Ảnh hưởng của phương pháp gây đẻ tập trung đối với một số chỉ tiêu sinh sản ở lợn

Ảnh hưởng của phương pháp gây đẻ tập trung đối với một số chỉ tiêu sinh sản ở lợn

Nguyen Hoai Nam, Le Thi Le Thuong, Nguyen Thi Le, Nguyen Van Nhat, Bui Tran Anh Dao, Tran Minh Hai, Nguyen Duc Truong, Do Thi Kim Lanh, Peerapol Sukon

Tác giả liên hệ: sukonp@kku.ac.th; nguyenhoainam@vnua.edu.vn

Các phương pháp gây đẻ tập trung ở lợn được thực hiện với mục đích tăng tỷ lệ lợn nái đẻ trong thời gian làm việc, tăng tỷ lệ giám sát quá trình đẻ, cũng như khả năng ghép lợn con ở các nái khác nhau. Bài báo tổng quan này nhằm đánh giá tác động của việc kích thích đẻ lên thời gian đẻ, khoảng cách sinh, cân nặng khi sinh, đẻ khó/sinh hỗ trợ và chết lưu ở lợn. Kết quả cho thấy thông qua các đường dùng khác nhau, prostaglandin tự nhiên hoặc tổng hợp, một mình hoặc kết hợp với các thuốc co tử cung, bao gồm oxytocin và carbetocin, đã được sử dụng để kích thích đẻ. Đôi khi các loại thuốc khác, chẳng hạn như dexamethasone, estradiol, xylazine, ergometrine và AGN 190851 cũng được sử dụng. Tiêm thuốc ở âm hộ có thể giảm từ 50-75% liều so với đường tiêm mà vẫn cho kết quả như tiêm bắp. Nên chia liều prostaglandin thành hai và tiêm cách nhau 6h vì nó có thể tăng cường quá trình thoái hoá thể vàng. Ngoài ra, nếu sử dụng hormone gây co bóp tử cung khác như oxytocin hay carbetocin sau khi sử dụng prostaglandin thì sớm nhất cũng phải sau khi sinh lợn con đầu tiên để đảm bảo cổ tử cung mở hoàn toàn. Nghiên cứu cho emeem 2 liều prostagalandin (½+ ½) cách nhau 6h làm giảm thời gian đẻ, khoảng cách sinh giữa các lợn con và đẻ khó. Không nên gây đẻ tập trung sớm hơn quá 2 ngày so với đẻ dự kiến để đảm bảo tỷ lệ thai chết lưu không tăng và cân nặng sơ sinh không giảm. Nghiên cứu cũng cho thấy một số các yếu tố chẳng hạn như tỷ lệ giám sát lợn đẻ, sự khác biệt tự nhiên về trọng lượng sơ sinh của lợn con, số con sơ sinh/ổ, thời gian mang thai và điều trị với Altrenogest trước khi kích thích có thể là các yếu tố gây nhiễu làm thay đổi đánh giá về tác động của việc gây đẻ tập trung đối với một số chỉ tiêu trong quá trình đẻ.

Từ khoá: Lợn, gây đẻ tập trung, cloprostenol, dinoprost.

Link bài báo: 10.2478/aoas-2023-0041