Ảnh hưởng của chảy sản dịch đến tiêu chảy ở lợn con

Tính cấp thiết: Tiêu chảy ở lợn con theo mẹ là một trong các nguyên nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, khả năng sống của lợn con. Một số nguyên nhân gây ra tiêu chảy ở lợn con theo mẹ bao gồm thiếu enzyme tiêu hóa lactose, vi khuẩn, vi rút gây bệnh, stress từ môi trường sống, lợn con bị lạnh. Ngoài các nguyên nhân kể trên, tiêu chảy còn có thể chịu ảnh hưởng bởi các quá trình bệnh lí của lợn mẹ.

Mục đích: Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu sự ảnh hưởng của thời gian chảy sản dịch ở lợn nái đối với các chỉ tiêu thời điểm sau đẻ đàn lợn con bắt đầu có con tiêu chảy, tỷ lệ lợn con trong đàn mắc tiêu chảy và thời gian đàn lợn có con mắc tiêu chảy.

    Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu được thực hiện trên 67 lợn nái Landrace x Yorkshire (67 lứa đẻ) và 762 lợn con theo mẹ tại 2 trại ở tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Lợn mẹ được tiêm vắc-xin phòng các bệnh giả dại, dịch tả, hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp và lở mồm long móng. Lợn mẹ được ăn 1,8-3,5kg thức ăn công nghiệp trong thời gian mang thai và sau khi đẻ, được ăn tăng dần từ 1,5kg đến 6kg từ ngày 1-6. Sau đó, lợn nái được ăn tự do. Lợn mẹ được uống nước tự do từ hệ thống cung cấp nước tự động. Lợn con sinh ra được cắt rốn, lau khô và cho bú sữa đầu trong vòng 30-45 phút sau sinh, nuôi trong lồng úm. Lợn con được cắt đuôi và cắt nanh trong vòng 24h sau sinh.  Lợn con được ghép mẹ để sao cho mỗi con mẹ nuôi 11-12 con. Đến ngày thứ 3, lợn con được tiêm bổ sung sắt và uống thuốc phòng cầu trùng, một số lợn con được tiêm bổ sung sắt lần 2 vào ngày thứ 7. Lợn đực được thiến trong vòng 7 ngày sau sinh. Lợn con được tiêm vắc xin phòng bệnh suyễn vào ngày 7 và 17, vắc xin phòng hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp vào ngày 14 và vắc xin phòng hội chứng còi cọc do Circovirus gây ra vào ngày 21. Lợn con được cai sữa vào ngày 21-28 sau đẻ.

Lợn mẹ được theo dõi sản dịch 2 lần/ngày cho tới khi hết dịch. Tiêu chảy ở lợn con được theo dõi 3 lần/ngày vào sáng, trưa, chiều. Khi phát hiện có lợn con mắc tiêu chảy, một số đàn được điều trị/điều trị dự phòngtoàn đàn bằng cách tiêm thuốc kháng sinh Enrofloxacin (10mg/kg thể trọng) và uống Diclazuril (0,12mg/kg thể trọng). Ở một số đàn, chỉ có những lợn con mắc tiêu chảy thì mới được điều trị với các thuốc và liều lượng như trên. Liệu trình điều trị/điều trị dự phòng kéo dài 3-4 ngày. Trong 2 ngày đầu, cả Enrofloxacin và Diclazuril được sử dụng. Từ ngày thứ 3 chỉ có Enrofloxacin được sử dụng. Các thuốc điều trị được dùng 1 lần/ngày. Lợn con được theo dõi cho tới khi hết tiêu chảy. Trong quá trình điều trị, lợn con vẫn được bú sữa mẹ/ăn cám bình thường, không bị tách khỏi đàn. Các thông số: thời điểm sau đẻ khi đàn lợn có con bắt đầu tiêu chảy, số con tiêu chảy (để tính tỉ lệ tiêu chảy của đàn) và thời gian đàn lợn có lợn tiêu chảy được theo dõi và ghi chép. Do có khó khăn trong quá trình nghiên cứu, chỉ tiêu thời gian tiêu chảy và số con/ổ mắc tiêu chảychỉ được theo dõi ở một số đàn. Chỉ tiêu thời điểm bắt đầu có lợn con mắc tiêu chảy được theo dõi trên tất cả các đàn lợn.

Kết quả: Thời gian chảy sản dịch trung bình của lợn nái trong nghiên cứu này là 4,4±1,4 ngày. Trong thời gian theo mẹ, 100% đàn lợn có con mắc tiêu chảy. Đàn có con mắc tiêu chảy sớm nhất là 2 ngày sau đẻ, muộn nhất là 20 ngày sau đẻ. Đàn có số con mắc ít nhất là 3 con và nhiều nhất là 12 con. Thời gian các đàn lợn có con mắc tiêu chảy biến động 3-10 ngày. Kết quả cho thấy thời gian chảy sản dịch ảnh hưởng tới tiêu chảy ở lợn con. Những lợn mẹ có thời gian chảy sản dịch ≥5 ngày thì có đàn con sớm mắc tiêu chảy hơn những đàn con ở lợn mẹ có thời gian chảy sản dịch <5 ngày (ngày 8,6±4,2 so với ngày 12,6±5,2 sau đẻ). Những lợn con được nuôi bởi lợn mẹ có thời gian chảy sản dịch ≥5 ngày thì có xu hướng dễmắc tiêu chảy hơn so với những lợn con được nuôi bởi lợn mẹ có thời gian chảy sản dịch <5 ngày (62,6±29,1 so với 46,2±16,3%). Tuy nhiên, thời gian chảy sản dịch của lợn mẹ không ảnh hưởng tới thời gian mắc tiêu chảy. Thời gian đàn lợn con có con mắc tiêu chảy ở 2 nhóm lợn mẹ có thời gian chảy sản dịch <5 và ≥5 ngày lần lượt là 4,8±1,5 và 5,4±2,0 ngày (P=0,38).

Kết luận: Thời gian chảy sản dịch của lợn nái ảnh hưởng tới tiêu chảy ở lợn con. Tỷ lệ lợn con mắc tiêu chảy khi được nuôi bởi những lợn mẹ có thời gian chảy sản dịch ≥5 ngày cao hơn so với lợn mẹ có thời gian chảy sản dịch ngắn hơn 5 ngày. Đặc biệt, khi thời gian chảy sản dịch của lợn mẹ ≥5 ngày sẽ làm cho đàn lợn con mà nó nuôi sớm mắc tiêu chảy hơn. Đây là một lưu ý quan trọng đối với người chăn nuôi và là cơ sở để người chăn nuôi lợn có các quan tâm, theo dõi và chăm sóc lợn con được kịp thời. Đồng thời, muốn giảm tỉ lệ lợn con theo mẹ mắc tiêu chảy thì một trong các việc cần làm đó là chăm sóc tốt cho lợn mẹ sau đẻ, điều trị kịp thời, hiệu quả những lợn mẹ viêm tử cung, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ.

                                                                                                                                                                                                                                                                                Nguyễn Hoài Nam-Khoa Thú y

Link bài báo: https://www.researchgate.net/publication/347907249_Effect_of_vaginal_discharge_in_sows_on_diarrhea_in_sucking_piglets