BƯỚC ĐẦU NGHIÊN CỨU TÁC DỤNG CỦA HỢP CHẤT BÁN TỔNG HỢP PYRETHROID ĐỐI VỚI CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA VE BÒ(Boophilus microplus) VÀ VE CHÓ (Rhipicephalus sanguineu )

Tính cấp thiết

Ve là một trong số ngoại ký sinh trùng gây ra tổn thất nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi.

Ve bám trên vật chủ hút máu làm cho gia súc gầy gò, giảm sức đề kháng, giảm chất lượng sản phẩm như giảm lượng sữa, chất lượng lông da. Đặc biệt ve còn là trung gian truyền nhiều bệnh nguy hiểm cho gia súc và người như bệnh kí sinh trùng đường máu Babesia sp, Theileria sp, Anaplasma spp, Rickettsia spp, vi khuẩn, virus… Ở nước ta, ve bò Boophilus microplus và ve chó Rhipicephalus sanguineus là hai loài rất phổ biến và gây tác hại lớn. Trong công tác phòng trị ve người ta đã đưa ra nhiều biện pháp và nhiều loại thuốc khác nhau nhằm diệt ve hiệu quả cao, tuy nhiên những thuốc có nguồn gốc hoá dược như Dipterex, DDT,… ngoài khả năng diệt ve cao thì nó lại gây hiện tượng quen thuốc, kháng thuốc. Điều đặc biệt nguy hiểm hơn, các loại hóa chất này tích lũy trong cơ thể gia súc và trong sản phẩm động vật gây hại đến sức khoẻ người tiêu dùng, gây ô nhiễm môi trường sinh thái.

Từ lâu các nhà khoa học đã phát hiện ra trong cây cúc Chrysanthemum cinerariaefoliumC.roseum chứa nhiều hoạt chất pyrethrin độc đối với côn trùng. Đặc biệt trong những năm gần đây những thuốc có nguồn gốc thực vật lại càng được chú trọng. Ở Việt Nam hiên nay chỉ mới sử dụng các hợp chất bán tổng hợp Pyrethroid để diệt côn trùng, còn về diệt ve ký sinh thì còn ít nghiên cứu và ứng dụng.

Mục đích nghiên cứu

Bước đầu đánh giá tác dụng dược lý của hợp chất bán tổng hợp Pyrethroid đối với các giai đoạn phát triển của ve bò và ve chó.

Phương pháp nghiên cứu:

– Phương pháp thu thập mẫu trên cơ thể bò, chó

Tiến hành bắt ve trên cơ thể bò, dùng kẹp để bắt ve ở nách, bẹn, tai..Các mẫu thu được, nhanh chóng bảo quản và đưa về phòng thí nghiệm để định loại.

Bảo quản mẫu vật sống: Bắt ve cho vào đĩa Petri đáy có lót một lớp bông mỏng, phía dưới đặt một miếng giấy lọc nhỏ, cho các đĩa vào hộp hình trụ, để nơi thoáng và nhanh chóng chuyển về phòng thí nghiệm.

Định danh loài ve ký sinh trên bò, chó

– Thử nghiệm hiệu lực diệt các giai đoạn phát triển của ve của hợp chất bán tổng hợp Pyrethroid, bằng phương pháp thực nghiệm trong phòng thí nghiệm có đối chứng.

– Pyrethroid pha thành các dung dịch có nồng độ 1%, 3%, 5%, 6%, 7%, 8%, 9%, 10%

Kết quả chính:

Trong phòng thí nghiệm, với phương pháp nhúng ve bò Boophilus microplus và ve chó Rhipicephalus sanguineus ở các giai đoạn vào các nồng độ dung dịch Pyrethroid từ 1%, 3%, 5%, 6%, 7%, 8%, 9%,10% và theo dõi sau 24 giờ, sau 48 giờ cho thấy:

Đối với giai đoạn ve trưởng thành: Nồng độ Pyrethroid 10% có khả năng diệt ve Boophilus microplus cao nhất với tỉ lệ ve chết ở 24 giờ là 63,33%, ở 48 giờ là 70%. Nồng độ 1% khả năng diệt ve kém nhất, sau 24 giờ không gây chết ve nào, sau 48 giờ tỉ lệ chết ve là 10%. Nồng độ Pyrethroid 10% có khả năng diệt ve Rhipicephalus sanguineus trưởng thành cao nhất tương ứng với tỉ lệ chết ở 24 giờ là 60%, ở 48 giờ là 66,66%. Nồng độ 1 % có khả năng diệt ve trưởng thành thấp nhất không gây chết ve ở 24 giờ, ở 48 giờ tỉ lệ chết ve là 3.33%.

Đối với ve ở giai đoạn thiếu trùng, ấu trùng: ở tất cả các nồng độ dung dịch đều diệt đươc 100% ve trong thời gian 24 giờ.

Kết quả thử nghiệm dung dịch Pyrethroid nồng độ 5 % trên bò nhiễm ve. Tỉ lệ ve chết ở thiếu trùng và trưởng thành là 100 % ở 24 giờ. Ở ve trưởng thành là tỉ lệ chết là 84% sau 24 giờ phun, 92% sau 48 giờ phun đối với thí nghiệm lần 1. Lần 2 tỉ lệ chết sau 24 giờ 85,5% và sau 48 giờ 91,4%. Tỉ lệ diệt ve trung bình sau 24 giờ sau phun là 84,85% và 48 giờ sau phun là 91,7%.

Kết luận

Đây là nghiên cứu bước đầu đánh giá tác dụng dược lý của hợp chất bán tổng hợp Pyrethroid đối với các giai đoạn phát triển của ve bò và ve chó. Kết quả nghiên cứu đã cung cấp thông tin quan trọng khẳng định hoạt chất pyrethrin có tác dụng diệt côn trùng. Từ đó cung cấp dữ liệu cho các nghiên cứu tiếp theo về việc tìm ra các loại thuốc vừa có hiệu lực diệt ve cao và ít gây hại cho động vật, con người và môi trường sinh thái.

Từ khóa: Boophilus microplus, Pyrethroid, Rhipicephalus sanguineu, ve

Link bài báo: Vietnam J. Agri. Sci. 2018, Vol. 16, No. 1: 18-25

Nguyễn Thị Hồng Chiên1, Nguyễn Thị Lan1,  Nguyễn Văn Thọ1 

1Khoa thú y – Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam

One thought on “NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC BỔ SUNG HỖN HỢP VI LƯỢNG, THẢO DƯỢC, MEN VI SINH VÀ ĐẠM THỦY PHÂN ĐẾN CHẤT LƯỢNG TINH LỢN MÓNG CÁI, DUROC

  1. Hoàng văn hung says:

    Dạ em muốn mua sản phẩm thì mua sao ạ, em cảm.ơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *