Tính cấp thiết: Duck circovirus (DuCV) được báo cáo lần đầu tiên trên đàn vịt 6 tuần tuổi tại Đức năm 2003. Virus sau đó được báo cáo tại một số quốc gia khác như Mỹ, Hungary, Hàn Quốc, Ba Lan, Đài Loan, và Trung Quốc. Vịt nhiễm DuCV có biểu hiện rối loạn tạo lông và còi cọc. DuCV tấn công và phá hủy hệ thống miễn dịch, từ đó vịt dễ bị nhiễm các loại mầm bệnh khác. Ở Việt Nam, DuCV được xác định trên vịt ở một số tỉnh phía Nam và ở Bắc Giang. Theo đó, nhóm tác giả đã xác định sự có mặt của DuCV trong các ca vịt mắc bệnh bại huyết ở Bến Tre, Tiền Giang, và Bình Dương với tỷ lệ dương tính theo trại và theo mẫu lần lượt là 10,81% và 6,58%.
Mục đích nghiên cứu: nghiên cứu này nhằm xác định được sự có mặt và bước đầu nghiên cứu đặc điểm sinh học phân tử của DuCV ở vịt nuôi tại Hà Nội năm 2021.
Phương pháp nghiên cứu: tổng số 31 mẫu gộp phủ tạng gồm não, tim, phổi, gan, lách, thận, và túi Fabricius được thu thập từ 31 vịt từ 2 tới 7 tuần tuổi tại các Huyện Thường Tín, Ứng Hòa, và Phú Xuyên thuộc Hà Nội trong thời gian từ tháng 4 tới tháng 6 năm 2021. Tất cả các trang trại trong nghiên cứu này đều không sử dụng vắc-xin phòng bệnh gây ra do DuCV. Mẫu được thu thập từ vịt với các biểu hiện bệnh nghi do DuCV gây ra như còi cọc, chậm lớn so với các con khác trong đàn, ủ rũ, bỏ ăn, rụng lông vùng cổ. Phương pháp nhân gen polymerase chain reaction (PCR) và giải trình tự gen được sử dụng để xác định sự có mặt và đặc điểm sinh học phân tử của một số chủng DuCV.
Kết quả chính: Sự hiện diện của DuCV tại một số Huyện trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã được xác định bằng phản ứng PCR. Tỷ lệ dương tính tính chung cho cả 3 Huyện Phú Xuyên, Thường Tín, và Ứng Hòa là 70,97% (22/31). Tỷ lệ này biến thiên từ 66,67% tại Huyện Thường Tín tới 75% tại Huyện Ứng Hòa. 6 trên tổng số 7 (85,71%) trại tại khu vực Hà Nội trong nghiên cứu này đã được xác định dương tính với DuCV. Phân tích tỷ lệ dương tính với virus theo lứa tuổi cho thấy, tỷ lệ dương tính với DuCV trong nghiên cứu này ở các lứa tuổi < 3 và 4 – 5, và 6 – 7 tuần tuổi lần lượt là 100% (4/4) và 80% (16/20), và 28,57% (2/7). Ở mức trang trại, tỷ lệ dương tính theo lứa tuổi < 3, 4 – 5, và 6 – 7 tuần lần lượt là 100% (1/1), 100% (4/4), và 50% (1/2). Mối quan hệ di truyền được xây dựng dựa vào một phần gen ORF1 (457 bp) của 3 chủng DuCV lưu hành tại thành phố Hà Nội và so sánh với 51 chủng tham chiếu trên thế giới. Kết quả phân tích cây phả hệ cho thấy, cả 3 chủng DuCV xác định trong nghiên cứu này có mối quan hệ di truyền gần gũi cùng thuộc một phân nhánh. Các chủng DuCV trong nghiên cứu này có mối quan hệ di truyền với các chủng HZ170301, YF180401, và D11-JW-010 được xác định tại Trung Quốc (Hình 1).
Kết luận: Nghiên cứu này lần đầu tiên xác định sự hiện diện của DuCV tại Hà Nội. 3 chủng DuCV lưu hành tại Hà Nội có mức độ tương đồng cao (99,48% – 99,87%) và cùng thuộc một nhóm di truyền (genotype 1). Các chủng này có sự tương đồng cao (99,61%) với các chủng DuCV tại Trung Quốc.
Từ khóa: Genotype, Duck circovirus, Hà Nội, PCR, Vịt.
Đồng Văn Hiếu*, Trần Thị Hương Giang, Đồng Thị Hồng Nhung, Lê Văn Phan, Dương Văn Nhiệm, Lại Thị Lan Hương, Lê Huỳnh Thanh Phương, Nguyễn Thị Lan
Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Dạ em muốn mua sản phẩm thì mua sao ạ, em cảm.ơn