BÁC SỸ THÚ Y: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ

Trong khi thế giới đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19, một bệnh truyền lây giữa người và động vật do một chủng Coronavirus mới gây ra, thì vài tuần trở lại đây, sự bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ hay bệnh đậu khỉ (Monkeypox) do virus họ đậu gây ra tiếp tục dấy lên lo ngại khi số lượng ca bệnh được xác nhận ngày càng tăng ở các quốc gia châu Âu (Hình 1). Đến ngày 04/06/2022, tổng cộng có 780 trường hợp được phòng thí nghiệm xác nhận và thông báo cho WHO. Trong đó, không ghi nhận trường hợp tử vong nào từ các quốc gia mới phát hiện bệnh đậu khỉ (WHO, 2022).

Hình 1: MPXV dưới kính hiển vi điện tử có màu (Nguồn: CDC/CYNTHIA S. GOLDSMITH)

Bệnh lưu hành và gây ra hàng nghìn trường hợp mắc bệnh mỗi năm ở hai khu vực Trung Phi và Tây Phi. Năm 2017, bệnh đậu khỉ tái bùng phát ở Nigeria. Ngày 13/05/2022, ca bệnh đầu tiên được báo cáo tại Anh và chỉ trong vòng 3 tuần, virus đậu khỉ (Monkeypox virus – MPXV) được ghi nhận từ 27 quốc gia thành viên của WHO thuộc 4 khu vực trên thế giới (Bảng 1). Điều đáng lo ngại là cả 27 quốc gia này đều không lưu hành MPXV trước đây (Hình 2). Đồng thời, phần lớn các ca bệnh được báo cáo cho đến nay đều không có lịch sử dịch tễ liên quan đến khu vực đang có dịch. Theo WHO, nguy cơ của bệnh đối với cộng đồng đã được thay đổi từ mức thấp lên mức vừa phải.

Bảng 1: Các quốc gia, khu vực và số lượng ca nhiễm đã được xác nhận tính đến ngày 04/06/2022 (Theo số liệu của WHO, 2022)

Khu vực

Quốc gia Xác nhận
Châu Mỹ Argentina 2
Canada 58
Mexico 1
Mỹ 19
Địa Trung Hải Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất 8
Morocco 1
Liên Minh Châu Âu Áo 1
Bỉ 12
Cộng hoà Séc 6
Đan Mạch 2
Phần Lan 2
Pháp 33
Đức 57
Hungary 1
Ireland 4
Israel 2
Ý 20
Malta 1
Hà Lan 31
Na Uy 1
Bồ Đào Nha 138
Slovenia 6
Tây Ban Nha 156
Thuỵ Điển 4
Thuỵ Sỹ 4
Vương Quốc Anh & Bắc Ireland 207
Tây Thái Bình Dương Úc 2
Tổng 27 quốc gia 780

 

Bệnh đậu khỉ do một loại DNA virus thuộc giống Orthopoxvirus, họ Poxviridae gây ra và có khả năng nhân lên trong nguyên sinh chất của tế bào vật chủ (Cann et al., 2013). MPXV và virus đậu mùa người có sự liên quan về mặt di truyền và kháng nguyên. Tên bệnh bắt nguồn từ phát hiện ban đầu về virus này trên khỉ ở Viện Statens, Copenhagen, Đan Mạch vào năm 1958. Trường hợp mắc đầu tiên trên người là một trẻ nhỏ ở Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1970.

Hình 2: Bản đồ phân bố theo địa lý của các trường hợp đã xác nhận và nghi ngờ mắc MPXV ở các quốc gia không lưu hành bệnh từ 13/05 – 03/06/2022 (WHO, 2022)

 

Khả năng lây truyền từ động vật của MPXV

Cộng đồng nói chung và các bác sĩ thú y nói riêng cần có nhận thức về mức độ ảnh hưởng của virus lên nhiều loài động vật có vú và các cách thức truyền lây từ động vật này sang động vật khác cũng như sang người.

Ở châu Phi, các xét nghiệm huyết thanh học cho thấy sự lây nhiễm MPXV ở nhiều loài động vật có vú, bao gồm cả động vật linh trưởng không phải người, động vật gặm nhấm và sóc (Parker et al., 2012). Năm 2003, MPXV xuất hiện ở Mỹ thông qua nhập các loài gặm nhấm hoang dã từ châu Phi, virus sau đó nhiễm từ chuột Gambian (Cricetomys sp.) sang loài chó đồng cỏ bản địa (Cynomys ludovicianus) (Reed et al., 2003). Tuy nhiên, MPXV chỉ được phân lập hai lần, từ sóc dây Châu Phi (Funisciurus sp.) vào năm 1985 (Khodakevich et al., 1986) và khỉ Scooty Mangabey (Cercocebus atys) vào năm 2012 (Radonić et al., 2014).

