Đánh giá thực trạng vệ sinh tiêu độc tại một số cơ sở chăn nuôi lợn quy mô nông hộ trong vùng dịch tả lợn châu Phi, thuộc miền Bắc Việt Nam

Tính cấp thiết:

Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) do virus DTLCP (African swine fever virus – ASFV) được coi là mối nguy lớn đe dọa ngành chăn nuôi lợn, và trở thành thách thức với các nhà khoa học khi chưa tìm ra vacxin thương mại để phòng bệnh cho lợn dù bệnh đã tồn tại gần 100 năm qua.

ASFV có cấu trúc kiểu gen phức tạp cũng như khả năng đề kháng cao trong môi trường khiến cho dịch bệnh có khả năng lây lan rộng và khó kiểm soát.

Các báo cáo về DTLCP đã được ghi nhận từ nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tại nước ta, kể từ khi được công bố lần đầu vào ngày 19/2/2019 đến ngày 27/02/2019, bệnh đã được phát hiện tại 96 hộ chăn nuôi thuộc 6 tỉnh và thành phố trên cả nước. Riêng trong năm 2020 đã có 1.589 ổ dịch xảy ra trên cả nước, với tổng số lợn tiêu hủy là 85.525 con, với tổng trọng lượng khoảng 4.276 tấn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Hiện nay, công cụ chính trong việc phòng và khống chế DTLCP là áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh theo khuyến cáo từ Chính phủ và các Tổ chức Quốc tế. Một trong những biện pháp hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh là đảm bảo vệ sinh tiêu độc bằng các chất sát trùng.

Mục đích nghiên cứu:

Đánh giá thực trạng vệ sinh tiêu độc tại các nông hộ chăn nuôi lợn trong vùng có DTLCP thuộc 4 tỉnh: Thái Bình, Hà Nội, Thanh Hóa và Nghệ An.

Phương pháp nghiên cứu:

Phương pháp phỏng vấn trực tiếp theo bảng câu hỏi được thiết kế sẵn.
         Phương pháp phân tầng trong lựa chọn các hộ chăn nuôi: Chọn 4 trong 25 tỉnh/thành thuộc miền Bắc Việt Nam, sau đó sử dụng phương pháp phân nhóm để lựa chọn số huyện-xã-hộ nghiên cứu.

Phương pháp thu thập mẫu: (1) Thu thập mẫu lợn bệnh (máu toàn phần, huyết thanh, mẫu swab hầu-họng); và mẫu môi trường (mẫu thức ăn, nước uống, nước thải, mẫu swab từ nền-tường-trần-máng ăn uống, phương tiện bảo hộ, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển).

Phương pháp PCR dùng để xác định các mẫu dương tính với DTLCP.

Kết quả:

Kết quả điều tra cho thấy các hộ chăn nuôi sử dụng các loại hoá chất sát trùng phù hợp với khuyến cáo của Bộ NN&PTNT. Tất cả các hộ chăn nuôi (100%) không đạt Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) về quản lý chất lượng nước dùng trong chăn nuôi. Hầu hết các hộ chănnuôi (75,83%) đều không đạt QCVN về xử lý thức ăn thừa. Tất cả các hộ chăn nuôi sử dụng kết hợp rắc vôi bột và phun sát trùng môi trường chuồng nuôi. 100% các hộ đạt QCVN về sát trùng phương tiện vận chuyển và dụng cụ bảo hộ lao động. 10,83% số hộ khảo sát không đạt QCVN về sát trùng tiêu độc đối với người trực tiếp tham gia chăn nuôi.

Kết luận:

Hầu hết hộ chăn nuôi quy mô nông hộ sử dụng 3 loại thuốc sát trùng phổ biến (Virkon S, Iodine, Chloramine), sử dụng thức ăn thừa làm thức ăn cho cá với tỉ lệ 66,67-83,33%; sử dụng nước giếng khoan là nguồn nước chính. Các hộ chăn nuôi đều sử dụng kết hợp hai phương pháp là rắc vôi bột và phun thuốc sát trùng để sát trùng môi trường chuồng nuôi. 100% phương tiện vận chuyển và quần áo bảo hộ đã được sát trùng hoàn toàn. Tỷ lệ sát trùng trên người chăn nuôi đạt 76,67-96,67%. Kết quả điều tra cho thấy vẫn còn nhiều bất cập trong công tác tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, sẽ trở thành nguy cơ rất lớn gây ra sự lây lan trên diện rộng của bệnh DTLCP.

Bộ môn Giải phẫu-Tổ chức-Phôi thai, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp VN

Nguồn: Tạp chí Khoa học Kĩ thuật Thú y. Tập 28 số 7 (2021). Phát hành ngày 21/06/2022.