Ảnh hưởng của sự hình thành và thoái hóa thể vàng phụ trong giai đoạn mang thai đến nồng độ progesterone huyết thanh và tình trạng bào thai ở bò thịt lai lứa đầu.

 

Tính cấp thiết

Hormone steroid progesterone (P4) có chức năng thiết yếu trong việc hình thành và duy trì thai kỳ ở gia súc. Tác động của P4 trên tử cung liên quan đến mối quan hệ giữa bào thai và cơ thể mẹ, khả năng nhận biết và tiếp nhận bào thai của tử cung để làm tổ. Duy trì nồng độ P4 huyết thanh là cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của phôi thai. Nồng độ P4 huyết thanh không đủ có thể dẫn đến mất phôi do không phù hợp đối với sự biểu hiện gen nội mạc tử cung và mô trong tử cung. Nồng độ P4 huyết thanh thấp so với tiêu chuẩn là một trong những yếu tố ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản ở gia súc sau khi phối giống. Ngược lại, bổ sung P4 từ ngày thứ 5 của thai kỳ nâng cao khả năng phát triển của nhau thai cũng như tỷ lệ thụ thai.

Kích tố của nhau thai người (human chorionic gonadotropin – hCG) được sử dụng trong giai đoạn phát triển của thể vàng, nhằm mục đích nâng cao quá trình tổng hợp P4 bởi thể vàng, qua đó giúp cải thiện khả năng sinh sản ở gia súc. Sử dụng hCG vào ngày thứ 4, 5 hoặc 7 của chu kỳ động dục gây ra sự rụng trứng từ nang trứng trội của sóng nang thứ nhất và hình thành thể vàng phụ, tăng nồng độ P4 huyết thanh, nâng cao hiệu quả của quá trình thụ tinh trên bò cái.

Sự hình thành thể vàng phụ sau khi điều trị hCG tương đối cao, xảy ra ở bò cái tơ Holstein (60% – 74,4%) được điều trị bằng hCG (1.500 IU) vào ngày thứ 7 sau động dục và bò cái tơ lai (100%) được điều trị bằng hCG (1.500 IU) vào ngày thứ 5 sau động dục. Nồng độ P4 huyết thanh và tỷ lệ mang thai cao hơn ở bò cái được tiêm hCG có hình thành thể vàng phụ so với những bò cái không hình thành thể vàng phụ.

 

Mục đích nghiên cứu:                                                                            

Nghiên cứu được tiến hành nhằm xác định ảnh hưởng của thể vàng phụ được tạo thành sau khi tiêm hCG trong giai đoạn phát triển của thai kỳ đối với nồng độ P4 huyết thanh và quá trình mang thai trên bò thịt lai áp dụng bằng phương pháp cấy truyền phôi.

Phương pháp nghiên cứu:

Ngày động dục được coi là ngày 0. Bò cái cái động dục được phân chia ngẫu nhiên thành 2 nhóm: Nhóm 1 điều trị bằng hCG 1.500 IU vào ngày thứ 5 sau động dục và nhóm 2 không điều trị. Cấy truyền phôi được thực hiện vào ngày thứ 7 sau khi động dục. Siêu âm buồng trứng được thực hiện bằng phương pháp siêu âm qua trực tràng có gắn đầu dò tuyến tính tần số 5 MHz. Bò cái sau khi tiêm hCG, siêu âm buồng trứng kiểm tra thể vàng chính được tiến hành vào ngày thứ 7, thể vàng phụ được đánh giá vào ngày thứ 33 (đường kính ≥ 10 mm) sau động dục. Dựa trên vị trí của thể vàng phụ so với thể vàng chính, chúng tôi phân chia thành nhóm có thể vàng phụ, thể vàng chính trên cùng một buồng trứng và nhóm có thể vàng phụ, thể vàng chính trên 2 buồng trứng đối diện.

Mẫu máu được thu thập vào các ngày 33, 40 và 47 từ tĩnh mạch cổ hoặc động mạch đuôi để tiến hành định lượng progesterone huyết thanh.

