ẢNH HƯỞNG CỦA MỘT SỐ YẾU TỐ ĐẾN GÃY XƯƠNG CHI SAU CỦA CHÓ VÀ LỰA CHỌN KỸ THUẬT ĐIỀU TRỊ

Giới thiệu: Gãy xương là tổn thương thực thể thường gặp ở thú nhỏ đặc biệt ở chó, trong đó gãy xương đùi chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các ca bệnh gãy xương. Các bệnh ở hệ vận động trong đó có gãy xương chịu ảnh hưởng rất lớn của yếu tố thuộc về cơ thể và các yếu tố ngoại cảnh. Đánh giá các đặc điểm của tổn thương là vấn đề mấu chốt của điều trị gãy xương. Để phòng và điều trị các ca chấn thương hệ vận động đạt hiệu quả cao, việc hiểu được các yếu tố nguy cơ và lựa chọn phương pháp can thiệp phù hợp là những yếu tố quyết định.

Mục đích nghiên cứu: Nhằm làm rõ mối quan hệ giữa giống, tuổi, tính biệt và các nguyên nhân gây chấn thương với vị trí gãy xương; và đánh giá kết quả can thiệp gãy xương ở chó.

Nội dung nghiên cứu: Đánh giá ảnh hưởng của giống, tính biệt, và tuổi đến vị trí gãy xương chi sau của chó. Mối liên hệ giữa nguyên nhân gây gãy xương với vị trí gãy xương chi sau. Lựa chọn kỹ thuật điều trị và đánh giá kết quả điều trị.

Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu này sử dụng các phương pháp chẩn đoán bao gồm phỏng vấn, chẩn đoán lâm sàng, chẩn đoán X-quang với sự trợ giúp của C-arm. Các kỹ thuật đóng đinh Kirschner, nẹp vít, đóng đinh nội tủy có chốt và cố định ngoài được ứng dụng trong điều trị. Kỹ thuật điều trị được lựa chọn căn cứ vào vị trí gãy xương, dạng gãy xương (gãy hoàn toàn hay gãy đôi, gãy không hoàn toàn, gãy nhiều đoạn, gãy vụn). Các ca gãy xương chậu được can thiệp bằng phương pháp dùng nẹp-vít; gãy xương đùi được điều trị bằng đóng đinh Kirschner nội tủy, đóng đinh nội tủy có chốt, đinh cố định ngoài có đinh nội tủy, đinh cố định ngoài không có đinh nội tủy và dùng nẹp-vít; gãy xương cẳng chân được điều trị bằng đinh nội tủy có chốt, đinh cố định ngoài có đinh nội tủy, đinh cố định ngoài không có đinh nội tủy; gãy xương bàn-ngón được can thiệp bằng phương pháp dùng đinh nội tủy. Kết quả can thiệp gãy xương được đánh giá dựa trên trạng thái phục hồi vết mổ và hình ảnh X-quang sau phẫu thuật.

 

Kết quả: Kết quả nghiên cứu cho thấy trong số 122 ca chó bị gãy xương chi sau trong một năm tại Hà Nội thì chó Poodle và Phốc chiếm 55,67% và 16,35%, cao hơn các giống khác. Số ca gãy xương chi sau giảm dần theo tuổi, trong đó gãy xương đùi chiếm tỷ lệ cao nhất (47,54%), tiếp theo là xương cẳng chân (34,43%), xương chậu (13,93%) và xương bàn-ngón (4%). Tần suất bắt gặp gãy xương ở chó dưới 1,5 tuổi gấp 3 lần so với chó ở độ tuổi từ 1,5 đến 3 tuổi, và xấp xỉ gấp 13 lần so với chó trên 3 năm tuổi. Tần suất bắt gắp cho đực gãy xương cao hơn 1.5 lần so với chó cái. Tai nạn giao thông là nguyên nhân thường gặp nhất gây gãy xương chi sau. Các kỹ thuật điều trị đã được lựa chọn phù hợp với vị trí xương gãy, đặc điểm ổ gãy và sự chấp nhận của chủ nuôi chó để có kết quả điều trị tốt, 100% chó được điều trị có thể vận động trở lại.

Link bài báo: https://vjol.info.vn/index.php/kk-ty/article/view/58480/48824

                                                                                                                                               Hình ảnh minh họa:

                                                                                                                               Hình 1. Can thiệp phẫu thuật gãy xương đùi

                                                                                                                           Hình 2. Can thiệp phẫu thuật gãy xương cẳng chân

                                                                                                                           Hình 3. Can thiệp phẫu thuật gãy xương bàn-ngón chân

Mai Ngọc Tuyền1, Nguyễn Bá Tiếp2

1 Trung tâm phẫu thuật thú y Funpet

2 Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam