử dụng 4% PFA và thời gian ngâm xử lý mô không nên quá 14 ngày giúp ổn định RNA của vi rút và giảm hiệu ứng nền.

Nguyễn Thị Trang, Hirai Takuya, Phạm Hồng Ngân, Nguyễn Thị Lan, Naoyuki Fuke, Toyama Keiko, Yamamoto Tsukasa , Yamaguchi Ryori.

Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Khoa Nông nghiệp, Đại học Miyazaki, Nhật Bản

 

Từ khóa: In situ hybridization; Porcine reproductive and respiratory syndrome virus; lung

Đường link bài báo: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25855364/ư