Chết lưu ở lợn đang âm thầm gây thiệt hại to tớn cho ngành chăn nuôi ở Việt Nam

Giới thiệu: Trong vài thập kỉ trở lại đây, năng suất sinh sản của lợn nái có sự cải thiện vượt bậc nhờ vào tiến bộ trong kĩ thuật chọn giống, thức ăn và quản lí. Chính vì vậy, số lợn con cai sữa/nái/năm đã đạt 30 và trong tương lai, con số này được kì vọng sẽ tăng lên thành 40 lợn con cai sữa/nái/năm. Tuy nhiên, số con sinh ra/ổ tăng lên làm tăng tỉ lệ chết lưu với tỉ lệ biến động từ 5-10%. Với 3-4 triệu lợn nái được nuôi tại Việt Nam, hàng năm số lợn con chết lưu có thể lên tới hàng triệu con, gây ra thiệt hại về kinh tế vô cùng to lớn đối với người chăn nuôi lợn nói riêng và ngành chăn nuôi lợn nói chung.

Mục đích:  Nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm hiểu sự ảnh hưởng của một số yếu tố đối với chết lưu ở trên lợn, trên cơ sở đó đề ra các biện pháp kĩ thuật nhằm làm giảm tỉ lệ chết lưu trên lợn.

Phương pháp nghiên cứu: Từ năm 2018 đến năm 2020, nghiên cứu được thực hiện trên 8 trang trại lợn ở 5 tỉnh miền Bắc Việt Nam, sử dụng thông tin theo dõi trực tiếp từ 451 lợn nái Landrace x Yorkshire và 6364 lợn con sinh ra từ những lợn nái này. Các thông tin được theo dõi bao gồm lứa đẻ, thời gian mang thai, số con sơ sinh/ổ, thứ tự sinh, khoảng cách sinh, thời gian sinh, khối lượng sơ sinh, chiều dài sơ sinh, giới tính của lợn con và sự sử dụng oxytocin trong quá trình đẻ. Mô hình hỗn hợp tuyến tính tổng quát (GLMM) được dùng để tìm hiểu sự ảnh hưởng của các yếu tố nghiên cứu đối với chết lưu ở lợn.

Kết quả: Kết quả cho thấy 8.0% lợn con sinh ra bị chết lưu và 53,9% số đàn lợn có ít nhất một lợn con bị chết lưu. Lợn con sinh ra từ lợn mẹ có thai kì  nhỏ hơn 114 ngày, lợn con nhỏ hơn 1kg, ngắn hơn 25cm, có thứ tự sinh từ 6 trở lên, có khoảng cách sinh lớn hơn 60 phút, thời gian sinh lớn hơn 270 phút có nguy cơ chết lưu cao hơn những lợn con khác. Sử dụng oxytocin trong quá trình đẻ không làm ảnh hưởng tới tỉ lệ chết lưu của lợn con bởi việc sử dụng oxytocin đối với các lợn trong nghiên cứu này thường được thực hiện khi đã có khoảng một nửa ổ đã được đẻ.

Kết luận: Nghiên cứu này cho thấy chết lưu rất phổ biến ở lợn, đã và đang gây ra thiệt hại cực kì to lớn cho ngành chăn nuôi lợn ở Việt Nam. Từ kết quả của nghiên cứu này, một số biện pháp kỹ thuật được gợi ý sử dụng nhằm làm giảm tỉ lệ chết lưu trên lợn bao gồm: tăng khối lượng lợn con sơ sinh; theo dõi lợn nái trong toàn bộ quá trình đẻ để kịp thời đỡ đẻ, đặc biệt ở nửa sau của ổ đẻ; không gây đẻ đồng loạt sớm hơn ngày 114 của thai kì; chỉ nên sử dụng oxytocin để kích đẻ trong trường hợp cần thiết (sau khi đẻ 6-7 con, khi tử cung lợn mẹ co bóp yếu, thời gian đẻ kéo dài, trước khi sử dụng oxytocin phải đảm bảo không có thai mắc kẹt trong cổ tử cung, âm đạo).

                                                                                                       

                                                                                                                                 Lợn nái và lợn con nghiên cứu

                                                                       

Lợn con bị chết lưu. Khoảng 70-75% lợn chết lưu  trong quá trình đẻ (chết ngạt) 10-15% chết trước khi quá trình đẻ bắt đầu và 10-15% chết ngay sau khi đẻ (postpartum stillbirth/postpartum death)

Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Đức Trường

Bộ môn Ngoại sản, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Email: hoainam26061982@yahoo.com. ĐT: 0348899803