Như vậy, các loài linh trưởng và động vật gặm nhấm rất dễ bị nhiễm MPXV. Tuy nhiên, ổ chứa mầm bệnh tự nhiên vẫn chưa được xác định. Vì vậy, tất cả các loài động vật có vú đều có nguy cơ nhiễm MPXV.

Virus lây truyền giữa các loài động vật qua dịch tiết đường hô hấp, qua “aerosol” hoặc chất hữu cơ có chứa các phân tử virus (ví dụ, qua sự nhiễm của virus trong chất độn chuồng), qua vết trầy xước da, mắt hoặc khi ăn phải thịt động vật bị nhiễm bệnh.

MPXV có thể lây truyền qua tiếp xúc gần giữa động vật và con người, thường là qua vết cắn, vết xước hoặc tiếp xúc với các “fomite” – khi các giọt bắn dịch tiết đường hô hấp chứa mầm bệnh có thể rơi và bám vào các bề mặt, làm bề mặt có mầm bệnh tồn tại như chăn ga, gối đệm hoặc quần áo bị nhiễm từ các vết thương do MPXV.

Trước đây, lây truyền MPVX từ người sang người ít phổ biến hơn, phương thức truyền lây có thể qua tiếp xúc trực tiếp với vật liệu gây tổn thương hoặc dịch tiết đường hô hấp. Theo TS. Andrea McCollum, trưởng nhóm dịch tễ học poxvirus tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) chia sẻ: MPXV chưa bao giờ hoặc rất hiếm khi xuất hiện đồng thời ở nhiều quốc gia và bây giờ là đồng thời ở nhiều châu lục. Không chỉ vậy, các ca bệnh hiện nay rất khác các ca bệnh được ghi nhận bên ngoài châu Phi trước đấy, vì những người này không đi qua vùng có dịch. Như vậy, nhiều khả năng sự lây truyền từ người sang người đang thúc đẩy sự lây lan của bệnh. Nhiều bằng chứng mới đây cho thấy, đường lây truyền của MPXV nhiều khả năng liên quan đến các hoạt động chăm sóc người bệnh hoặc quan hệ tình dục đồng giới.

 

Triệu chứng lâm sàng của bệnh do MPXV

Ở người, các triệu chứng do MPXV tương tự nhưng nhẹ hơn các triệu chứng của bệnh đậu mùa. Bệnh khởi phát với những cơn sốt, nhức đầu, đau cơ và mệt mỏi. Trong vòng 1 đến 3 ngày (đôi khi lâu hơn) sau khi xuất hiện sốt, bệnh nhân phát ban, thường bắt đầu ở mặt sau đó lan ra các bộ phận khác của cơ thể. Sự khác biệt lớn nhất về triệu chứng của bệnh đậu mùa và bệnh do MPXV gây ra là bệnh do MPXV làm sưng các hạch bạch huyết trong khi bệnh đậu mùa thì không. Thời kỳ ủ bệnh của bệnh đậu khỉ thường từ 7-14 ngày nhưng có thể từ 5-21 ngày. Các tổn thương sẽ tiến triển qua các giai đoạn trước khi tự khỏi, bệnh thường kéo dài trong 2-4 tuần. Theo thống kê, ở các quốc gia châu Phi, bệnh do MPXV được chứng minh là có thể gây tử vong cho 1/10 số người mắc bệnh.

Ở động vật, trong tự nhiên, có rất ít các ghi chép về triệu chứng do MPXV gây ra. Theo các nghiên cứu gây bệnh thực nghiệm trên khỉ Rheus Macaques (Macaca mulatta) thì các triệu chứng khá giống với bệnh đậu mùa trên người (Hình 3). Các thay đổi về chỉ số liên quan đến huyết học như tăng số lượng bạch cầu, thiếu máu và giảm albumin huyết (Zaucha et al., 2001; Hooper et al., 2004; Marriott et al., 2008; Huggins et al., 2009; Nalca et al., 2010). Đôi khi các cá thể đơn lẻ cũng có sự thay đổi về nồng độ ALP, AST, BUN hoặc creatinin tăng cao (Hooper et al., 2004). Điểm khác biệt duy nhất là không quan sát thấy hiện tượng giảm tiểu cầu giống như bệnh đậu mùa trên người (Cann et al., 2013).

