Đồng Văn Hiếu1, Trần Thị Hương Giang1, Vũ Thị Thu Trà1, Lê Thị Hồng Ngân2, Witsanu Rapichai3, Amonpun Rattanasrisomporn3, Chaiwat Boonkaewwan4, Bùi Trần Anh Đào1, Jatuporn Rattanasrisomporn3
1 Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
2Chi cục Thú y tỉnh Đak Lak
3Đại học Kasetsart, Thái Lan
4Đại học Walailak, Thái Lan
Tính cấp thiết: Virus Tembusu đã được báo cáo ở nhiều quốc gia trên thế giới có ngành công nghiệp chăn nuôi vịt phát triển. Ở Việt Nam, hội chứng giảm đẻ do virus Tembusu đã và đang gây ảnh hưởng lớn tới ngành chăn vịt. Một số nghiên cứu trước đây đã báo cáo về việc xác định virus gây bệnh ở vịt tại một số tính miền Bắc như Hà Nội, Bắc Giang,… Kết quả phân tích một phần gene mã hóa protein NS5B cho thấy virus có quan hệ gần với một số chủng được báo cáo ở Thái Lan. Việc tiếp tục nghiên cứu đặc điểm dịch tễ, sinh học phân tử nhằm cung cấp các thông tin quan trọng cho công tác phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng của căn bệnh này tới chăn nuôi vịt ở nước ta.
Mục đích nghiên cứu: Nghiên cứu này nhằm xác định đặc điểm dịch tễ, sinh học phân tử của một số chủng virus Tembusu ở vịt năm 2021.
Phương pháp nghiên cứu: 130 mẫu gộp phủ tạng của vịt có biểu hiện còi cọc, ủ rũ, tiêu chảy được thu thập từ 6 tỉnh/thành phía Bắc Việt Nam năm 2021. Phương pháp PCR được sử dụng để xác định virus Tembusu trong mẫu bệnh phẩm. Các mẫu dương tính được lựa chọn ngẫu nhiên để giải trình tự gene. Trình tự thu được được phân tích bằng các phần mềm tin sinh học.
Kết quả chính: Kết quả cho thấy, 21 (16,15%) mẫu và 9 (23,68%) trang trại dương tính với virus Tembusu. Tỷ lệ mẫu dương tính cao nhất là 59,26% được xác định ở nhóm vịt từ 2-4 tuần tuổi, cao hơn nhóm vịt <2 tuần và >4 tuần tuổi. Kết quả phân tích một phần trình gene E (891 bp) cho thấy, tỷ lệ tương đồng nucleotide giữa các chủng trong nghiên cứu này dao động từ 99,59% đến 100%, trong khi đó phân tích gene pre-membrane (498 bp) là 99,59% đến 100%. 5 chủng virus Tembusu trong nghiên cứu này có quan hệ di truyền gần với các chủng virus báo cáo ở Trung Quốc và khác với chủng virus sử dụng để sản xuất vaccine. Kết quả này cho thấy các chủng virus phát hiện trong nghiên cứu này là các chủng lưu hành thực địa.
Kết luận: Nghiên cứu này bước đầu đánh giá tỷ lệ dương tính theo mẫu, theo trang trại với virus Tembusu, mô tả đặc tính sinh học phân tử của virus dựa vào một phần gene E và gene pre-membrane cho thấy các chủng virus lưu hành có tỷ lệ tương đồng cao, là các chủng thực địa khác với chủng virus vaccine.
Từ khóa: Vịt, Đặc điểm sinh học phân tử, PCR, Virus Tembusu, Việt Nam
Link bài báo: https://www.frontiersin.org/journals/veterinary-science/articles/10.3389/fvets.2024.1366904/full