 

Kết quả chính:

Vào ngày thứ 33, nồng độ P4 ở bò cái được tiêm hCG (thể vàng phụ tồn tại/ thể vàng phụ thoái hóa) cao hơn ở bò cái không được tiêm hCG (P <0,05). Nồng độ P4 trong nhóm bò cái có thể vàng phụ tồn tại luôn duy trì ở mức cao trong suốt giai đoạn theo dõi. Ngược lại, nồng độ P4 huyết thanh trong nhóm thể vàng phụ thoái hóa giảm dần từ ngày 33 đến ngày 47 (P <0,05). Mặt khác, trong nhóm bò không tiêm hCG, nồng độ P4 trong huyết thanh tăng từ ngày thứ 33 đến Ngày thứ 47 (P <0,05). Nồng độ P4 ngày thứ 40 trong nhóm bò có thể vàng phụ cao hơn nhóm bò không tiêm hCG và nhóm bò có thể vàng phụ thoái hóa. Nồng độ P4 ngày thứ 47 nhóm có thể vàng phụ cao hơn nhóm thể vàng phụ thoái hóa (P < 0.05).

Tỷ lệ có thai ở nhóm điều trị hCG cao hơn ở nhóm không điều trị vào ngày 30 (80,5%; 169/210 so với 68,6%; 170/248, P = 0,002) và ngày 50 (76,2%; 160/210 so với 65,3%; 162/248, P = 0,007). Không có ảnh hưởng của các biến số độc lập đến tỷ lệ sẩy thai từ ngày 30 đến 50.

 

Kết luận:

Sự thoái hóa của thể vàng phụ ở buồng trứng đối diện so với thể vàng chính dẫn đến nồng độ P4 trong huyết thanh giảm thấp hơn nhóm có thể vàng phụ. Tuy nhiên, nồng độ P4 trong nhóm có thể vàng thoái hóa không ảnh hưởng đến quá trình mang thai của bò cái trước ngày 50 của thai kỳ. Kết quả của nghiên cứu này cung cấp bằng chứng cho thấy sự hình thành và thoái hóa của thể vàng phụ ảnh hưởng đến nồng độ P4 huyết thanh cũng như tình trạng mang thai ở bò cái tơ lai. Thông tin này góp phần nâng cao hiệu quả điều trị bằng hCG để cải thiện khả năng sinh sản của bò cái tơ.

Từ khóa: Accessory corpus luteum, Embryo transfer, hCG, Pregnancy loss, Progesterone

Share Link: https://authors.elsevier.com/c/1dbpm1M2wIBlJ0

Hình 1: Thiết kế thí nghiệm: (A) Thí nghiệm 1; (B) Thí nghiệm 2; hCG – human chorionic gonadotropin.

Hình 2. Nồng độ P4 huyết thanh từ ngày 33 đến 47 ở bò cái tơ mang thai được chia thành ba nhóm: bò cái tơ điều trị với hCG, thể vàng phụ tồn tại hoặc thoái hóa trong giai đoạn từ ngày 33 đến ngày 47 (hCG/thể vàng phụ thoái hóa hoặc hCG/thể vàng phụ tồn tại) hoặc bò cái tơ không được điều trị. hCG được tiêm 5 ngày sau khi bò động dục. A, B chỉ ra sự khác biệt giữa các nhóm (P <0,05); a, b và x, y chỉ ra sự khác biệt giữa các ngày 33, 40 và 47 (P <0,05).

 

Bảng 1: Sự thoái hóa thể vàng phụ ở trên cùng một buồng trứng (Ipsilateral) hoặc trên buồng trứng đối diện (Contralateral) so với thể vàng chính ở bò cái tơ được điều trị bằng hCG vào ngày thứ 5 sau động dục.

Bảng 2: Tỷ lệ mang thai và mất phôi từ ngày 30 đến ngày 50 sau khi động dục.

Ken Hazano a,b , Takafumi Miki c , Akira Goto b , Mitsunori Kayano d , Shingo Haneda b , Dung Van Buib,e , Ryotaro Miura f , Motozumi Matsui b, *

aKhoa Chăn nuôi, Đại học Gifu, 1-1 Yanagido, Gifu, 501-1193, Nhật Bản

b Khoa Thú y, Đại học Nông nghiệp và Thú y Obihiro, Obihiro, 080-8555, Nhật Bản

c Tokachi NOSAI, Hokkaido, 089-1182, Nhật Bản

d Trung tâm nghiên cứu Y tế nông nghiệp toàn cầu, Đại học Nông nghiệp và Thú y Obihiro, Obihiro, 080-8555, Nhật Bản

e Bộ môn Ngoại- Sản, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam

f Khoa Thú y, Đại học khoa học sự sống và Thú y Nippon, Tokyo, 180-8602, Nhật Bản