Hình 3. Triệu chứng lâm sàng của khỉ nhiễm MPXV trong thực nghiệm

 

Nguyên nhân có thể gây bùng phát MPXV

Câu hỏi lớn nhất cần được giải đáp là tại sao bệnh do MPXV lại diễn ra vào thời điểm này? Các ca bệnh liên quan đến MPXV đã tăng lên kể từ khi bệnh đậu mùa được cho là đã xóa sổ vào những năm 1980 và vẫn tiếp tục tăng nhanh trong thập kỷ qua. Vắc-xin từ virus đậu có khả năng bảo hộ chéo, vì vậy, các chuyên gia cho rằng mấu chốt của sự gia tăng các ca bệnh do MPXV một phần là do miễn dịch cộng đồng giảm, điều này đến từ việc giảm tiêm phòng bệnh đậu mùa những năm trở lại đây. Theo WHO, 40 năm trước, khoảng 80% dân số đã được tiêm vắc xin phòng bệnh đậu mùa so với 30% như hiện tại.

Đồng thời, việc phát triển du lịch, giao thương buôn bán, cùng với gia tăng dân số, cũng tạo ra nhiều cơ hội hơn cho con người tiếp xúc với các ổ chứa động vật chứa virus.

Một con đường cần được quan tâm khác là việc mua bán, sử dụng và tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Do đó, các hoạt động săn, bắt, vận chuyển, trao đổi, buôn bán và sử dụng trái phép các loài động vật hoang dã cần ngay lập tức dừng lại nhằm bảo vệ sức khoẻ của cả cộng đồng.

 

Phòng và trị bệnh MPXV

Có 2 loại vắc-xin phòng MPXV dành cho người lớn ở Mỹ bao gồm:

  • ACAM2000: được phê duyệt vào năm 2007 để chủng ngừa bệnh đậu mùa. ACAM2000 là vắc-xin dạng tiêm chứa chủng virus sống. Vắc-xin này có thể được sử dụng cho những người tiếp xúc với MPXV nếu được sử dụng theo một quy trình mới cần được kiểm chứng.
  • JYNNEOS: là một loại vắc-xin sống, virus không còn khả năng nhân lên, được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt vào năm 2019 để phòng ngừa bệnh đậu mùa và bệnh do MPXV.
  • Một loại thuốc kháng virus cũng đã được phát triển để điều trị bệnh đậu mùa (tecovirimat, có tên thương mại là TPOXX) cũng đã được phê duyệt để điều trị bệnh đậu mùa khỉ vào năm 2022.

Các chuyên gia của CDC đề nghị tiêm vắc xin sau khi phơi nhiễm có thể ngăn ngừa hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh. CDC có các hướng dẫn cụ thể về các trường hợp phơi nhiễm khác nhau, cho bệnh nhân và nhân viên y tế.

 

Với các bác sĩ thú y

  • Cần lưu ý tất cả các động vật có vú mẫn cảm với bệnh đậu khỉ, đặc biệt là các động vật gặm nhấm ngoại lai nuôi làm cảnh (exotic animals).
  • Cần hiểu rõ cách thức và các con đường truyền lây của bệnh từ động vật này sang động vật khác, từ động vật sang người.
  • Với những trường hợp quyết định điều trị cho động vật nghi ngờ mắc MPXV nên sử dụng bảo hộ và các biện pháp phòng ngừa kiểm soát lây nhiễm để bảo vệ bản thân, nhân viên, khách hàng cũng như các bệnh nhân động vật khác trong phòng khám.

Nguyễn Vũ Sơn1,2*, Nguyễn Lan Hương1, Lê Thị Dung3, Đàm Quỳnh Anh1, Nguyễn Thị Hương Giang1,

Vương Tuấn Phong2, Trần Thị Hà1, Trần Minh Hải1, Hoàng Minh1, Bùi Thị Tố Nga1, Bùi Trần Anh Đào1, Nguyễn Thị Lan1, Nguyễn Hữu Nam1

1Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

2Mạng lưới thú y trẻ Việt Nam (Vietnam Youth Vet Network – VYVN)

3Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát khẩn cấp dịch bệnh động vật xuyên biên giới (ECTAD), FAO VN

 

*Tác giả liên hệ: TS. Nguyễn Vũ Sơn – Bộ môn Bệnh lý Thú y, Khoa Thú y, HVNNVN

Email: nguyenvuson@vnua.edu.vn/ nguyenvuson89@gmail.com