Giới thiệu: Chim Trĩ là loài chim quý hiếm, có 51 loài được tìm thấy trên thế giới với nhiều hình dáng và kích thước khác nhau, 2 trong số 51 loài đã nằm trên bờ vực tuyệt chủng và được ghi tên vào sách đỏ cần được bảo vệ do quan sát nhận thấy mức độ nghiêm trọng về việc khai thác trong tự nhiên quá mức và khu vực sống bị chia cắt nghiêm trọng (Sách Đỏ Việt Nam, 2007). Tuy nhiên cho đến nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, chim Trĩ đã được thuần hóa và nhân nuôi ở các trang trại. Có nhiều giống chim trĩ đang được nuôi trong các trang trại và nông hộ như Trĩ Bảy màu, Trĩ Xanh, Trĩ Đỏ khoang cổ… để làm cảnh và làm thực phẩm và đã có một số công trình nghiên cứu được công bố tại Việt Nam về đặc tính sinh trưởng và sinh sản của chim Trĩ đỏ trong điều kiện nuôi nhốt (Hoàng Thanh Hải và cs 2011, Mai Danh Luân và cs 2013, 2017, Nguyễn Trần Trung và cs 2017) thậm chí Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xuất bản giáo trình về nghề chăn nuôi chim Trĩ đỏ (2014). Số lượng chim Trĩ tăng nhanh đã giúp xóa bỏ một số loài có tên trong sách đỏ, đưa chim Trĩ vào thành một ngành hàng chăn nuôi gia cầm. Cho đến nay, chưa có các số liệu thống kê chính thức về số trang trại và quy mô chăn nuôi chim Trĩ trên các địa bàn cả nước, sơ bộ thì các trang trại có quy mô vài nghìn con (trung bình) tập trung chủ yếu ở miền Nam, trong khi đó, tại các miền Bắc và địa bàn thành phố Hà Nội có rất ít các trang trại chăn nuôi chim Trĩ quy mô lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do tập tính sinh sản theo mùa của chim Trĩ với thời gian sinh sản ngắn, các chỉ tiêu sinh sản thấp (theo Hoàng Thanh Hải và cs 2011, Mai Danh Luân và cs 2013, 2017, Nguyễn Trần Trung và cs 2017, số lượng trứng bình quân cho 1 lứa đẻ của chim trĩ thế hệ thứ 3 là 125 quả/mái, tỷ lệ đẻ giao động từ 29,03 – 59% rải rác trong 8 tháng, tiêu tốn thức ăn/10 trứng trung bình đạt 3,07 kg, chim đa phần đẻ cách nhật). Phương thức nhân giống vẫn là áp dụng theo quy trình truyền thống: tỷ lệ trống/mái trong chăn nuôi chim trĩ sinh sản khá cao (1 trống kiêm 2 đến 4 mái) nhưng khả năng giao phối, sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt làm tỷ lệ trứng có phôi và khả năng ấp nở thấp (50 – 70%). Để khắc phục điều này, một số trang trại phân nhỏ khu nuôi nhốt ra để nuôi thành từng bộ 1 trống với 3 hoặc 4 mái, điều này đã làm tăng tỷ lệ trứng có phôi lên (khoảng trên 90%) nhưng lại làm gia tăng chi phí đầu tư cơ bản khá nhiều. Những thực trạng trên là nguyên nhân thiếu hụt nguồn giống chim Trĩ cung cấp cho nhu cầu của thị trường.
Ngày nay, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo gia súc, gia cầm đã được nghiên cứu và áp dụng rộng rãi trên thế giới cũng như ở Việt Nam đem lại hiệu quả nhân giống cao. Trên thế giới, việc nghiên cứu thụ tinh nhân tạo chim Trĩ đã được thực hiện từ những năm 1950-60 của Marchlewski và cs 1950, Shaklee và cs 1954, Maru và cs 1966 cho đến gần đây có công bố của Mantovani và cs 1993, Durrant và cs 1995, Marzoni và cs 2000, 2003, Zhang và cs 2006, Immler và cs 2007, Santiago-Moreno và cs 2016, Mohan và cs 2018, Liao và cs 2019, có cả những nghiên cứu ứng dụng thụ tinh nhân tạo để lai xa tạo con lai giữa chim Trĩ với một số loài gia cầm khác như của Marchlewski và cs 1950, Shaklee và cs 1954, Watanabe và cs 1963. Đặc biệt, có nhiều nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật đông lạnh tinh chim Trĩ phục vụ nhân giống và bảo tồn các loài chim Trĩ quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng (Saint Jalme và cs 2003, Gee và cs 2004, Herrera và cs 2005, Iaffaldano và cs 2013). Tuy nhiên, đối với chim Trĩ kỹ thuật này vẫn chưa được nhiều người biết đến vì loài chim này vẫn đang trong giai đoạn nhân đàn và cũng chưa có nhiều công bố trong nước về thụ tinh nhân tạo, lai xa và đông lạnh tinh chim Trĩ. Do đó, cần phải áp dụng kỹ thuật này để số lượng cá thể chim Trĩ được tăng lên nhanh chóng và đưa vào sản xuất giúp đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Môi trường bảo quản tinh là yếu tố cốt lõi đảm bảo sự thành công của thụ tinh nhân tạo ở gia cầm và các loài chim (Sexton và cs 1988, Marzoni và cs 2003), chúng là những dung dịch muối đệm được sử dụng để duy trì khả năng tồn tại của tinh trùng trong điều kiện in vitro và tăng nhiều nhất có thể số lượng con mái có thể được thụ tinh. Việc pha loãng tinh là rất quan trọng vì tinh của gia cầm và các loài chim có độ nhớt và mật độ tinh trùng rất cao, khoảng 6 đến 12 tỷ tinh trùng/ml. Các công thức pha môi trường pha loãng tinh được dựa trên thành phần hóa học của tinh dịch gà và gà tây (Lake, 1995). Axit glutamic là thành phần anion quan trọng nhất của tinh dịch gia cầm nên đã trở thành thành phần chính của môi trường pha loãng (Lake và cs, 1959). Đã có nhiều loại môi trường pha loãng tinh gia cầm được công bố và thương mại hóa trên thế giới. Trong nghiên cứu này, sử dụng môi trường BPSE (Bellvile Poultry Semen Extender) theo công thức được công bố bởi Sexton và cs, 1988 để thử nghiệm hiệu quả bảo quản tinh và thụ tinh nhân tạo chim Trĩ đỏ.
Mục đích nghiên cứu: Nghiên cứu nhằm đánh giá chất lượng tinh của chim Trĩ đỏ nuôi lồng và thử nghiệm hiệu quả thụ tinh nhân tạo bằng sử dụng tinh pha trong môi trường bảo quản ở 10oC.
Phương pháp nghiên cứu: Ba thí nghiệm được thực hiện gồm Thí nghiệm 1: Đánh giá chất lượng tinh chim Trĩ đỏ nuôi lồng. Thí nghiệm 2: Đánh giá chất lượng tinh chim Trĩ pha loãng trong môi trường BPSE và bảo quản ở 10oC. Thí nghiệm 3: Xác định hiệu quả phối tinh nhân tạo chim Trĩ sử dụng tinh pha loãng trong môi trường BPSE. Sáu chim Trĩ trống (10 đến 14 tháng tuổi) nuôi lồng được khai thác tinh 2 ngày 1 lần lặp lại 6 lần để đánh giá các chỉ tiêu chất lượng tinh nguyên và tinh được pha trong môi trường PBSE theo tỷ lệ 1:1 và bảo quản ở 10oC sau 24 và 48 giờ. 30 chim mái (10-14 tháng tuổi) được phối tinh nhân tạo bằng tinh pha trong môi trường BPSE theo tỷ lệ 1 : 1, thể tích liều tinh 0,05 ml, phối tinh 3 ngày 1 lần vào buổi chiều.
Kết quả nghiên cứu và kết luận: Kết quả cho thấy (i) các chỉ tiêu chất lượng tinh nguyên của chim Trĩ đỏ nuôi lồng: lượng xuất tinh trung bình 0,23 ml, hoạt lực tinh trùng trung bình 0,82 điểm, nồng độ tinh trùng trung bình 4,47 tỷ tinh trùng/ml, tỷ lệ tinh trùng kỳ hình trung bình 14,56 %; (ii) hoạt lực tinh trùng trung bình sau 24 và 48 giờ bảo quản tương ứng 0,68 và 0,53 điểm so với 0,77 điểm của tinh nguyên, tỷ lệ tinh trùng kỳ hình trung bình tương ứng 10,67 và 14,33% so với 9,58% của tinh nguyên và (iii) hiệu quả thụ tinh nhân tạo bằng tinh pha trong môi trường BPSE đạt tỷ lệ trứng có phôi 85,5%, tỷ lệ trứng nở / trứng có phôi 83,33%.
Hình ảnh chim Trĩ trống nuôi lồng để khai thác tinh
Hình ảnh chim Trĩ mái sinh sản nuôi lồng
Hình ảnh khai thác tinh chim Trĩ do các sinh viên và học sinh nghiên cứu khoa học thực hiện
Hình ảnh thụ tinh nhân tạo chim Trĩ
Ngô Thành Trung
Bộ môn Ngoại sản